BĐS hồi phục, 'thu nhập khác' của ngân hàng lập tức tăng vọt
Theo VPBankS, trong quý I/2025, thu nhập khác của các ngân hàng quốc doanh tăng đáng kể, thể hiện tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản. Cùng kỳ, nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay bất động sản.
Khảo sát từ báo cáo tài chính quý I/2025 của 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay bất động sản trong 3 tháng đầu năm 2025.
Cụ thể, trong danh sách 12 ngân hàng công bố chi tiết danh mục cho vay khách hàng, có tới 10/12 ngân hàng ghi nhận dư nợ cho vay bất động sản tăng so với cuối năm 2024.
Trong đó, tính đến hết quý I/2025, Techcombank đang là ngân hàng cho vay bất động sản nhiều nhất, lên tới 214,7 nghìn tỷ đồng, tăng 27.683 tỷ đồng, tương đương 14,7% so với cuối năm 2024. Cùng kỳ, dư nợ cho vay bất động sản tại SHB đạt 141,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với cuối năm 2024. Ngoài ra, những ngân hàng khác như MB, TPBank, MSB, BVBank, VIB, KienLong Bank và PGBank cũng đều có dư nợ cho vay bất động sản tăng so với cuối năm 2024.

Duy chỉ có VPBank và LPBank giảm tỷ trọng cho vay bất động sản trong quý I/2025. Cụ thể, trong quý I/2025, dư nợ cho vay bất động sản tại VPBank và LPBank lần lượt đạt 185,9 nghìn tỷ đồng và 9,9 nghìn tỷ đồng, giảm 1,5% và 0,3% so với cuối năm 2024. Song, VPBank vẫn là ngân hàng có dư nợ cho vay bất động sản lớn, chỉ đứng sau Techcombank trong bảng xếp hạng trên.
Các ngân hàng đang tăng cường cho vay bất động sản trong bối cảnh kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường trong năm nay ngày càng gia tăng. Tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2025, nhiều ông chủ nhà băng đã bày tỏ nhận định tích cực về đà phục hồi của thị trường bất động sản.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB Đỗ Quang Hiển nhận định, dù trải qua một số giai đoạn “trồi sụt” song triển vọng của thị trường bất động sản tại Việt Nam vẫn đang rất tích cực trong dài hạn khi thị trường đang chứng kiến sự cải thiện cùng lúc của nhiều yếu tố, từ giá trị thực, nhu cầu thực và dòng tiền đầu tư thực.
Bên cạnh đó, đại diện SHB cũng khẳng định, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản tại SHB hiện đang ở mức rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng dư nợ toàn hệ thống và khoảng 0,5% trên tổng dư nợ bất động sản trong năm 2024.
Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Bình Minh cũng cho rằng, thị trường bất động sản đang cho thấy những tín hiệu hồi phục sau giai đoạn thanh lọc mạnh. Theo Chủ tịch VietinBank, nguồn cung sản phẩm và số lượng giao dịch đã tăng lên rõ rệt thời gian qua, kéo theo sự phục hồi của những ngành có quan hệ mật thiết như xây dựng và vật liệu xây dựng.
Thực tế, sự phục hồi của thị trường bất động sản cũng đã phần nào được phản ánh trong kết quả kinh doanh của các ngân hàng.
Trong báo cáo tóm tắt kết quả kinh doanh quý I ngành ngân hàng, ông Ngô Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Phân tích của VPBankS cho biết, khoản mục “thu nhập khác” của các ngân hàng quốc doanh – gồm các khoản thu hồi nợ đã xóa sổ - cho thấy tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản.
Cụ thể, trong số 3 ngân hàng quốc doanh niêm yết, khoản mục này trong quý I/2025 đã tăng 51% so với cùng kỳ và tăng 2 điểm cơ bản so với cùng kỳ khi tính theo tỷ lệ trên dư nợ cho vay.


Chuyên gia của VPBankS đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa thanh khoản của thị trường bất động sản và hiệu quả xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng khi so sánh tỷ lệ thu hồi nợ đã xóa sổ so với tổng dư nợ cho vay với doanh số bán căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM.
Theo đó, trong giai đoạn 2015 - 2019, thị trường căn hộ phát triển mạnh mẽ, kéo theo tỷ lệ thu hồi nợ đã xóa sổ cũng duy trì ở mức cao. Song, từ năm 2020, khi doanh số bán căn hộ sụt giảm mạnh. Đặc biệt là năm 2023, khi cả Hà Nội và TP.HCM đều sụt giảm mạnh – TP.HCM giảm xuống dưới 10.000 căn, mức thấp nhất trong 10 năm. Cùng kỳ, tỷ lệ thu hồi nợ cũng giảm theo, chạm đáy dưới 0,2% vào năm 2023, do gặp khó khăn trong việc xử lý tài sản đảm bảo.
Đến năm 2024, tỷ lệ thu hồi nợ bắt đầu hồi phục trở lại, tăng lên gần 0,3%, diễn ra cùng lúc với sự hồi phục nhẹ của thị trường Hà Nội.