Tín hiệu tốt cho chu kỳ đầu tư mới của thị trường bất động sản cuối năm

Nếu cách đây chỉ vài tháng, thị trường bất động sản chìm trong tâm trạng bất ổn, gần như rơi vào tình trạng "bất động" thì nay thông tin nới tín dụng đã "sốc" lại tinh thần cho các nhà đầu tư.

Các chuyên gia cho rằng, về bản chất thị trường bất động sản vẫn rất tốt, thời gian qua chỉ là quãng nghỉ khi thị trường bị tác động khách quan do thiếu nguồn vốn. Nếu vấn đề căn cơ được giải quyết thị trường sẽ tiếp tục đà tăng trưởng vốn có.

Thực tế cho thấy, các nhà đầu tư cũng đang ngắm cho mình những sản phẩm tốt, đặc biệt là bất động sản nhà ở thuộc các đô thị lớn khu vực mở rộng của Hà Nội, TP.HCM. Những sản phẩm có pháp lý tốt, hạ tầng tốt sẽ nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư và chỉ chờ cơ hội để bước vào chu kỳ đầu tư mới.

Tín hiệu tốt cho chu kỳ đầu tư mới của thị trường bất động sản cuối năm khi nới room tín dụng.
Tín hiệu tốt cho chu kỳ đầu tư mới của thị trường bất động sản cuối năm khi nới room tín dụng.

Nới room tín dụng tác động đến tâm lý trên thị trường bất động sản

Hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng liên tục "nóng" trong thời gian gần đây khi Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên room 14% cho cả năm 2022. Có thể nói tín dụng như "máu" của doanh nghiệp, việc thắt tín dụng quá mức khiến thị trường bất động sản đứng hình, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia bày tỏ lo ngại nếu Việt Nam siết tín dụng quá lâu nguy cơ cho thị trường bất động sản. Việc dòng vốn vào bất động sản bị nghẽn sẽ làm tăng sự mất cân đối cung - cầu bất động sản (cung không thể tăng, cầu không giảm….), dự án có thể bị dở dang, nợ xấu theo đó tăng, chứng khoán giảm, kéo theo giảm đà phục hồi kinh tế.

Trước nhiều ý kiến lo ngại của các chuyên gia, ngày 26/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã chính thức có những chia sẻ thông tin mới nhất về lộ trình bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8 diễn ra ngày 6/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng khẳng định cơ quan này sẽ công bố kết quả phân bổ "room" tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong 1-2 ngày tới.

Đến ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức đưa ra thông tin về kết quả điều hành tín dụng và định hướng điều hành tín dụng tới cuối năm 2022.

Như vậy, sau nhiều tháng chờ mong, cuối cùng thông tin về việc nới room tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng cũng đã có bước tiến mới. Một số ngân hàng đã được NHNN nới hạn mức trên cơ sở xếp hạng và tình hình thực tiễn của thị trường.

Trước động thái nới tín dụng của NHNN, Công ty CP Chứng khoán SSI nhận định việc NHNN phân bổ room tín dụng còn lại của năm 2022 tương đương với việc sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng được phân bổ về cho các ngân hàng, với mức dự báo hạn mức khoảng 3 - 5% tùy vào tình hình sức khỏe của từng ngân hàng.

Việc nới room tín dụng sẽ có tác động tích cực đến dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản và tăng dư địa cho thị trường phục hồi, tái phát vào những tháng cuối năm. Dòng vốn khơi thông cũng sẽ tạo lực đẩy quan trọng cho các doanh nghiệp đẩy mạnh bung hàng trong những tháng tới.

Đồng quan điểm với SSI, các chuyên gia cũng cho biết việc nới room tín dụng phần nào sẽ có tác động tích cực đến dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản. Thứ nhất, các doanh nghiệp có nguồn tiền mới để vay đảo phần nợ trái phiếu đến hạn. Thứ hai, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ ấm trở lại vào các tháng cuối năm khi dòng tín dụng được khai thông, doanh nghiệp giải phóng được lượng hàng tồn kho và có thêm nguồn tiền để trả nợ.

Một khi “nút thắt” tín dụng được tháo gỡ, thị trường sẽ có cơ hội để chuyển đổi từ giai đoạn chờ đợi sang hành động.
Một khi “nút thắt” tín dụng được tháo gỡ, thị trường sẽ có cơ hội để chuyển đổi từ giai đoạn chờ đợi sang hành động.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định, cùng với động thái nới room tín dụng của NHNN, thị trường bất động sản đang được tháo các nút thắt lớn từ sau Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính Phủ về chủ trương không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, công khai minh bạch thông tin quy hoạch... Đây sẽ là 2 lực đẩy quan trọng cho thị trường bất động sản hồi phục và sôi động trở lại sau thời gian dài trầm lắng trong năm 2022.

Nhà đầu tư cần cân nhắc, tránh rủi ro đầu tư BĐS

Các chuyên gia cho rằng yếu tố lạm phát, sự thay đổi cán cân đầu tư, dòng vốn dịch chuyển vào bất động sản nhiều hơn cũng khiến giá trị BĐS có xu hướng liên tục tăng.

Để tránh những rủi ro, nhà đầu tư mua BĐS vẫn cần cân nhắc đến các dự án hiện đại, hạ tầng và tiện ích xung quanh – đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán, thanh khoản. Cùng với đó là các yếu tố cơ bản như pháp lý, uy tín chủ đầu tư, tiềm lực và kinh nghiệm…

Ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, nguồn cung mới trên thị trường khá hạn chế, tăng giá bán, người mua sơ cấp kỳ vọng giá trị gia tăng do lạm phát, giá cả nguyên vật liệu xây dựng gia tăng. Đây là những diễn biến trong thị trường vừa qua và một năm trở lại đây, đặc biệt là bất động sản nhà ở. Việc nguồn cung hạn chế sẽ tạo điều kiện cho các đô thị xung quanh Hà Nội và TP.HCM phát triển. Bởi đây là những khu vực có quỹ đất còn nhiều, giá mềm dẻo hơn, từ đó cải thiện tính thanh khoản.

Chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm, trước khi quyết định xuống tiền cần chú ý tới giá bán và pháp lý của bất động sản. Ngoài ra, trong bối cảnh diễn biến vĩ mô phức tạp hiện nay, nhà đầu tư cần tính toán kỹ khi sử dụng đòn bẩy tài chính.

Về triển vọng các sản phẩm đất nền và nhà thổ cư Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, Hà Nội đang làm tốt về quy hoạch hạ tầng và đẩy mạnh các tuyến đường giao thông. Vì vậy, thành phố đã sẵn sàng đón các luồng đầu tư, trong đó có đầu tư BĐS. Thanh khoản của đất nền và nhà thổ cư phụ thuộc nhiều vào chính sách nới tín dụng của Nhà nước. Một khi “nút thắt” tín dụng được tháo gỡ, thị trường sẽ có cơ hội để chuyển đổi từ giai đoạn chờ đợi sang hành động.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống