Tin bất động sản hôm nay ngày 5/9: Vẫn chưa chốt vị trí cuối cùng để xây sân bay thứ hai vùng Thủ đô Hà Nội
Hà Nội siết chặt hoạt động đấu giá đất; Long An kêu gọi đầu tư vào 13 dự án quan trọng; Vẫn chưa chốt vị trí cuối cùng để xây sân bay thứ hai vùng Thủ đô Hà Nội; Hà Nội xây dựng mới 6 công viên rộng hàng trăm héc ta; TP.HCM có gần 2.000 công trình, dự án nhà ở trong kế hoạch sử dụng đất 2021 – 2025 là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 5/9.
Hà Nội siết chặt hoạt động đấu giá đất
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 2807/UBND-TNMT về tăng cường công tác quản lý đất đai trong tình hình hiện nay trên địa bàn thành phố.
Trong đó, về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở chuyên ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội thực hiện quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ khâu thiết lập hồ sơ dự án đấu giá quyền sử dụng đất; công tác thẩm định và phê duyệt quy hoạch; công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để chuẩn bị quỹ đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định; tập trung rà soát, kiểm tra, đánh giá hoạt động của các tổ chức tư vấn đấu giá quyền sử dụng đất; lựa chọn tổ chức tư vấn đấu giá có uy tín, trách nhiệm và tuân thủ quy định của pháp luật.
Tổ chức công bố công khai thông tin về các dự án đấu giá quyền sử dụng đất và kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất hằng năm được phê duyệt bảo đảm minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu sử dụng đất tiếp cận đất đai.
Thực hiện nghiêm túc, đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Rà soát, kiểm tra, đánh giá, đề xuất kiến nghị xử lý theo quy định đối với trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng, đủ theo phương án được phê duyệt hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Thường xuyên rà soát, tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định về đấu giá quyền sử dụng đất; báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Đề xuất dừng cuộc đấu giá đất khi mức trúng bị đẩy lên quá cao
Báo cáo tại Hội nghị “Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững” diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhận định, còn nhiều tồn tại và hạn chế trong vấn đề đấu giá đất ở nước ta.
Cụ thể, hiện tượng "cò đấu giá", "quân xanh, quân đỏ"; để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra; thông đồng giữa Tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá .
Mặc dù Luật Đấu giá tài sản đã có quy định về việc đấu giá viên quyết định dừng cuộc đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm hàng nhưng trên thực tế rất khó phát hiện, xử lý. Ngoài ra, có hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tao mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất đã gom trong khu vực nhằm thu lợi….
Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về đấu giá đất còn chưa cụ thể, chồng chéo. Cụ thể là quy định chưa rõ ràng việc xem xét các điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng, chứng minh sự minh bạch, tính khả thi về huy động vốn, tính khả thi về phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá;
Chưa có quy định về chế tài xử lý khoản tiền người trúng đấu giá đã nộp dở dang trong trường hợp phải hủy hợp đồng trúng đấu giá đất; dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao, gây hiệu ứng tiêu cực;
Quy định người trúng đấu giá chưa nộp đủ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì phạt chậm nộp hay hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Thời gian từ khi đấu giá đất đến khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá khá dài (180 ngày như ở Thủ Thiêm) là một sơ hở để các công ty tham gia đấu giá thực hiện các ý đồ như thổi giá bất động sản để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán hàng tồn đọng....
Đánh giá về chính sách và tình hình định giá đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các quy định của pháp luật về giá đất đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và định giá đất cụ thể tại địa phương, làm căn cứ để tính thu các khoản nghĩa vụ tài chính, các khoản thuế liên quan đến sử dụng đất và bảo đảm lợi ích hợp pháp cho người có đất thu hồi, góp phần giảm thiểu khiếu kiện trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đáp ứng yêu cầu tạo nguồn lực cho nhau triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Một số địa phương đã tổ chức làm tốt công tác định giá đất cụ thể, lồng ghép việc xác định giá đất cụ thể trong quy trình thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất.
Vẫn chưa chốt vị trí cuối cùng để xây sân bay thứ hai vùng Thủ đô Hà Nội
Cục Hàng không Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ GTVT báo cáo công tác rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại công văn này, Cục Hàng không Việt Nam cho biết là đã phối hợp với cơ quan tư vấn lập quy hoạch - Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) nghiên cứu tiếp thu, giải trình và rà soát, hoàn thiện lại hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT tại Thông báo kết luận số 321/TB-BGTVT ngày 5/8/2022 của Bộ GTVT.
Sau khi rà soát, Cục Hàng không Việt Nam đã xác định lại phương án quy hoạch cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2030 là 25 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2030 là 30 triệu hàng khách/năm; cảng hàng không Chu Lai giai đoạn đến năm 2030 là 10 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2030 là 30 triệu hành khách/năm.
“Tùy theo nhu cầu vận tải và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Bộ GTVT sẽ xem xét, điều tiết, phân bổ các chuyến bay (slot) giữa 2 cảng hàng không, bảo đảm khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng theo quy hoạch; đồng thời tạo động lực hấp dẫn đầu tư phát triển cảng hàng không Chu Lai”, công văn của Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam thống nhất kiến nghị cập nhật nội dung Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 “nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch, xây dựng cảng hàng không tại một số sân bay quân sự (Thành Sơn, Biên Hòa...) trong trường hợp đủ điều kiện” trong dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch.
Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030 là ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng Thủ đô Hà Nội (Cảng hàng không quốc tế Nội Bài) và vùng TP HCM (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành);
Từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 cảng hàng không hiện hữu, đầu tư 6 cảng hàng không mới để nâng tổng số cảng hàng không của cả nước đưa vào khai thác lên 28 cảng hàng không, tổng công suất thiết kế hệ thống cảng hàng không đáp ứng khoảng 283 triệu hành khách, đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km.
Hà Nội xây dựng mới 6 công viên rộng hàng trăm héc ta
UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo đầu tư xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, do Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn làm Trưởng ban.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố
Theo kế hoạch của UBND thành phố, sẽ đầu tư xây dựng mới 6 công viên, gồm: Công viên Chu Văn An, trên địa bàn huyện Thanh Trì, quy mô 50,93 ha, do UBND huyện Thanh Trì đầu tư thực hiện); Khu công viên và hồ điều hòa tại ô đất ký hiệu CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy, diện tích khoảng 31,7ha, do Cty CP đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng thực hiện, Cty TNHH Phát triển công viên Trung tâm là doanh nghiệp dự án; Công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, diện tích 11,2ha, do Cty TNHH VNT thực hiện; Công viên văn hóa Kim Quy, diện tích khoảng 101,09ha, nhà đầu tư là Cty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời; Công viên hồ Phùng Khoang, diện tích khoảng 11,8ha, do Liên danh Tổng Cty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội và Cty Cổ phần đầu tư và xây dựng đô thị thực hiện; Công viên văn hóa – Vui chơi, giải trí, thể thao quận Hà Đông, diện tích khoảng 96,7ha.
Thành phố cũng xác định cải tạo, chỉnh trang, đầu tư xây dựng 5 công viên gồm: Công viên Thiên văn học (Hà Đông); Công viên lịch sử, văn hóa Bách Thảo (Ba Đình); Dự án đầu tư xây dựng công viên Hữu Nghị (Bắc Từ Liêm); Công viên vườn hoa Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm); Công viên văn hóa thể thao quận Đống Đa (Đống Đa).
Thành phố cũng sẽ cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa hiện có, trong đó 3 công viên và 10 vườn hoa được cải tạo ở mức độ 1 gồm: Công viên Bách Thảo, Công viên Thủ lệ, Công viên Thống Nhất và các vườn hoa: Bà Kiệu, Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, Bác Cổ, Tao Đàn, Ngô Quyền, 19/8, Cửa Nam, Phùng Hưng.
Cải tạo mức độ 2 với 10 công viên: Linh Đàm, Bắc Linh Đàm, Bán đảo Linh Đàm, Ba Mẫu, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Đền Lừ, Indira Gandhi, Nguyễn Trãi, Hòa Bình và 22 vườn hoa: Lê Trực, Vạn Xuân, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Giảng Võ, Lý Tự Trọng, Paster, ĐH Thủy Lợi, ĐH Công Đoàn, Đào Duy Anh, Hà Đông, Trúc Bạch, Tiểu cảnh Bãi Nhãn, Mai Xuân Thưởng, Thiền Quang, Thanh Niên, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Cao, Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai), Định Công, 1/6, Ngọc Lâm.
TP.HCM có gần 2.000 công trình, dự án nhà ở trong kế hoạch sử dụng đất 2021 – 2025
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM vừa báo cáo về tiến độ thực hiện dự án lập kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn Thành phố.
Sở TN&MT cho biết, đơn vị đã thu thập thông tin, khảo sát thực địa về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, đã tổng hợp danh mục công trình đã thực hiện trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất kỳ trước và nhu cầu sử dụng đất của các quận, huyện đến năm 2025.
Theo thống kê, giai đoạn 2021 – 2025, trên địa bàn TP.HCM có 1.989 công trình, dự án nằm trong kế hoạch thực hiện.
Trong năm 2022, chỉ tiêu sử dụng đất nông nghiệp tại Thành phố là 107.927ha, đất phi nông nghiệp 100.581ha và đất chưa sử dụng 1.030ha.
Đến năm 2025, chỉ tiêu sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố là 102.191ha, đất phi nông nghiệp 106.750ha và đất chưa sử dụng còn 598ha.
Đối với các khu chức năng như đất đô thị, khu đô thị, khu thương mại – dịch vụ, khu phát triển công nghiệp…, đến năm 2025, chỉ tiêu sử dụng đất của các khu dao động từ 450ha đến 85.000ha.
Trong gần 2.000 công trình, dự án nằm trong kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025, có khoảng 260 dự án nhà ở được triển khai trên đất ở đô thị và khoảng 40 dự án nhà ở thuộc quy hoạch đất ở nông thôn.
Có không ít dự án nhà ở, diện tích đất theo quy hoạch và diện tích hiện trạng có sự chênh lệch lớn, như: Dự án Khu dân cư 30,2ha phường Bình Khánh, TP.Thủ Đức có diện tích hiện trạng chỉ 18,13ha;
Dự án nhà ở cao tầng kết hợp TMDV Ascent Plaza tại Q.Bình Thạnh, diện tích quy hoạch 0,47ha nhưng hiện trạng chỉ có 0,11ha; hay dự án Khu căn hộ tại P.Bình Thuận, Q.7, quy hoạch 3,72ha nhưng hiện trạng chỉ 0,08ha…
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở TN&MT, khi lập kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025, đơn vị đã gặp khó khăn, vướng mắc. Như việc các sở, ngành, địa phương khi cung cấp số liệu, đề xuất nhu cầu, đăng ký công trình lại chưa xác định cụ thể năm thực hiện và khoanh vẽ vị trí trên bản đồ.
Nếu được Hội đồng Nhân dân thông qua, UBND TP.HCM sẽ trình kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025 nói trên để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.