Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Vị trí xây sân bay thứ 2 Hà Nội chưa được đưa vào quy hoạch
Bộ GTVT khẳng định vị trí xây sân bay thứ 2 vùng thủ đô Hà Nội chưa được đưa vào quy hoạch... là thông tin bất động sản đáng chú ý trong tuần qua.
73 lô đất đấu giá bị bỏ cọc tại Diễn Châu, Nghệ An
UBND huyện Diễn Châu vừa có quyết định về việc huỷ bỏ kết quả trúng đấu giá và thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền đặt cọc của khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng các lô đất tại vùng quy hoạch dân cư các xã Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Mỹ.
Theo đó, huỷ bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng 73 lô đất với tổng diện tích hơn 13.400m2 tại các xã Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Mỹ. Trong đó, tại xã Diễn Vạn có 32 lô; xã Diễn Đồng có 5 lô, xã Diễn Phúc có 28 lô, xã Diễn Bích có 4 lô.
Lý do huỷ là các hộ gia đình, cá nhân được công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất không nộp tiền, nộp không đủ tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy định. Số tiền đặt cọc của 73 hộ gia đình, cá nhân khi tham gia đất giá các lô đất nêu trên là hơn 15,7 tỉ đồng được thu nộp ngân sách Nhà nước.
Phát Đạt phải bổ sung tài sản bảo đảm khi cổ phiếu lao dốc
Mới đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã thông báo Công ty Phát triển BĐS Phát Đạt (Mã CK: PDR) đã hoàn thành việc bổ sung 1,7 triệu cổ phiếu PDR làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu phát hành vào cuối tháng 12/2021. Trong đợt phát hành này, VCSC đóng đóng vai trò là đơn vị quản lý tài sản đảm bảo và nhận cầm cố cổ phần.
Việc bổ sung tài sản đảm bảo diễn ra sau khi giá trị tài sản đảm bảo gốc bị suy giảm xuống dưới mức cho phép theo điều khoản và điều kiện của đợt phát hành trái phiếu. Cụ thể, khi phát hành đợt trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng bên trên, Phát Đạt đã sử dụng khoảng 10 triệu cổ phiếu PDR do ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch của Phát Đạt sở hữu làm tài sản bảo đảm. Giá thị trường của cổ phiếu PDR khi đó dao động quanh ngưỡng 90.000 đồng/ cổ phiếu.
Tuy nhiên sau đó, giá cổ phiếu PDR liên tục lao dốc theo đà giảm của thị trường xuống vùng 5x những phiên gần đây. Ngày 19/5, theo quy định của hợp đồng cầm cố cổ phần, VCSC đã tính giá bình quân gia quyền khối lượng 5 phiên gần nhất của PDR với kết quả là 55.013 đồng, tương đương với giá trị của tài sản bảo đảm chỉ còn 823 tỷ đồng. Điều này khiến tỷ lệ tài sản bảo đảm/ dư nợ gốc trái phiếu rơi xuống 164%, thấp hơn mức yêu cầu tối thiểu là 180%.
Theo quy định của điều kiện phát hành trái phiếu, trong vòng 2 ngày làm việc Phát Đạt phải bổ sung tài sản bảo đảm để đạt tỷ lệ 180%. Trong trường hợp Phát Đạt không thực hiện, đơn vị quản lý tài sản bảo đảm sẽ có quyền bán tài sản bảo đảm nhằm thu hồi một phần/toàn bộ nghĩa vụ trái phiếu.
Bà Rịa - Vũng Tàu xử lý Dự án khu biệt thự Sài Gòn - Hồ Tràm chậm triển khai
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa có văn bản số 5524/UBND-VP gửi Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND huyện Xuyên Mộc về việc xử lý dự án khu biệt thự Sài Gòn - Hồ Tràm chậm triển khai do Công ty CP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savivo) làm chủ đầu tư.
Theo nội dung văn bản, sau khi xét đề nghị của Sở Xây dựng tỉnh tại Công văn số 1724/SXD-QLN ngày 5/5/2022 về xử lý chậm triển khai tại dự án Khu biệt thự Sài Gòn - Hồ Tràm tại huyện Xuyên Mộc do Savico triển khai thực hiện, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch- Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND huyện Xuyên Mộc và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá việc không đưa, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định pháp luật về đất đai tại dự án nói trên. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phương án xử lý.
Theo đó, UBND tỉnh Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá việc không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai tại dự án Khu biệt thự Sài Gòn - Hồ Tràm, đề xuất phương án xử lý trước ngày 25/5.
Trên cơ sở ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xử lý dự án Khu biệt thự Sài Gòn - Hồ Tràm theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Đắk Nông chặn sốt đất ăn theo cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
UBND tỉnh Đắk Nông vừa có văn bản yêu cầu các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh này giao UBND các huyện, TP Gia Nghĩa tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn pháp luật về đất đai; công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt theo quy định; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo thẩm quyền và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Đồng thời, yêu cầu các địa phương chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất; khẩn trương hoàn thành việc lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hồ sơ xin phép chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân; chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật và phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được UBND tỉnh phê duyệt.
UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành việc tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
Đồng thời, thực hiện công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hang năm tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính,… để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Hiện nay, ngoài Vingroup và Techcombank, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đang nghiên cứu đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành theo phương thức PPP.
Vị trí xây sân bay thứ 2 Hà Nội chưa được đưa vào quy hoạch
Trước thông tin về việc sân bay thứ 2 tại Hà Nội được đề xuất xây dựng tại huyện Thường Tín, lãnh đạo Bộ GTVT đã khẳng định Bộ chưa biết gì về vị trí sân bay thứ 2 của Hà Nội ở Thường Tín. “Đây là đề xuất của TP Hà Nội, việc này cần phải xem xét dựa trên nhiều yếu tố và nghiên cứu khoa học cụ thể chứ không thể nói đặt ở đâu là đặt được”, lãnh đạo Bộ GTVT chia sẻ.
Cụ thể, theo lãnh đạo, việc xem xét vị trí đặt một sân bay ở vị trí nào phải được xem xét của rất nhiều Bộ, ngành, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bay, đặc biệt là phải đảm bảo yếu tố an ninh, quốc phòng.
Xoay quanh vị trí xây dựng sân bay thứ 2 tại Hà Nội, thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn chia sẻ với Dân trí, ông khẳng định Bộ ủng hộ việc xây sân bay thứ 2, tuy nhiên vị trí chưa được đưa vào quy hoạch.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ GTVT góp ý quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó khẳng định quan điểm muốn có sân bay thứ 2 ngoài Nội Bài và phải được đặt tại Thủ đô.
Trước đó, Cục Hàng không cho biết, việc quy hoạch một sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô là định hướng, tầm nhìn phát triển hàng không cho tương lai nhằm giải quyết trường hợp sân bay Nội Bài bị quá tải. Vì theo tính toán, đến năm 2050 sản lượng khách qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài là khoảng 100 triệu lượt, khi đó dù đã mở rộng cảng hàng không này thì cũng khó đáp ứng được nhu cầu phát triển. Vì vậy, phải tính tới việc xây dựng sân bay số 2 tại Hà Nội.
Hà Nội đã nghiên cứu, đề xuất xây dựng sân bay ở phía Nam đặt ở khu vực huyện Thường Tín. Vị trí này có thể tránh được núi ở khu vực phía Tây, ít ảnh hưởng tới việc tiếp cận của máy bay khi về Nội Bài, đồng thời có thể nghiên cứu hướng đường cất-hạ cánh song song với đường cất-hạ cánh của sân bay Nội Bài.