Bất động sản TP.HCM: 'Sạch bóng' nhà ở bình dân
Trong 9 tháng năm 2023, thị trường bất động sản TP.HCM liên tục tăng trưởng âm. Cụ thể, âm 8,71% so với cùng kỳ). Trước đó, 6 tháng đầu năm 2023 thị trường tăng trưởng âm 11,58% và Quý I/2023 tăng trưởng âm đến 16,2%.
Xét trên doanh thu, kinh doanh bất động sản 10 tháng năm 2023 ước tính đạt 186.662 tỷ đồng giảm 4,3% so với cùng kỳ. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm con số này giảm 8,3% và 4 tháng đầu năm giảm đến 14,6%.
Về nguồn cung, trong 11 tháng của năm 2023 trên địa bàn đã có 16 dự án nhà ở thương mại được thông báo đủ điều kiện để bán, cho thuê mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai với 16.063 căn được đưa ra thị trường (gồm 14.810 căn hộ chung cư và 1.253 căn nhà thấp tầng), trong đó phân khúc cao cấp có 11.012 căn và phân khúc trung cấp 5.051 căn, không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân.
Nguồn cung nhà ở được đưa ra thị trường trong 11 tháng đầu năm 2023 tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở phân khúc bình dân không có sản phẩm đưa ra thị trường.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, doanh nghiệp muốn định vị sản phẩm cao cấp trở lên để đưa giá nhà ở lên cao, bù lại các chi phí khác đều tăng như lãi suất vay ngân hàng cao, tiền sử dụng đất cao, giá nguyên vật liệu cao, chi phí nhân công cao…
Ông Vũ Anh Dũng - Phó Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết, cơ quan quản lý sẽ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các dự án nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân..
Theo đó, Thành phố sẽ phân loại dự án, phân nhóm vướng mắc: đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, nghĩa vụ tài chính... phân cho các cơ quan có thẩm quyền để có giải pháp tháo gỡ phù hợp cho từng trường hợp và tổng thể.