Bloomberg: Có thể được định giá 1 tỷ USD, Trungnam Group muốn bán 35% cổ phần danh mục đầu tư tái tạo năng lượng

Tờ Bloomberg đưa tin, Trungnam Group của Việt Nam có thể bán tới 35% cổ phần trong danh mục đầu tư tái tạo năng lượng. Khối tài sản này có thể được định giá lên tới 1 tỷ USD.

Tờ Bloomberg vừa dẫn nguồn tin riêng cho biết, CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đang làm việc với một tổ chức tư vấn tài chính để bán từ 30% - 35% cổ phần trong danh mục đầu tư của mình, chủ yếu là các dự án điện gió và điện mặt trời. Khối tài sản này có thể được định giá lên tới 1 tỷ USD.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết mọi thứ vẫn đang được thảo luận và việc bán vốn của Trungnam Group chưa chắc sẽ diễn ra. Về phía Trungnam Group, đơn vị này từ chối đưa ra bình luận về thông tin muốn bán cổ phần mảng năng lượng tái tạo với danh mục sở hữu loạt nhà máy điện gió và điện mặt trời.

Năng lượng tái tạo của Trungnam Group
Năng lượng tái tạo của Trungnam Group

Trước đó ngày 14/5/2021, phía Điện gió Trung Nam - thành viên của Trungnam Group đã thực hiện ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Hitachi Sustainable Energy (Hitachi SE) thuộc tập đoàn Hitachi (Nhật Bản). Với mục tiêu chính là thực hiện và vận hành các dự án năng lượng gió, TNWP đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy Điện gió Trung Nam,  tổng số vốn đầu tư tương đương 4.000 tỷ đồng, có công suất 151,95 MW, thời gian khai thác 2.785 giờ/năm, sản lượng dự kiến 432.000.000 kWh/năm. Nhà máy Điện gió Trung Nam được đấu nối trực tiếp với hệ thống lưới điện quốc gia thông qua Trạm Biến áp 220 kV Tháp Chàm.

Qua đó, Hitachi SE sẽ sở hữu 35,1% cổ phần Nhà máy điện gió Trung Nam. Thông qua việc ký kết này, Hitachi SE sẽ sở hữu 35,1% cổ phần Nhà máy điện gió Trung Nam, từ đó TNG và Hitachi trở thành đối tác chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển của cả hai bên.

Tháng 4/2021, Trungnam Group cũng đã bán 49% cổ phần tại dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc (Ninh Thuận) cho CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu. Dự án được chuyển nhượng có vốn đầu tư tới 5.000 tỷ đồng, với công suất 204 MW vừa được vận hành hơn 1 năm trước và được hưởng giá bán điện 9,35 cent/kWh trong 20 năm theo chính sách ưu đãi.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group, sau 16 năm phát triển, Trungnam đang ngày càng mở rộng quy mô và có kế hoạch lấn sân thêm nhiều lĩnh vực. Chuyển nhượng cổ phần là một trong những cách thức hợp pháp giúp doanh nghiệp có thể huy động vốn, hỗ trợ tiếp sức cho doanh nghiệp để tiếp tục phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên, nguyên tắc của Trungnam Group là chỉ chuyển nhượng cố phẩn cho các đối tác là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam hoặc những nhà đầu tư nước ngoài có nguồn vốn minh bạch, rõ ràng đến từ các quốc gia có quan hệ tốt với Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ luôn cân đối để giữ lại số cổ phần chi phối.

Được biết, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) được thành lập năm 2004 với hệ sinh thái đa ngành bao gồm 05 lĩnh vực hoạt động: Năng lượng, Hạ tầng - Xây dựng, Bất động sản và Công nghiệp Điện tử Công nghệ Thông tin. Từ 2018, Trungnam Group mới tiến vào ngành năng lượng tái tạo. Đến tháng 10/2021 Trungnam Group đóng góp 1,63 GW năng lượng vào lưới điện quốc gia, dẫn đầu khối doanh nghiệp tư nhân trong ngành công nghiệp này

Nhằm huy động vốn mở động mảng năng lượng, vài năm gần đây, nhóm các đơn vị thành viên của Trungnam Group liên tục huy động trái phiếu như CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, CTCP Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, CTCP Trung Nam Thuận Nam với quy mô trên chục nghìn tỷ đồng.

Trong đó theo thống kê từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 - chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Ea Nam ở Đắk Lắk đã huy động hơn 10.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu trong giai đoạn tháng 6/2020 - tháng 11/2021. Sang năm 2022, công ty này huy động tiếp hơn 6.000 tỷ đồng trái phiếu.

Hà Thu

Theo Chất lượng và cuộc sống