Xin làm sân bay, cao tốc: Sốt đất ai chịu trách nhiệm?
Khi đưa ra khẳng định rõ về chủ trương triển khai dự án sẽ không còn tình trạng nhập nhèm thông tin để
Sốt đất theo dự án "ảo"
Sau khi Bình Phước đề xuất đầu tư dự án sân bay lưỡng dụng ở Hớn Quản, tiếp theo là Đắk Nông, đề xuất quy hoạch xây dựng sân bay lưỡng dụng Nhân Cơ. Trước đó, hàng loạt các địa phương như Bắc Giang, Hà Giang, Ninh Bình, Lai Châu... đồng loạt đề xuất quy hoạch sân bay dân dụng trên địa bàn khiến nhiều chuyên gia lo ngại hiệu quả kinh tế.
Lo ngại về hiệu quả kinh tế là hiển nhiên, bởi báo cáo thực tế cho tới thời điểm này chỉ có 6 sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương, Phú Bài trên tổng số 22 sân bay trên địa bàn cả nước có lãi, còn lại 16 sân bay khác đều đang phải bù lỗ để duy trì hoạt động. Trong bối cảnh đó, các địa phương vẫn đua nhau xin làm sân bay, tình trạng trên đã đặt ra nhiều câu hỏi như: tiền đâu xây sân bay? và làm sân bay thì ai sẽ bay? Chính vì còn nhiều băn khoăn như vậy nên việc xin làm sân bay không nhận được sự đồng thuận từ giới chuyên gia.
Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế chỉ là một vấn đề, gần đây hiện tượng sốt đất theo dự án "ảo" cũng khiến dư luận hết sức bức xúc, gây tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
PGS.TS Nguyễn Quang Học, khoa Quản lý Đất đai, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận định, một trong những nguyên nhân gây sốt đất một phần do các thông tin liên quan tới dự án tung ra. Ví dụ, ngay tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, cơn sốt đất cũng đang làm nhiễu loạn địa phương này. Nguyên nhân chỉ từ thông tin UBND tỉnh Bình Phước có chuyến khảo sát thực địa tại Hớn Quản để có cơ sở đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng và Chính phủ giao lại sân bay quân sự Téc-ních để xây dựng sân bay lưỡng dụng. Ngay sau thông tin trên, rất nhiều người ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và những địa phương khác đã đổ xô tìm đến Hớn Quản để mua bán đất.
Cũng lấy thông tin "sân bay Phan Thiết sắp khởi công" từ buổi làm việc giữa Bộ Quốc phòng với UBND tỉnh Bình Thuận, hàng loạt ôtô từ khắp nơi đã ùn ùn kéo về xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết - nơi quy hoạch xây dựng sân bay, để tìm mua đất khiến nhịp sống thường ngày của người dân đảo lộn.
Hay tại Bình Phước, chỉ từ thông tin đề xuất thay đổi hướng tuyến đường cao tốc Đắk Nông - Bình Phước để kết nối với dự án đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành cũng như tin đồn sẽ xây dựng sân bay Lai Hưng tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương lan ra, giá đất những khu vực này đang được thổi lên chót vót.
"Nhiều đối tượng đầu cơ, môi giới đất đai rất "thính" chỉ cần có thông tin về dự án tác động tới sử dụng quỹ đất và phát triển kinh tế xã hội như cầu, cảng, sân bay thì giới đầu cơ sẽ nhảy vào. Đó là xu hướng đón đầu kiếm lợi. Về nguyên tắc không sai, vấn đề nằm ở chỗ, giới đầu cơ lợi dụng những thông tin dự án chưa rõ ràng để tạo ra các cơn sốt đất “ảo”, tăng giá đất gây khó khăn cho công tác quản lý", vị chuyên gia nói.
Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đầu tư đất đai trở thành kênh đầu tư sinh lợi và an toàn nhất. Chạy theo xu hướng này cộng với tác động từ tâm lý đám đông nên người dân có tiền là tìm tới đất, đầu tư vào đất. Chính vì thế, khi có được thông tin về dự án, dù chưa biết có khả thi hay không nhưng cò đất cũng có cơ hội vin vào đó để làm mưa làm gió.
Cần minh bạch, rõ ràng thông tin
Nhìn từ góc độ này, PGS.TS Nguyễn Quang Học cho rằng có trách nhiệm của các nhà quản lý từ trung ương tới địa phương trong việc đưa ra thông tin để giới đầu cơ đón đầu nhưng lại không khẳng định về tính khả thi của dự án khiến thị trường giá đất bị đẩy theo giá "cò" gây nhiễu loạn, khó kiểm soát.
Ông lấy ví dụ, khi các địa phương xin đưa sân bay vào quy hoạch thì ngay lập tức phía Bộ GTVT phải có ý kiến nói rõ.
Việc xây dựng sân bay phải đáp ứng tiêu chuẩn thế nào? Trên cơ sở đó để khẳng định dự án có khả thi không? Có được phép thực hiện hay không?
Theo thống kê, nếu khoanh vùng bán kính 100 km cho sân bay đang được quy hoạch thì tỷ lệ dân số Việt Nam tiếp cận cảng hàng không trong bán kính 100 km là khoảng 95,94%, cao hơn so với mức 75% bình quân trên thế giới.
Chưa nói còn có địa phương xin làm sân bay mà khoảng cách chưa tới 100km như đề xuất làm sân bay Quảng Trị khi chỉ cách sân bay Đồng Hới khoảng 93 km và cách sân bay Phú Bài chỉ khoảng 88 km.
Như vậy các cơ quan quản lý phải có câu trả lời rõ ràng với những dự án không đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, khoảng cách thì có được phép đưa vào quy hoạch hay không?
Hay khi đề xuất làm cảng biển, cao tốc cũng vậy. Cơ quan quản lý cũng phải trả lời rõ tiêu chuẩn với cảng biển như thế nào, quy định về vùng nước sâu ra sao để có cơ sở khẳng định dự án đó có khả thi trong tương lai.
"Đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Khi đưa ra khẳng định rõ về chủ trương triển khai dự án sẽ không còn tình trạng nhập nhèm thông tin để "cò" lợi dụng đẩy giá đất nữa", vị chuyên gia nói rõ.
Yêu cầu làm rõ thông tin theo PGS Nguyễn Quang Học là để ngăn chặn hiện tượng tung ra dự án "ảo" gây sốt đất, sau đó không có dự án hoặc dự án không khả thi, nhà đầu tư rút đi thì chỉ "cò" thu lợi, còn hậu quả người dân và địa phương gánh chịu.
"Rất nhiều bài học cay đắng từ việc người dân lao vào đầu tư đất mà mất trắng nhà cửa, vườn ruộng, mắc nợ ngân hàng, tín dụng đen, thậm chí phải bỏ quê hương trốn nợ rồi.
Tâm lý chung ai cũng muốn kiếm lợi, khi thấy "cò" đất đẩy giá, người dân lao vào mua rồi cuối cùng mới vỡ lẽ không có dự án, giá đất tụt xuống "cò" rút đi thì chỉ có người dân là khổ.
Vì thế, trách nhiệm của các cơ quan quản lý là phải minh bạch, công khai thông tin tránh nhập nhèm tạo điều kiện cho "cò" đất lợi dụng hành hoành", PGS Nguyễn Quang Học nêu quan điểm.