TP HCM: Nhà liền thổ “hạ nhiệt”, còn 380 triệu đồng/m2

Sau khi lập đỉnh giá vào quý II/2024 thì bước sang quý III, giá nhà liền thổ tại TP HCM đã “hạ nhiệt” khi giá sơ cấp phân khúc này ghi nhận giảm 5,3%, còn 380 triệu đồng/m2.

TP HCM: Nhà liền thổ “hạ nhiệt”, còn 380 triệu đồng/m2 - Ảnh 1

Báo cáo mới nhất của JLL Việt Nam cho thấy, trong quý III, thị trường nhà liền thổ ghi nhận tỷ lệ bán hàng tốt, chủ yếu đến từ giỏ hàng đợt 1 tại một dự án ở huyện Bình Chánh đạt tỷ lệ tiêu thụ trên 90% chỉ trong một quý chào bán.

Theo JLL, điều này cho thấy nguồn cầu của thị trường đối với các dự án được phát triển bởi chủ đầu tư tên tuổi vẫn tương đối tốt, bất chấp bối cảnh trầm lắng trong hai quý đầu năm.

Tuy nhiên, JLL cho biết sự xuất hiện các dự án mở bán mới tại khu vực vùng ven làm cho giá trung bình nhà liền thổ sơ cấp ở TP.HCM giảm 5,3% so với quý trước, về khoảng 15.480 USD/m2 (tương đương 383 triệu đồng/m2).

Trong quý 3/2024, nguồn cung sơ cấp thị trường nhà liền thổ đã có những chuyển biến tích cực hơn so với những quý trước đó. Những chính sách thu hút khách hàng như ưu đãi chiết khấu, phương án thanh toán linh hoạt đang được các chủ đầu tư áp dụng để kích cầu thị trường trong giai đoạn cuối năm.

JLL dự báo, trong 3 tháng cuối năm 2024 và bước sang năm 2025, thị trường nhà liền thổ dự kiến chào đón 4.000 sản phẩm mới. Những dự án cũ tái khởi động, sự xuất hiện của các dự án mới và sự quay trở lại của nhân sự mang lại nhiều kỳ vọng tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, JLL cho rằng thị trường vẫn khó có sự hồi phục đột biến trong ngắn hạn.

Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường, nguồn cung vốn đã khan hiếm đã khiến giá trung bình của phân khúc nhà liền thổ mỗi năm một tăng cao hơn. Điều này khiến cho thanh khoản của nhà liền thổ ở cả hai thị trường sơ cấp và thứ cấp đều đang ở mức thấp.

Trước đó, báo cáo thị trường quý II/2024 của Cushman & Wakefield cho biết, giá sơ cấp trung bình của nhà liền thổ tại TP HCM khoảng 19,146 USD (480 triệu đồng) mỗi m2, tăng 17% so với quý trước và tăng 41% so với cùng kỳ 2023. Đây là mức cao kỷ lục ghi nhận trong một thập niên qua.

Cũng theo đơn vị này, quý II, TP.HCM có 337 căn nhà liền thổ mở bán mới, giảm 61% so với cùng kỳ 2023.

Báo cáo của DKRA Group cũng cho thấy 6 tháng đầu năm, nhà liền thổ TP.HCM ghi nhận mức giá sơ cấp cao nhất lên đến 750 tỷ đồng, thấp nhất 5,5 tỷ đồng mỗi căn. Trong khi năm 2022, giai đoạn cao điểm về giao dịch nhà liền thổ của thành phố, giá bán cao nhất phân khúc này chỉ 700 tỷ đồng và thấp nhất là 4,9 tỷ đồng mỗi căn.

Còn theo nghiên cứu của Savills Việt Nam, trong 5 năm qua, giá nhà liền thổ tại TP.HCM đã tăng gấp ba lần trên thị trường sơ cấp và gấp đôi ở thị trường thứ cấp.

Tương lai sẽ không còn giá rẻ

Dưới tác động của việc quỹ đất ngày càng hạn hẹp, vấn đề pháp lý khó khăn…, các chuyên gia dự báo, đến năm 2026, TP.HCM sẽ không còn các sản phẩm thấp tầng có giá rẻ.

Bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc, Cushman & Wakefield Vietnam cho biết TP.HCM theo đuổi chiến lược mở rộng đô thị vào các khu vực ít dân cư hơn. Trong 3 năm tới, nguồn cung dự kiến đạt 9.600 căn, hầu hết các dự án sắp triển khai sẽ nằm cách trung tâm thành phố từ 5 đến 25km. Ở phía Đông, TP.Thủ Đức đóng vai trò là đầu mối phát triển, trong khi ở khu vực phía Nam, cả huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ đều tích cực tham gia quy hoạch nhiều dự án quy mô lớn.

Theo đến năm 2026, TP.HCM sẽ không còn các sản phẩm thấp tầng có giá rẻ (Ảnh minh họa).
Theo đến năm 2026, TP.HCM sẽ không còn các sản phẩm thấp tầng có giá rẻ (Ảnh minh họa).

Trong khi đó, chuyên gia của Savills dự báo thị trường nhà liền thổ sẽ có 883 căn được tung ra thị trường, chủ yếu từ các giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu. Những sản phẩm có giá trên 20 tỷ đồng sẽ chiếm đến 80% nguồn cung tương lai.

Dự kiến đến năm 2026, TP.HCM sẽ không còn các sản phẩm thấp tầng có giá dưới 5 tỷ và chỉ có 10% nguồn cung sơ cấp có giá dưới 10 tỷ. Trong khi đó, các sản phẩm với mức giá này lại chiếm đến 85% nguồn cung ở các địa phương lân cận.

Về phía các chủ đầu tư, để cải thiện lượng giao dịch, thu hút khách hàng, nhiều đơn vị vẫn đang tích cực triển khai nhiều chính sách như linh hoạt điều chỉnh phương thức thanh toán, điều khoản bán hàng, tung ưu đãi…. phù hợp với tình hình thực tế và túi tiền của nhà đầu tư.

Về tổng quan về diễn biến thị trường trong năm 2024, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nhận xét: Nguồn cung phục hồi, giá bán tiếp tục đà tăng và thanh khoản tích cực là các tín hiệu đáng mừng của thị trường bất động sản nhà ở trong nửa đầu năm 2024.

Trong nửa cuối năm 2024, những dấu hiệu phục hồi của kinh tế Việt Nam và nỗ lực đưa các luật sửa đổi mới như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật đất đai sớm đi vào hiệu lực từ tháng 8/2024 sẽ góp phần củng cố tâm lý của nhà đầu tư và khơi thông các vướng mắc về mặt pháp lý.

"Tuy nhiên các chính sách vẫn luôn có độ trễ nhất định, Do đó, năm 2025 sẽ chứng kiến sự phục hồi rõ nét hơn của thị trường nhà ở, về cả nguồn cung, chất lượng sản phẩm và mức giá bán", bà Dung nhấn mạnh thêm.

An Nhiên

Theo Chất lượng và cuộc sống