Vay ngân hàng mua 4 lô đất lãi hàng chục triệu đồng trong tháng đầu tiên, vung tiền 'chơi lớn' thì mất hết: Tôi phải rời Nghệ An đi xuất khẩu lao động, kiếm tiền theo 'cấp số nhân' không đơn giản
Gom hết vốn liếng bao năm để đầu tư bất động sản, vợ chồng tôi đứng ngồi không yên vì giá đất giảm không phanh nhưng nợ, lãi ngân hàng lại không giảm.
Tôi là Đ.H, năm nay 42 tuổi, ở Nghệ An. Dù chỉ ở vùng nông thôn nhưng hồi đầu 2023, giá đất quê tôi bỗng nhiên tăng vọt. Đi đến đâu, tôi cũng nghe người ta kháo nhau về giá đất tăng cao, người người nhà nhà rủ nhau đi đầu tư bất động sản. Một người bạn rỉ tai tôi: "Ôm lô đất chỉ một vài tháng đã lãi lên đến cả trăm triệu đồng, ít thì vài chục triệu, có tiền giờ chỉ đầu tư đất mới là thông minh".
Nghe bùi tai, tôi về bàn với vợ chuyện gom vốn liếng đi đầu tư đất. Vợ chồng tôi có một cửa hàng bán đồ ăn sáng ở thị trấn. Ngoài ra, tôi còn chạy xe tải chở hàng, tính ra cuộc sống cũng không quá vất vả nhưng nói để giàu có thì chẳng bằng ai. Thế nên, tôi bàn vợ vay thêm tiền ngân hàng đi đầu tư đất, với lãi cấp số nhân thì chẳng mấy chốc sẽ hoàn vốn, trả nợ ngân hàng. Khi có vốn xoay vòng sẽ đỡ vất vả hơn.
Dù không mấy tình nguyện nhưng vì lời khuyên nhủ của tôi nên vợ cũng xuôi tai, đồng ý. Chúng tôi thế chấp căn nhà ở quê, thế chấp luôn căn nhà ở thị trấn đang mở quán ăn. Vay thêm tiền ngân hàng đầu tư vào 4 lô đất. Sau vài tháng, chúng tôi bán được 1 lô. Thấy có lãi, tôi lại bàn vợ chưa trả nợ vội mà dùng tiền đầu tư thêm những lô đất khác. Tôi còn hào hứng tính rằng, cứ vài tháng bán 1 lô đất cũng đã bằng tiền hai vợ chồng "cày bừa" suốt nửa năm trời, thức khuya dậy sớm chuẩn bị đồ hàng bán buôn.
Thế nhưng, người tính không bằng trời tính. Chưa được bao lâu thì bất động sản đứng giá, bán cũng không bán được. Rao bao nhiêu tháng cũng heo hút người hỏi, chẳng ai mặn mà nữa. Tôi hiểu đây là tình trạng chung, không chỉ riêng mình mà ai đầu tư đất cũng như "ngồi trên đống lửa" vì còn lãi ngân hàng, còn nợ ngân hàng...
Cứ đến kỳ trả nợ, trả lãi là hai vợ chồng lại buồn bã, cơm không buồn ăn, không buồn nói chuyện với nhau. Tôi hiểu vợ cũng lo lắng, bồn chồn. Bao nhiêu tiền của đổ hết vào đất đai, giờ đất không bán được, tiền không có còn phải xoay tiền để trả nợ, trả lãi... Thay vì bán mỗi đỗ ăn sáng, giờ đây vợ tôi mở quán cả ngày để xem có thêm đồng ra đồng vào. Tôi cũng chăm chỉ chạy xe chở hàng. Dù vậy, số tiền kiếm được cũng chẳng đáng là bao so với tiền nợ, tiền lãi.
Suốt 6 tháng trời gồng lưng gánh nợ, tôi quyết định bàn với vợ bán xe tải để xoay xở. Tôi cũng đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài để kiếm thêm tiền. Vợ tôi ở vẫn ở quê, buôn bán thêm thắt để còn nuôi con, chăm sóc 2 đứa con nhỏ. Còn tôi đi nước ngoài, kiếm tiền trả nợ đợi đến lúc bất động sản khởi sắc sẽ bán nốt mấy lô đất. Đúng là người ta làm giàu nhanh, mình làm đủ ăn cũng khó, tôi chừa đến già chẳng ai “bắt trend” đầu tư nữa vì quá mạo hiểm.
Nhiều chủ đầu tư như "ngồi trên đống lửa" khi bất động sản đứng giá. Ảnh minh họa.
Cũng trường hợp như anh Đ.H, anh C.N (sinh năm 1990) cùng quê Nghệ An. Sau 10 năm đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, anh C.N quyết định về quê làm ăn để gần bố mẹ rồi chuẩn bị cưới vợ. 10 năm gom góp ở nước ngoài được kha khá vốn, nhận thấy thời điểm bất động sản “dễ ăn”, anh C.N mở công ty bất động sản, đầu tư hết tiền để mua đất.
Thời gian đầu còn dễ dàng làm ăn, anh C.N rủ anh trai là C.L bán xe đầu kéo đi, đầu tư tiền vào bất động sản cùng mình. Thấy em trai làm việc có lãi nhanh, anh C.L đồng ý bán xe đầu kéo, không chạy hàng nữa mà đi bán đất cùng em. Những tưởng sẽ được giàu nhanh, ai ngờ chưa kịp bán đất bất động sản đã đứng giá, rao bán không ai mua. Có bất động sản trong tay nhưng giờ đây không có tiền để xoay vòng vốn, chưa kể còn ôm khoản nợ ngân hàng, lãi ngân hàng khiến anh C.N ngày càng lo lắng.
Vì không có tiền, anh nhờ bố mẹ thế chấp mảnh đất và căn nhà ở quê để lấy tiền xoay xở. Hơn 1 năm trôi qua, anh vẫn chưa bán được đất và vẫn ôm khoản lãi mẹ đẻ lãi con, nợ mẹ đẻ nợ con. Anh C.N còn tính đến bước tiếp tục sang Hàn Quốc làm việc để vượt qua giai đoạn khó khăn này.