Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Xôn xao thông tin một doanh nghiệp ‘vài ngày tuổi’ đã trúng đấu giá khu ‘đất vàng’ rộng 9.460 m2 tại Hải Phòng

Bí ẩn một doanh nghiệp ‘vài ngày tuổi’ đã trúng đấu giá khu ‘đất vàng’ rộng 9.460 m2 tại Hải Phòng; Đà Nẵng sẽ xây cảng Liên Chiểu từ tháng 12/2022; Đề xuất lấn biển xây sân bay 5.000 tỷ đồng trên đảo Lý Sơn; Thanh Hóa đề nghị hủy kết quả trúng đấu giá 2 dự án trên đất vàng; Đà Nẵng chấp thuận chủ trương dự án nhà ở xã hội hơn 1.700 tỷ đồng; Bộ Tài nguyên và Môi trường phản hồi về đề xuất nâng tiền đặt cọc đấu giá đất lên 30 – 35%; Khánh Hòa thu hồi 1.254ha thực hiện dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Bí ẩn một doanh nghiệp ‘vài ngày tuổi’ đã trúng đấu giá khu ‘đất vàng’ rộng 9.460 m2 tại Hải Phòng

Ngày 10/10, UBND TP Hải Phòng quyết định thu hồi hơn 22.241m2 (hơn 2,2ha) đất tại số 80 Hạ Lý, phường Hạ Lý (quận Hồng Bàng) và giao UBND quận Hồng Bàng tổ chức đấu giá để thực hiện Dự án phát triển nhà ở, chỉnh trang đô thị.

Trong hơn 2,2ha được thu hồi, TP Hải Phòng phê duyệt hơn 9.460m2 đất ở liền kề, 8.020m2 đất làm đường giao thông và 523m2 đất trồng cây xanh. Hơn 4.237m2 đất còn lại, thành phố giao quận Hồng Bàng quản lý, không để lấn chiếm.

Khu đất rộng 9.460m2 được tổ chức đấu giá ở số 80 Hạ Lý, cách phố đi bộ Thế Lữ và sông Tam Bạc vài chục mét. Khu đất này được cho là có vị trí đắc địa, ở trung tâm thành phố cảng, cách cầu Lạc Long vài trăm mét, cách cầu Hoàng Văn Thụ khoảng 1km.

Ngày 18/10, UBND quận Hồng Bàng đã phê duyệt và công khai phương án đấu giá lô "đất vàng" trên với giá khởi điểm 33.864.423đồng/m2. Tổ chức tham gia đấu giá theo hình thức bỏ giá gián tiếp, trả giá lên theo bước giá là 200.000 đồng/m2.

Tổng giá trị khu đất vàng 9.460m2 theo giá khởi điểm là hơn 320,3 tỷ đồng. Tổ chức tham gia đấu giá phải đặt cọc trước 20% tổng giá khởi điểm (hơn 64 tỷ đồng).

Đăng ký tham gia đấu giá khu đất vàng trên có 3 doanh nghiệp, có trụ sở lần lượt tại Hà Nội, Hải Phòng và Hải Dương.

Giữa tháng 11, Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hồng Bàng (TP Hải Phòng) có văn bản đề nghị Sở TN&MT Hải Phòng kiểm tra, xác nhận tình trạng chấp hành pháp luật về đất đai đối với 3 doanh nghiệp này trước khi tổ chức đấu giá.

Ngày 17/11, UBND quận Hồng Bàng tổ chức cuộc bán đấu giá lô "đất vàng" tại số 80 Hạ Lý. Kết quả, doanh nghiệp có trụ sở tại quận Hồng Bàng (TP Hải Phòng) trúng với giá 34.199.000đồng/m2.

Tổng số tiền trúng đấu giá lô đất vàng 9.460m2 là hơn 323,5 tỷ đồng, tăng khoảng 3,165 tỷ đồng so với giá khởi điểm được phê duyệt.

Đáng chú ý, doanh nghiệp trúng đấu giá lô "đất vàng" nói trên vừa được thành lập vào ngày 18/10/2022, với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Doanh nghiệp này được thành lập sau khi UBND TP Hải Phòng có quyết định thu hồi, giao đất và phê duyệt giá đất để xây dựng giá khởi điểm, tổ chức đấu giá.

Đà Nẵng sẽ xây cảng Liên Chiểu từ tháng 12/2022

Ngày 28/11, lãnh đạo Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng cho biết dự kiến dự án xây dựng bến cảng Liên Chiểu sẽ chính thức khởi công vào ngày 14/12 với hợp phần cơ sở hạ tầng dùng chung.

Đây là một trong hai hợp phần của dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu tại phường Hòa Hiệp Bắc. Hợp phần này có kinh phí đầu tư trên 3.400 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách.

Hợp phần này có các hạng mục đê, kè chắn sóng dài 1.170m, luồng tàu, vũng quay tàu... Ngoài ra còn có hạng mục giao thông đường bộ kết nối đến cảng, công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng cảng…

Phối cảnh dự án bến cảng Liên Chiểu - Nguồn: Báo Đà Nẵng.  
Phối cảnh dự án bến cảng Liên Chiểu - Nguồn: Báo Đà Nẵng.  

Dự kiến khi hoàn thành sẽ đáp ứng yêu cầu cơ sở hạ tầng cho cảng Liên Chiểu đủ năng lực đón 3,5 - 5 triệu tấn hàng/năm.

Đồng thời đảm bảo các điều kiện phát triển cảng trong giai đoạn tiếp theo theo quy hoạch như hoàn thiện hạng mục đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối… đủ khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 - 8.000 TEU.

Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu có hai hợp phần, trong đó hợp phần cơ sở hạ tầng dùng chung được đầu tư bằng ngân sách với hơn 3.400 tỉ đồng.

Hợp phần còn lại sẽ kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân đầu tư trên quy mô tổng diện tích 44ha với hai cầu cảng dài 750m.

Trước đó, tại buổi tiếp xúc của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng với cử tri quận Liên Chiểu sáng 19-11, cử tri bày tỏ mong muốn các dự án lớn trên địa bàn phải được làm đúng tiến độ, trong đó có dự án cảng Liên Chiểu.

Trả lời cử tri, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết dự án cảng Liên Chiểu vẫn đang tiến hành thu hút các nhà đầu tư vào bến cảng song song với quá trình đầu tư hạ tầng chung.

Đề xuất lấn biển xây sân bay 5.000 tỷ đồng trên đảo Lý Sơn

UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ GTVT bổ sung sân bay Lý Sơn vào quy hoạch cảng hàng không toàn quốc. Công trình dự kiến đầu tư bằng hình thức BOT.

Liên quan đến việc sân bay Lý Sơn có được đưa vào dự thảo quy hoạch hay không, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết sau khi làm việc xong với các tỉnh thành xin quy hoạch thêm sân bay, Cục sẽ tổng hợp kết quả và báo cáo Bộ GTVT.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết đang có một số nhà đầu tư quan tâm và đề xuất triển khai đầu tư xây dựng sân bay Lý Sơn theo hình thức BOT. Tỉnh Quảng Ngãi dự kiến lấn biển tại mép phía đông của đảo Lý Sơn để làm vị trí xây dựng sân bay.

Sân bay sẽ có cấp 4C với đường cất hạ cánh dài 2.400 m, đáp ứng máy bay A320, A321 và tương đương. Dự kiến, năng lực khai thác của sân bay đạt 3-3,5 triệu khách/năm.

Dự toán đầu tư sân bay là 5.000 tỷ đồng với 100% vốn của nhà đầu tư BOT. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến 2027.

Thanh Hóa đề nghị hủy kết quả trúng đấu giá 2 dự án trên đất vàng

Mới đây, UBND TP Thanh Hoá có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền về tiến độ nộp tiền sử dụng đất trúng đấu giá tại MBQH 3241 (phường Đông Hải) và MBQH 4961 (xã Thiệu Khánh).

Theo nội dung văn bản trên, ngày 15/10/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 4222 công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất (đợt 1) Khu dịch vụ thương mại, văn phòng thuộc khu đô thị Đông Hương, phường Đông Hải (MBQH 3241) thành phố Thanh Hóa.

Dự án có tổng diện tích gần 60.000m2 (tương đương 375 lô đất). Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng ADI - Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa (viết tắt là Liên danh ADI - Đông Sơn) là đơn vị tham gia, trúng đấu giá khu đất nêu trên.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại đã quá 12 tháng, Liên danh ADI - Đông Sơn vẫn chưa triển khai xây dựng nhà thô trên phần diện tích đất đã được giao theo quy định.

đối với việc thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án trên, tổng số tiền sử dụng đất mà Liên danh ADI - Đông Sơn phải nộp vào ngân sách Nhà nước là hơn 1.200 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, số tiền chậm nộp, chưa nộp ngân sách Nhà nước hơn 156 tỷ đồng. UBND TP Thanh Hoá đã làm việc, chỉ đạo Chi cục Thuế khu vực thành phố Thanh Hóa - Đông Sơn nhiều lần đôn đốc Liên danh ADI - Đông Sơn nộp tiền nhưng đến nay, Liên danh ADI - Đông Sơn vẫn chưa nộp.

Từ thực tế trên, UBND TP Thanh Hoá đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét hủy kết quả trúng đấu giá phần diện tích đất chưa bàn giao là gần 14.000m2 (tương ứng 40 lô đất) và xem xét thu hồi phần diện tích hơn 44.000 m2 tương đương với 335 lô đất.

Theo tìm hiểu, MBQH 3241 được xem là khu "đất vàng" giữa trung tâm TP Thanh Hóa.

Dự án thứ 2 bị điểm tên trong văn bản số 6420 của UBND TP Thanh Hóa là dự án Khu dân cư thôn 6, xã Thiệu Khánh (nay là phường Thiệu Khánh), TP Thanh Hóa (MBQH 4961).

Dự án này được đưa ra đấu giá với tổng diện tích là gần 26.500m2 đất (tương đương 247 lô đất). Công ty cổ phần GEOVIETNAM (viết tắt là GEOVIETNAM) là đơn vị tham gia, trúng đấu giá. Ngày 19/6/2020, UBND tỉnh Thanh Hoá có Quyết định số 2317 công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất của dự án.

Tổng số tiền sử dụng đất mà GEOVIETNAM phải nộp vào ngân sách Nhà nước tại dự án này là hơn 122 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại số tiền GEOVIETNAM đã nộp là hơn 102 tỷ đồng, số tiền sử dụng đất còn phải nộp là hơn 19 tỷ đồng. Số tiền chậm nộp, chưa nộp ngân sách Nhà nước tính đến ngày 30/6/2022 là hơn 9,6 tỷ đồng.

Việc chậm nộp tiền sử dụng đất của GEOVIETNAM đã được UBND TP Thanh Hóa, Chi cục Thuế khu vực thành phố Thanh Hóa - Đông Sơn đôn đốc nhiều lần nhưng GEOVIETNAM vẫn chưa nộp số tiền còn lại.

UBND thành phố Thanh Hoá đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét hủy kết quả trúng đấu giá được phê duyệt tại Quyết định số 2317/QĐ-UBND, ngày 19/6/2020.

Đà Nẵng chấp thuận chủ trương dự án nhà ở xã hội hơn 1.700 tỷ đồng

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh vừa ký Quyết định (số 3018) chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội tại khu đất chung cư số 5 thuộc khu B - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) với hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê theo quy định pháp luật về nhà ở; khai thác kinh doanh phần thương mại, dịch vụ, tiện ích đồng bộ để đáp ứng như cầu của cư dân trong sự án.

Dự án nhà ở xã hội tại khu đất chung cư số 5 thuộc khu B - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ có tổng diện tích xây dựng gần 15.900 m2, trong đó diện tích sàn xây dựng gần 146.000 m2, với khoảng 1.236 căn hộ chung cư. Số tầng dự kiến gồm 1 tầng hầm, 12 - 15 tầng nổi và tầng kỹ thuật.

Dự án có quy mô dân số khoảng 3.100 người. Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.737 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm, kể từ ngày nhà đầu tư được nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phản hồi về đề xuất nâng tiền đặt cọc đấu giá đất lên 30 – 35%

Theo cử tri tỉnh Nghệ An, hiện nay, việc đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập, nhất là tình trạng nâng giá, dìm giá, bỏ cọc. Cử tri kiến nghị Chính phủ sửa đổi, hoàn thiện các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất như quy định về giá khởi điểm, chế tài đối với việc không thực hiện thanh toán tiền trúng đấu giá, đặc biệt là nâng mức tiền đặt cọc đấu giá đất lên khoảng 30 – 35% giá khởi điểm, quy định thời gian tối thiểu mới được chuyển nhượng, tách thửa để ổn định thị trường quyền sử dụng đất ở, hạn chế tình trạng nhà đầu tư lướt sóng thao túng thị trường, người dân có nhu cầu lại không mua được.

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay, Luật Đấu giá tài sản quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước với mức từ 5% đến 20% so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Mức cụ thể do người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận, quyết định. Tiền đặt trước sau khi trúng đấu giá được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc thực hiện nghĩa vụ mua tài sản đấu giá sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, qua thực tiễn triển khai với nhiều loại tài sản được đưa ra bán đấu giá, giá trị tài sản khác nhau (hiện nay có hơn 20 loại tài sản được đưa ra bán đấu giá) đã cho thấy mức tiền đặt trước tối đa mà Luật Đấu giá tài sản quy định là phù hợp, tạo điều kiện thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá.

Trường hợp nâng mức tiền đặt trước lên quá cao có thể sẽ có ít tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối để dìm giá.

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổ chức tổng kết 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu các phản ánh, kiến nghị của cử tri liên quan đến các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá, trong đó có nội dung về tỷ lệ tiền đặt trước trong quá trình đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, đang hoàn thiện trình Chính phủ ban hành và sẽ nghiên cứu để thể chế trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Đất đai sửa đổi.

Khánh Hòa thu hồi 1.254ha thực hiện dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh

Sáng nay, ngày 2/12, Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa VII đã tổ chức kỳ hợp chuyên đề. Tại kỳ họp, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có tờ trình thông qua danh mục thu hồi đất để chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh rộng hơn 1.254ha trải dài trên các phường, xã: Cam Lập, Cam Thịnh Đông, Ba Ngòi, Cam Lợi, Cam Thuận, Cam Phú, Cam Phúc Nam, Cam Phúc Bắc, Cam Nghĩa thuộc TP Cam Ranh.

Dự án nhằm hướng đến việc xây dựng mới khu đô thị hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật; khu nhà ở (nhà ở thương mại, nhà ở xã hội – tái định cư); các công trình công cộng, dịch vụ phục vụ cho đơn vị ở và đô thị (trường học, trạm y tế, chợ, trung tâm thương mại...); hệ thống công viên, cây xanh đô thị; các công trình dịch vụ nghỉ dưỡng, sân golf, công viên chuyên để.

Dự án nhằm góp phần đưa quỹ đất khu vực vào khai thác có hiệu quả, thúc đẩy kinh tế xã hội khu vực vịnh Cam Ranh, TP Cam Ranh phát triển. Đồng thời, hình thành nên khu đô thị mới hiện đại, hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu ở, giải trí, nghỉ dưỡng.

Dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh được kỳ vọng sẽ trở thành khu đô thị và khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển ven vịnh Cam Ranh với tổng vốn đầu tư hơn 42.268 tỷ đồng

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm (được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất); người mua nhà ở được sử dụng đất ổn định lâu dài theo quy định của Luật Đất đai.

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống