TS Nguyễn Văn Đính: “Thị trường bất động sản năm 2023 sẽ không rơi vào trạng thái sốt đất như năm 2022”

Trước những ý kiến lo ngại rằng năm 2023 hiện tượng “sốt đất” giống như năm 2022 có thể lặp lại thì ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng thị trường năm nay sẽ không rơi vào trạng thái như cũ.

Nhiều yếu tố tác động đến thị trường bất động sản 2023

Vào giai đoạn năm 2016 - 2022, “sốt đất” được coi là “cơm bữa” đối với thị trường bất động sản, đặc biệt vào thời điểm đầu năm khi giá đất luôn tăng mạnh do tâm lý kỳ vọng của giới đầu tư.

Thậm trí, giai đoạn khó khăn như thời điểm ảnh hưởng bởi Covid-19, những cơn sốt đất vẫn diễn ra cục bộ trên thị trường. Khi đó, làn sóng lớn của nhà đầu tư, môi giới “ập” đến với lượng mua – bán tấp nập, giá đất tăng từng tuần, từng tháng tại nhiều địa phương.

Không nói đâu xa, cách đây khoảng 1 năm, cụ thể vào thời điểm đầu năm 2022, cơn sốt đất đã bùng lên tại nhiều địa phương. Cộng hưởng với việc Chính phủ liên tục thúc đẩy đầu tư công, hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm tại các địa phương được phê duyệt và đẩy mạnh đầu tư đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên hưng phấn, kỳ vọng rất lớn vào thị trường.

Sốt đất từng diễn ra cục bộ tại nhiều địa phương vào thời điểm đầu năm 2022.  
Sốt đất từng diễn ra cục bộ tại nhiều địa phương vào thời điểm đầu năm 2022.  

Năm 2022 cũng là thời điểm dịch bệnh cơ bản được kiểm soát lại càng khiến thị trường bất động sản có lý do để trở nên “nóng” hơn. Những địa điểm sốt đất diễn ra tiêu biểu như Bắc Giang, Bắc Ninh, vùng ven Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hoá đến Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa.

So với năm 2022, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá thị trường bất động sản năm nay phát triển với 4 điểm bất thường. Trong đó, thị trường đã và đang điều chỉnh rất mạnh sau 3 năm tăng nóng; cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đã dùng đòn bẩy tài chính tương đối nhiều; đầu cơ giá tăng và cuối cùng là tâm lý đám đông vẫn còn nặng nề.

Ông Lực cho rằng, hiện nay có nhiều vấn đề tác động lớn đến thị trường bất động sản, câu chuyện nguồn vốn đang nhận được nhiều sự quan tâm của thị trường. Do đó, 3 vấn đề vốn, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản cần tập trung của nền kinh tế trong thời gian tới.

Cụ thể, đối với câu chuyện vốn tại thị trường bất động sản, mặc dù nguồn vốn tín dụng đổ vào lĩnh vực bất động sản năm qua vẫn tăng 15%, song do tăng quá nhanh trong quý I, quý II nên quý III phải "phanh gấp". Mặt khác, do nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong năm lớn, trong khi kênh trái phiếu doanh nghiệp không phát triển, phát hành giảm đã dồn áp lực vốn cho hệ thống ngân hàng.

Khó có sốt đất trong năm 2023?

Các chuyên gia đều nhận định, năm 2023 sẽ không xảy ra sốt đất tại nhiều địa phương như đầu năm 2022.

Theo ông Đỗ Hoàng Dương, chuyên gia BĐS kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Gia Gia Phú nhận định cần có quá trình hội tụ nhiều yếu tố về cung cầu, thông tin, hạ tầng, dòng vốn… mới bùng lên những cơn sốt đất. Quá trình đó cần thời gian khoảng 4-5 năm.

“Như vậy, sốt đất có thể xảy ra vào năm 2027, 2028 khi thị trường tốt trở lại, giao dịch sôi động, giá nhà đất tăng mạnh” - ông Dương dự báo.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, tình trạng sốt đất đầu năm 2022 một phần là do thị trường bất động sản đang được kỳ vọng quá lớn vào khả năng hồi phục. Vì vậy mà tâm lý nhà đầu tư rất hưng phấn muốn tham gia thị trường, đẩy giá bất động sản tăng cao. Song, đến giữa năm với hàng loạt các động thái thắt chặt về tín dụng ngân hàng, kiểm soát chặt hoạt động trái phiếu doanh nghiệp, cùng một số lãnh đạo doanh nghiệp vướng vào lao lý khiến tâm lý chung của thị trường có sự biến động khiến thị trường bất động sản “hạ nhiệt sốc”.

“Do đó năm 2023, tình trạng sốt đất có lặp lại hay không còn phụ thuộc nhiều vào bối cảnh bên ngoài. Tuy nhiên, tôi cho rằng, thị trường năm nay sẽ không rơi vào trạng thái như cũ”, ông Đính chia sẻ.

TS Nguyễn Văn Đính: “Thị trường bất động sản năm 2023 sẽ không rơi vào trạng thái sốt đất như năm 2022” - Ảnh 1

Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho biết có 2 nguyên nhân không xảy ra tình trạng “sốt đất” như năm trước. Thứ nhất, năm nay hiện tượng đầu cơ sẽ ít hơn do việc sử dụng đòn bẩy tài chính đang trở nên khó khăn. Đối với nhà đầu tư, tâm lý vẫn rất dè chừng và trở nên thận trọng trước khi xuống tiền. Ngoài ra, thị trường bất động sản đang hướng về nhu cầu thực nên khó xảy ra tình trạng “sốt nóng”.

Thứ hai, những thăng trầm trong năm 2022 sẽ đem đến nhiều bài học cho các chủ thể tham gia thị trường bất động sản, kể cả những nhà làm chính sách trong năm 2023. Do đó, thời gian tới dù khó khăn, thị trường vẫn sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc ứng phó.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển