Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Thanh tra 10 doanh nghiệp có dự án bất động sản tại Đồng Nai

Thanh tra 10 doanh nghiệp có dự án bất động sản tại Đồng Nai; Thành viên Tập đoàn Hoà Phát muốn làm khu dân cư hơn 5.600 tỷ đồng tại Phú Thọ; Đề xuất 31.000 tỉ đồng để “nâng đời” sân bay Đà Nẵng; Bộ Xây dựng sẽ thanh tra quy hoạch, hoạt động kinh doanh bất động sản tại 10 địa phương; Ninh Bình sắp có Khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng 1.100ha; Dừng điều chỉnh dự án ‘Hạ Long trên cạn' của 'chúa đảo' Tuần Châu; Đất đấu giá tại Đông Anh (Hà Nội) gần 170 triệu đồng/m2 là những thông tin nổi bật tuần qua.

Thanh tra 10 doanh nghiệp có dự án bất động sản tại Đồng Nai

Đoàn công tác Bộ TN&MT do Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa làm Trưởng đoàn vừa làm việc với tỉnh Đồng Nai để công bố quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực TN&MT.

Theo kế hoạch, trong vòng 30 ngày kể từ ngày công bố quyết định (23/11), Đoàn công tác sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về TN&MT với UBND tỉnh; thanh tra chấp hành pháp luật về đất đai với TP Long Khánh, huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch.

Với 10 DN, ở cấp huyện có dự án tại thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) của Cty CP Long Thành Riverside; dự án tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) của Cty TNHH Thương mại dịch vụ Quang Vinh; dự án tại xã Giang Điền (huyện Trảng Bom) của Cty CP Đầu tư LDG; dự án tại xã Long Đức (huyện Long Thành) của Cty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An.

Ở TP Biên Hòa, tại phường Tam Phước có các dự án của Cty CP Đầu tư kinh doanh nhà Phước Thái, Cty TNHH Đầu tư địa ốc Thành Nhơn, Cty TNHH Bất động sản Gia Đức, Cty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản Đại Phát.

Tại xã Long Hưng có các dự án của Cty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Long Hưng Phát, Cty CP Southern Golden Land.

Đất đấu giá tại Đông Anh (Hà Nội) gần 170 triệu đồng/m2

Mới đây, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở tại điểm X7 xã Uy Nỗ. Đây được coi là khu "đất vàng" do nằm ngay trung tâm hành chính của huyện Đông Anh.

Theo đó, có 27 thửa đất với tổng diện tích hơn 3.364 m2. Các thửa đất có diện tích từ 115,26 m2 đến 227,89 m2  được đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất để làm nhà ở lâu dài. Giá khởi điểm dao động từ 58 triệu đồng/m2 đến 69 triệu đồng/m2 (tuỳ theo diện tích và vị trí), bước giá áp dụng tại tất cả các thửa đất là 500.000 đồng/m2.

Kết quả, giá trúng đấu giá cao nhất là 168,5 triệu đồng/m2 (gấp hơn 2 lần giá khởi điểm), giá trúng đấu giá thấp nhất là 78,5 triệu đồng/m2.Tổng giá trúng đấu giá thu về gần 409 tỷ đồng.

Huyện Đông Anh tổ chức nhiều cuộc đấu giá đất kể từ đầu năm đến nay.  
Huyện Đông Anh tổ chức nhiều cuộc đấu giá đất kể từ đầu năm đến nay.  

Trước đó, huyện Đông Anh cũng tổ chức đấu giá loạt lô đất tại xã Dục Tú với giá trúng cao nhất hơn 50 triệu đồng/m2.

Cụ thể, sáng 8/10, có 27 thửa đất (đợt 1) với tổng diện tích hơn 2.571 m2 tại thôn Dục Tú 1 được đưa ra đấu giá để làm nhà ở lâu dài. Giá khởi điểm cho các thửa đất thấp nhất từ 28,8 triệu đồng/m2 đến cao nhất 33,7 triệu đồng/m2 (tuỳ theo diện tích và vị trí).

Tham gia phiên đấu giá có 109 nhà đầu tư với mức giá trúng cao nhất là 56,7 triệu đồng/m2, giá trúng đấu giá thấp nhất là 35,2 triệu đồng/m2. Tổng giá trúng đấu giá thu về hơn 112 tỷ đồng. 

Thành viên Tập đoàn Hoà Phát muốn làm khu dân cư hơn 5.600 tỷ đồng tại Phú Thọ

Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ vừa công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu dân cư nông thôn sinh thái Cao Xá, huyện Lâm Thao.

Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 5.622,085 tỷ đồng (chi phí thực hiện 5.284,085 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 338 tỷ đồng), quy mô sử dụng đất 120 ha, bao gồm các hạng mục: nhà ở liền kề, biệt thự, công trình hỗn hợp, dịch vụ công cộng; hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

Dự án có thời gian hoạt động 50 năm, tiến độ hoàn thành xây dựng đến năm 2030.

Cuối tháng 10/2022, UBND tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt Hồ sơ yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư và thông báo mời nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện dự án. Đến nay, qua mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án duy chỉ có một nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ là Liên danh Công ty Cổ phần Tổng công ty Đầu tư Hợp Nghĩa - Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát.

Trong đó, Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát là thành viên thứ 5 thuộc Tập đoàn Hoà Phát có địa chỉ đóng tại số 39 Nguyễn Đình Chiểu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Người đại diện công ty là ông Hoàng Quang Việt.

Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát chính thức hoạt động từ ngày 28/9/2002 với ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là khai thác đá, cát, sỏi, đất sét; xây dựng nhà các loại, kinh doanh bất động sản.

Đề xuất 31.000 tỉ đồng để “nâng đời” sân bay Đà Nẵng

UBND TP. Đà Nẵng mới đây đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị thẩm định, phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đề xuất của Đà Nẵng, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ được nâng cấp thành sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp 1; sản lượng vận chuyển hành khách đạt 25 triệu hành khách/năm đến năm 2030, đạt 30 triệu hành khách/năm đến năm 2050; sản lượng vận chuyển hàng hóa 200.000 tấn/năm; có 92 vị trí sân đỗ máy bay; khai thác các loại tàu bay code E trở xuống và máy bay quân sự cấp I.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

Về kế hoạch cụ thể, trong thời kỳ 2021 – 2030, TP. Đà Nẵng đề xuất mở rộng sân đỗ tàu bay về phía Đông đạt 73 vị trí; giai đoạn sau 2030 sẽ xây dựng mới sân đỗ phía Tây với 19 vị trí đỗ.

Đối với nhà ga hành khách, trong thời kỳ 2021 – 2030 giữ nguyên nhà ga T2 khai thác quốc tế; mở rộng nhà ga T1 về phía Đông Nam (2 nhà ga sẽ được kết nối với nhau bởi cầu nối dài 170 m). Thời kỳ sau năm 2030 sẽ xây dựng nhà ga quốc nội T3 về phía Đông Nam đạt công suất 15 triệu hành khách/năm, diện tích xây dựng nhà ga là 9.475 m2; cải tạo nhà ga T1 kết hợp nhà ga T2 khai thác quốc tế.

Xây dựng nhà ga hàng hóa phía Đông trong thời kỳ 2021 – 2030; thời kỳ sau năm 2030 sẽ xây dựng nhà ga hàng hóa phía Tây kết hợp với khu logistic hàng không.

Kế hoạch xây dựng mới đường cất hạ cánh sẽ triển khai sau năm 2030.

Bộ Xây dựng sẽ thanh tra quy hoạch, hoạt động kinh doanh bất động sản tại 10 địa phương

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký ban hành quyết định kế hoạch thanh tra năm 2023 của Bộ Xây dựng.

Theo đó, danh mục thanh tra năm 2023 gồm ba phần hành chính, chuyên ngành và thanh tra chuyên đề đối với 7 tỉnh thành phố.

Đối với công tác quản lý hoạt động xây dựng tại một số dự án do Bộ (ngành), địa phương và tập đoàn, Tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư sẽ thanh tra công tác quản lý hoạt động xây dựng tại dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng tại 3 đơn vị là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh; Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - Bộ Giao thông Vận tải; Ban Quản lý dự án 4 – Cục Đường bộ Việt Nam.

Bộ Xây dựng sẽ thanh tra việc quy hoạch xây dựng, thực hiện theo quy hoạch được duyệt, hoạt động xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản các UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, các tổ chức, đơn vị có liên quan tại 3 tỉnh, thành phố là Lạng Sơn, Bắc Giang, Bình Phước.

Theo kế hoạch cũng sẽ thực hiện thanh tra UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, các tổ chức, đơn vị có liên quan việc chấp hành quy định trong hoạt động kinh doanh bất động sản, thực hiện xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị tại 7 địa phương Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hoá, Thừa Thiên – Huế, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang.

Ngoài ra còn giải quyết khiếu nại tố cáo, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra dự kiến từ 2-4 đoàn tại UBND một số tỉnh thành phố…

Ninh Bình sắp có Khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng 1.100ha

UBND tỉnh Ninh Bình vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng, UBND huyện Nho Quan liên quan đến việc lập quy hoạch Khu đô thị du lịch sinh thái, văn hoá, lịch sử và nghỉ dưỡng Ninh Bình tại xã Sơn Hà và xã Quảng Lạc.

Theo đó, UBND tỉnh đồng ý giao UBND huyện Nho Quan chủ trì, tổ chức lập Quy hoạch phân khu Khu đô thị du lịch sinh thái, văn hoá, lịch sử và nghỉ dưỡng Ninh Bình tại xã Quảng Lạc (phía Tây Nam Quốc lộ 12B) với diện tích nghiên cứu khoảng 475ha, yêu cầu đảm bảo tính tổng thể kết nối đồng bộ với toàn bộ khu vực lân cận theo định hướng Quy hoạch vùng huyện Nho Quan và điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 đang triển khai.

Khu vực tại xã Sơn Hà (phía Đông Bắc Quốc lộ 12B), huyện Nho Quan với diện tích lập quy hoạch khoảng 625ha, tổ chức thực hiện sau khi đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quy mô diện tích lập quy hoạch sẽ được xác định trong quá trình lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Dừng điều chỉnh dự án ‘Hạ Long trên cạn' của 'chúa đảo' Tuần Châu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Công ty CP Tuần Châu Hà Nội về việc dừng thẩm định hồ sơ điều chỉnh dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội.

Trước đó, tháng 6/2021, chủ đầu tư dự án là Công ty CP Tuần Châu Hà Nội (thuộc sở hữu của ông Đào Hồng Tuyển) đã có văn bản đề xuất điều chỉnh dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội theo hướng tăng diện tích đất xây nhà ở thương mại, tăng tổng vốn đầu tư dự án từ 3.178 tỉ đồng lên 7.060 tỉ đồng.

Theo giấy phép dự án được cấp năm 2007, khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội xây dựng trên khu đất 199,27ha, tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.

Dự án cách trung tâm thành phố khoảng 30km về phía tây, được thiết kế với bãi biển nhân tạo để mang tới trải nghiệm tắm biển cho người Hà Nội ngay giữa lòng thủ đô. Khi mới phê duyệt đầu tư, nhiều người kỳ vọng dự án sẽ trở thành một Hạ Long trên cạn của TP Hà Nội.

Nhưng đến năm 2021, sau hơn 10 năm xây dựng, ý tưởng biến vùng đất Sài Sơn trở thành Hạ Long trên cạn chưa thành hiện thực, buộc chủ đầu tư phải xin điều chỉnh quy hoạch, đổi tên, mục tiêu đầu tư dự án theo hướng phát triển nhà ở thương mại.

Để điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lấy ý kiến các bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Tư pháp, Văn hóa - Thể thao và Du lịch và TP Hà Nội trước khi trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Cuối tháng 10/2022, Công ty CP Tuần Châu Hà Nội lại bất ngờ có văn bản xin rút hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội.

Vì thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chấp thuận dừng điều chỉnh dự án theo đề nghị của Công ty CP Tuần Châu Hà Nội.

Việc dừng điều chỉnh dự án được thực hiện theo khoản 2 điều 5 Luật đầu tư năm 2020 - "Nhà đầu tư được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan".

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống