Tìm “điểm nổ” cho thị trường bất động sản 2024
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, nhiều doanh nghiệp đã công bố ra mắt dự án, người mua cũng bắt đầu đi tìm sản phẩm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là làm sao để tạo ra thanh khoản cho thị trường. Và liệu rằng, có một “điểm nổ” nào xuất hiện trong năm 2024 để thúc đẩy sự phục hồi của thị trường?
Năm cuối để “vượt chướng ngại vật”
Nhìn lại diễn biến của thị trường bất động sản trong năm qua, có thể nói năm 2023 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng.
Kể từ tháng 5/2022 cho đến cuối năm 2023, thị trường bất động sản đã bị phủ bởi “gam màu xám xịt, ảm đạm” khi có tới hàng nghìn dự án phải tạm dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải giải thể hoặc tạm đóng cửa. Việc này kéo theo hàng ngàn nhân viên môi giới bất động sản phải bỏ nghề, mà nguyên nhân đến từ sự biến động của biến động tình hình kinh tế thế giới, sự lạc hậu của một số bộ luật liên quan…
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng có thể thấy dưới sự chỉ đạo tích cực từ phía Chính phủ, các cơ quan ban ngành, cùng sự nỗ lực của tất cả doanh nghiệp bất động sản, càng về cuối năm, thị trường càng đón nhận những tín hiệu tích cực hơn cả về nguồn cung, giao dịch.
Theo đó, với hàng loạt chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, từ nửa cuối năm 2023, thị trường bất động sản xuất hiện những tín hiệu khởi sắc về lượng giao dịch ở một vài phân khúc. Kỳ vọng bất động sản năm 2024 sẽ nối tiếp sự hồi phục
Bàn về diễn biến thị trường bất động sản trong năm vừa qua, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, chia sẻ: Mặc dù bức tranh thị trường bất động sản trong cả năm 2023 nhìn chung ảm đạm nhưng vẫn có thể tìm được nhiều điểm sáng, cho thấy thị trường đang dần đi lên.
Nhận định về xu thế năm 2024, các chuyên gia đều cho rằng trong năm 2024, tình hình bất động sản Việt Nam sẽ thay đổi dựa vào tình hình kinh tế thế giới, điều hành kinh tế vĩ mô cũng như kết quả cải thiện thể chế, pháp lý liên quan với sự tham gia “thực sự” của chính quyền các cấp. Đến nay, chưa thể khẳng định thị trường sẽ đạt được các kết quả rực rỡ trong năm 2024. Nhưng có nhiều dấu hiệu tích cực đang tạo “nền móng” cho chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản Việt Nam.
Theo các chuyên gia đánh giá, thị trường bất động sản năm 2024 sẽ có nhiều cơ hội và thách thức đan xen; trong đó, ghi nhận những động thái tích cực cả về tổng cung và tổng cầu nhờ vào các thông tin quy hoạch. Sự tham gia của các chủ đầu tư trong “cuộc đua” phát triển nhà ở giá bình dân, nhà ở xã hội cũng sẽ từng bước thu hẹp khoảng cách lệch pha cung cầu. Từ đó, giúp thị trường phục hồi tốt hơn vào năm 2024, tiệm cận đà phát triển an toàn, lành mạnh; đưa bất động sản trở thành tài sản hữu ích.
Qua 2 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản, có nhiều diễn biến mới. 3 bộ Luật: Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và cùng có hiệu lực từ 1/1/2025 được kỳ vọng sẽ tạo đà cho thị trường bất động sản phục hồi nhanh. Chính vì thế, năm 2024 được coi là “năm thoát đáy”, “năm bản lề” của thị trường bất động sản Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Đặc biệt, tăng cường khả năng giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng các dự án nhà ở xã hội, phấn đấu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội để tăng nguồn cung, dẫn dắt thị trường bất động sản.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, năm 2024 sẽ thực hiện 5 giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản. Đó là: Tập trung tháo gỡ chính sách và thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn các luật vừa được thông qua; Tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho thị trường bất động sản qua gói tín dụng 120.000 tỷ đồng; Tập trung phát triển nhà ở xã hội; Triển khai hiệu quả Nghị quyết 33 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản.
“Điểm nổ” liệu có xuất hiện?
Mới đây, Tổng Cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có dữ liệu báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024.
Tại báo cáo, hoạt động kinh doanh bất động sản đã ghi nhận những tín hiệu tích cực về tình hình thu hút vốn đầu tư và số doanh nghiệp bất động sản quay trở lại thị trường.
Theo đó, tháng 2 năm nay, cả nước có gần 8,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 67,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 50,9 nghìn lao động.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, cả nước có hơn 22,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 218,7 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 154,3 nghìn lao động, tăng 12,4% về số doanh nghiệp, tăng 32,8% về vốn đăng ký và tăng 29% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình kinh doanh bất động sản, trong 2 tháng đầu năm cả nước có 552 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, bằng 100,4% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 843 doanh nghiệp, bằng 138,7% so với cùng kỳ 2023.
Về tổng thể, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, cả nước có 41,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bình quân 1 tháng có hơn 20,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Những con số trên cho thấy những tín hiệu đáng mừng đối với thị trường bất động sản khi các doanh nghiệp trong ngành đã có sự tăng trưởng về số lượng cũng như quy mô hoạt động cũng đã được cải thiện. Có thể thấy rằng niềm tin đối với thị trường bất động sản đang dần tích cực hơn.
Đánh giá về triển vọng thị trường, theo ông Nguyễn Anh Quê - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn G6, với chính sách nới lỏng tiền tệ và đẩy mạnh bơm tiền ra nền kinh tế của Chính phủ như hiện nay, thị trường bất động sản sẽ sớm hồi phục trở lại.
Chẳng hạn, với thị trường Phú Quốc, ông Quê cho biết, ngày 29/2/2024, tại Kiên Giang đã diễn ra hội nghị công bố quy hoạch chung TP. Phú Quốc đến năm 2040, khởi đầu cho “con sóng lớn” đầu tư vào thị trường này.
“Sức nóng của Phú Quốc đã được chứng minh qua các lần công bố quy hoạch trước đây ở các giai đoạn 2008-2010 và 2014-2017. Năm 2024, Phú Quốc dự kiến được quy hoạch trở thành đô thị loại 1 và là thành phố du lịch quốc tế. Do đó, đây sẽ là năm sôi động của bất động sản Phú Quốc, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới 2024-2026”, ông Quê thông tin.
Từ khảo sát thực tế, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận xét, năm 2024 nhiều yếu tố vĩ mô tác động tích cực đến thị trường như: lãi suất vay mua nhà tiếp tục được điều chỉnh giảm và nhà ở xã hội tiếp tục là trọng tâm trong Chương trình phát triển nhà ở của Chính phủ. Cùng đó, việc phê duyệt quy hoạch tại các địa phương trong giai đoạn đang xem xét sẽ được thúc đẩy hoàn thành sớm; chú trọng thúc đẩy đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy kinh tế nhiều vùng trọng điểm trên cả nước... sẽ là "trợ lực' cho thị trường.
Thị trường bất động sản năm 2024 được kỳ vọng ổn định được dự báo sẽ đón nhận việc quay trở lại của khoảng 30-40% môi giới bất động sản. Phân khúc bất động sản nhà ở sẽ dẫn dắt thị trường từ giữa năm 2024 với tổng nguồn cung căn hộ chung cư ước đạt trên 30.000 sản phẩm; trong đó, Hà Nội 15.000 sản phẩm, Tp. Hồ Chí Minh 5.000 sản phẩm và Bình Dương khoảng 10.000 sản phẩm.
Trong khi bất động sản công nghiệp vẫn được đánh giá là phân khúc tăng trưởng tốt thì bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục đối diện với nhiều thách thức; bất động sản thương mại không có biến động. Đáng chú ý, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) vẫn duy trì độ hấp dẫn.