Tin bất động sản 15/2: Hà Giang nghiên cứu phương án xây dựng sân bay lưỡng dụng trên diện tích 500ha

Tin bất động sản 15/2 đáng chú ý với thông tin tỉnh Hà Giang đang nghiên cứu phương án xây dựng sân bay lưỡng dụng trên diện tích 500ha và tình trạng thiếu vật liệu tại các dự án cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2 đang tái diễn, hiện nay, nhiều gói thầu của các dự án thành phần cũng đang trong cảnh \'ăn đong\' vật liệu…

Hà Giang nghiên cứu phương án xây dựng sân bay lưỡng dụng trên diện tích 500ha

Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức chiều 14/2, tại Hà Nội, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh cho biết vơívị trí địa chính trị quan trọng, việc quy hoạch Hà Giang phục vụ cho phát triển nhưng phải bền vững, bảo vệ và giữ gìn. Đặc biệt, công tác quy hoạch phải bài bản, phải chỉ rõ những khó khăn và đề ra các giải pháp.

Đặt trọng tâm vào phát triển du lịch, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cho biết đơn vị tư vấn quy hoạch của tỉnh cũng đã nghiên cứu phương án xây dựng sân bay lưỡng dụng để máy bay A320, A321 có thể cất, hạ cánh trên diện tích đất khoảng 500 ha.

Trình bày cụ thể về Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết tỉnh đặt mục tiêu phát triển xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện với phương châm: "Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá".

Theo đó, tỉnh Hà Giang hướng tới mục tiêu tạo không gian phát triển mới, đưa Hà Giang thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia - điểm đến của du khách quốc tế; nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao, tạo chuỗi giá trị; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông đối ngoại (đường cao tốc, sân bay…), hạ tầng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy thành trung tâm xuất nhập khẩu và logistic. Tiếp đó là xây dựng các mô hình sinh kế cho đồng bào các dân tộc phát triển ổn định; thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo anh sinh xã hội.

Trong Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Giang phấn đấu số lượng vốn huy động khoảng 132.000 tỷ đồng để cải thiện hiệu quả sử dụng vốn cũng như phát triển các ngành kinh tế. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang kết nối đến cửa khẩu Thanh Thủy hoàn thành đúng tiến độ trong giai đoạn 2022 – 2030; đưa sân bay Hà Giang vào quy hoạch và kêu gọi đầu tư,…

Hà Giang nghiên cứu phương án xây dựng sân bay lưỡng dụng trên diện tích 500ha. Ảnh minh họaVietnam Finance
Hà Giang nghiên cứu phương án xây dựng sân bay lưỡng dụng trên diện tích 500ha. Ảnh minh họaVietnam Finance

Để cụ thể hóa các mục tiêu nêu trên, Hà Giang sẽ quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các đô thị, trung tâm sản xuất, dịch vụ với các trục động lực tăng trưởng.

Cụ thể, trục động lực kinh tế đô thị (cấp tỉnh) - thương mại, dịch vụ - cửa khẩu quốc tế - du lịch: Liên kết phát triển toàn bộ khu vực động lực trung tâm tỉnh; kết nối khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy với các huyện Vị Xuyên, Thành phố Hà Giang, huyện Bắc Quang, Quang Bình.

Trục động lực kinh tế biên mậu - du lịch - đô thị (cấp huyện): Liên kết phát triển các khu vực cửa khẩu trên tuyến biên giới; các đô thị trung tâm tăng trưởng khu vực phía Tây và phía Bắc của tỉnh; Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và các khu, cụm, điểm du lịch chính của tỉnh.

Trục động lực kinh tế đô thị - dịch vụ - công nghiệp: Liên kết phát triển phát triển các đô thị trung tâm tăng trưởng khu vực phía Nam của tỉnh với các khu vực khai thác lâm sản, nông nghiệp, công nghiệp chế biến và trục động lực kinh tế du lịch - dịch vụ; Liên kết phát triển các khu, cụm, điểm du lịch và các đô thị trung tâm tăng trưởng khu vực phía Đông của tỉnh.

Cùng với đó, Hà Giang cũng xác định 4 cực phát triển cho thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, thành phố Hà Giang và huyện Vị Xuyên phát triển đô thị, kinh tế biên mậu, dịch vụ; các huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Bắc Mê phát triển du lịch; huyện Bắc Quang và huyện Quang Bình phát triển công nghiệp, nông lâm nghiệp - đầu mối giao thông và huyện Hoàng Su Phì, huyện Xín Mần phát triển nông, lâm nghiệp, du lịch.

Trước đó, UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bổ sung một vị trí cảng hàng không tại tỉnh này vào quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.

Trong văn bản vừa gửi Bộ GTVT, UBND tỉnh Hà Giang dự kiến nghiên cứu vị trí sân bay tại huyện Bắc Quang. Tiêu chuẩn cảng hàng không quân sự cấp II và cấp 4C theo tiêu chuẩn hàng không dân dụng. Sân bay có diện tích khoảng 388 ha, trong đó phần dùng cho mục đích quân sự là 70 ha.

Chậm triển khai, dự án Công viên Sài Gòn Silicon rộng 52ha bị thu hồi

UBND TP HCM sẽ hoàn tất thủ tục thu hồi giấy phép đầu tư dự án Công viên Sài Gòn Silicon trong năm 2023 với lý do chậm triển khai.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2023 Khu Công nghệ cao, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết chính quyền thành phố sẽ hoàn tất thủ tục thu hồi giấy phép đầu tư dự án Công viên Sài Gòn Silicon trong năm 2023 do chậm triển khai.

Theo đó, ông Võ Văn Hoan yêu cầu các sở ngành liên quan phối hợp với Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP), đẩy nhanh thủ tục chấm dứt, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất với dự án này ngay trong năm 2023.

Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư vào khu công nghệ cao theo đặc thù của thành phố, tránh trường hợp doanh nghiệp đăng ký vào lấy đất nhưng làm việc khác.

Theo tìm hiểu, dự án Saigon Silicon City được động thổ vào tháng 11/2015, có tổng số vốn khoảng 860 tỷ đồng. Dự án do Công ty Cổ phần công viên Sài Gòn Silicon làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng theo mô hình Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ).

Phối cảnh một công trình của dự án Công viên Sài Gòn Silicon.  
Phối cảnh một công trình của dự án Công viên Sài Gòn Silicon.  

Saigon Silicon City được xây trên diện tích 52ha nhằm thu hút các doanh nghiệp là người Việt Nam ở nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khi lấp đầy khoảng 1,5 tỷ USD.

Khu đất 52ha sẽ được chia thành 33 vùng tương ứng 33 công trình xây dựng với diện tích từ 0,5 - 1,5ha/công trình, gồm 4 tòa nhà cho trung tâm quản lý, vận hành và dịch vụ, 24 khu xây dựng cho các nhà máy sản xuất công nghệ cao cho thuê, 1 tòa nhà cho trung tâm dịch vụ tổng hợp và kho xuất nhập khẩu, 1 khu xây dựng cho câu lạc bộ và trung tâm thể thao, 1 triển lãm, 1 trạm cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý rác thải tạm thời và 8 nhà đỗ xe sử dụng bảng năng lượng mặt trời.

Ngày 30/8/2016, Công ty Cổ phần công viên Sài Gòn Silicon chính thức khởi công dự án Saigon Silicon City Center với tổng số vốn đầu tư là 480 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau lễ khởi công, chủ đầu tư dự án chậm xây dựng các hạng mục công trình. Tháng 10/2021, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM đã lập biên bản và kiến nghị UBND TP HCM chấp thuận cho SHTP thực hiện chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án.

10 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2 lại đối mặt nỗi lo thiếu vật liệu

Là doanh nghiệp phụ trách thi công 24km đường gói thầu XL2 thuộc dự án thành phần Bùng- Vũng Áng, đại diện Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, theo tính toán, công tác xử lý nền đất yếu (4 - 5km) tại gói thầu sẽ cần khoảng gần 1 triệu m3 cát trong năm 2023.

Nhưng kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, khối lượng đáp ứng thực tế tại địa phương chỉ được khoảng 20 - 30%. Tại Quảng Bình, mỏ cát rất dồi dào nhưng công suất khai thác rất nhỏ, mỗi năm chỉ được 20.000 - 30.000m3. Để dự án đảm bảo được tiến độ, công suất các mỏ cát, đá hiện hữu cần được nâng lên gấp 3 - 5 lần hiện tại.

Tại hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, tình trạng “đói” vật liệu thi công cũng đang hiện hữu.

Đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, theo tính toán, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền của dự án đoạn Cần Thơ - Cà Mau là 18,5 triệu m3, đất đắp 1,49 triệu m3.

Kết quả khảo sát địa bàn tỉnh An Giang và Đồng Tháp hiện có hơn 25 mỏ đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, qua làm việc với các địa phương công suất khai thác cát trên địa bàn tỉnh chỉ đủ cung cấp cho các công trình trên địa bàn tỉnh, chưa đủ nguồn cấp cho dự án Cần Thơ - Cà Mau.

Hiện nay mới chỉ có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp cho dự án khoảng 1,1 triệu m3 từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác. Các tỉnh còn lại chưa có kế hoạch cụ thể bằng văn bản.

Cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2 cần đến 70 triệu m3 đất, cát đắp nền. Ảnh: An ninh Thủ đô  
Cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2 cần đến 70 triệu m3 đất, cát đắp nền. Ảnh: An ninh Thủ đô  

Để giải quyết khó khăn, Ban QLDA Mỹ Thuận đã báo cáo Bộ GTVT gửi văn bản đề nghị UBND các tỉnh hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vật liệu.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), tổng nhu cầu vật liệu của 10 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2 từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa cần khoảng 17,1 triệu m3 đá; khoảng 8,95 triệu m3 cát và khoảng 45,3 triệu m3 đất đắp.

Theo ông Minh, các mỏ đều đáp ứng về trữ lượng, chất lượng để phục vụ dự án nhưng về khả năng khai thác, cung ứng vật liệu theo giấy phép khai thác như hiện nay chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án.

Nếu tăng công suất khai thác các mỏ thêm 50% trong 2 năm theo Nghị quyết số 18 của Chính phủ và dành 100% phần tăng thêm (khoảng 6,17 triệu m3) vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của dự án (khoảng 11,1 triệu m3 trong năm 2023 và 7,4 triệu m3 trong năm 2024).

Để đảm bảo tiến độ triển khai dự án, Bộ TN&MT đã chủ trì cùng Bộ GTVT làm việc và đề nghị các địa phương rà soát, nâng công suất các mỏ đã cấp phép khai thác theo Nghị quyết số 18 của Chính phủ; Tổng hợp trữ lượng có thể bố trí cho dự án để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Việc phân bổ cần căn cứ nhu cầu và tiến độ triển khai từng dự án và theo nguyên tắc dự án nào khởi công trước thì ưu tiên phân bổ trước.

Ông Nguyễn Thế Minh cho biết, Bộ TN&MT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về hồ sơ, thủ tục đăng ký khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Song các địa phương vẫn còn lúng túng trong việc triển khai do chưa rõ thủ tục thu hồi đất.

“Theo Luật Đất đai, đối với mỏ vật liệu xây dựng thông thường không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất mà sẽ thực hiện theo các hình thức như nhượng quyền sử dụng, thuê khai thác, hợp tác kinh doanh…

Cục đang đề nghị nhà thầu, chủ đầu tư cùng các địa phương từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có 10 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2 đi qua làm việc với người có đất, tổng hợp nhu cầu để xem phương án nào được đề xuất thực hiện nhiều nhất, lấy cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét thực hiện”, ông Minh cho hay.

Một vướng mắc khác được đại diện Ban QLDA 2 nhận diện là thủ tục đánh giá tác động môi trường đối với các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án nhưng chưa cấp giấy phép khai thác.

Thanh Hóa: Thương vụ King Place được chọn làm dự án tại Nông Cống

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án khu thương mại dịch vụ tổng hợp King Place Nông Cống.

Theo đó, dự án khu thương mại dịch vụ tổng hợp King Place Nông Cống có diện tích khoảng 3.881m2, tại xã Minh Khôi, huyện Nông Cống, Thanh Hóa.

Quy mô xây dựng gồm: Đầu tư xây dựng nhà thương mại dịch vụ 1 (03 tầng, diện tích xây dựng 405m2), nhà thương mại dịch vụ 2 (03 tầng, khoảng 810m2), nhà thương mại dịch vụ 3 (02, khoảng 240m2), nhà để xe mái che (01 tầng, khoảng 200m2) và các hạng mục công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật khác.

UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận Công ty TNHH đầu tư Tập đoàn King Place Nông Cống làm nhà đầu tư thực hiện dự án.

Nhà đầu tư phải phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện, hoàn thành các hồ sơ, thủ tục về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, sử dụng đất, đấu nối giao thông,… trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thỏa thuận theo quy định trước khi thi công xây dựng.

Trong thời hạn 12 tháng, nếu Tập đoàn King Place Nông Cống không hoàn thành thủ tục, hồ sơ để được cho thuê đất dự án theo quy định thì việc chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư không có giá trị.

Bên cạnh đó, Tập đoàn King Place Nông Cống cũng không được bồi thường, hỗ trợ bất kỳ các khoản kinh phí đã đầu tư, chi phí liên quan đến dự án.

Được biết, trước đó vào tháng 11/2022 UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận cho Tập đoàn King Place Nông Cống nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp tại xã Minh Khôi, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Trong đó có, diện tích đất chuyên trồng lúa nước của các hộ gia đình, cá nhân có quyền chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định là 3.656m2.

Mục đích sử dụng đất sau khi nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất sẽ là đất “thương mại, dịch vụ” – Dự án khu thương mại dịch vụ tổng hợp King Place Nông Cống.

Tháng 4/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chấp thuận cho Tập đoàn King Place Nông Cống nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án này.

Trong đó, diện tích đất chuyên trồng lúa nước của các hộ gia đình, cá nhân có quyền chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất là 5.449m2. Mục đích sử dụng đất sau khi nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất cũng là “thương mại, dịch vụ”.

Ngọc An

Theo Sở hữu trí tuệ