Bộ Xây dựng: Bất động sản biến động về giá do có sự chênh lệch về cung và cầu
Theo Bộ Xây dựng, việc bất động sản tăng giá do có sự chênh lệch về cung và cầu của người sử dụng và do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thời gian thực hiện dự án kéo dài, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, lãi suất vay vốn khi thực hiện dự án tăng lên...
Lý giải nguyên nhân giá nhà, đất liên tục biến động và tăng cao trong thời gian vừa qua, nhất là ở các thành phố lớn, có tốc độ đô thị hóa mạnh, Bộ Xây dựng cho hay, là do có sự chênh lệch về cung và cầu.
Hiện thị trường bất động sản đã có dấu hiệu hồi phục và phát triển. Điều này thể hiện qua số liệu giao dịch bất động sản cụ thể qua quý II-2022 vừa qua. Tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền cao hơn cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hấp thụ sản phẩm ở hầu hết các phân khúc ở mức cao, hầu như không phát sinh lượng bất động sản tồn kho mới; tỷ lệ trống văn phòng, mặt bằng thương mại cho thuê giảm dần… Nhìn chung, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền cho xây dựng nhà ở tại các dự án đang có xu hướng chững lại.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường bất động sản cuối năm 2021 và 7 tháng đầu năm 2022 đã có sự thích ứng và từng bước phục hồi trở lại, mặc dù có thể chỉ bằng 44% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thị trường bất động sản công nghiệp tăng trưởng mạnh đã hình thành một số khu đô thị mới, hiện đại có quy mô diện tích hàng trăm hecta với kết cấu hạ tầng đồng bộ, đầy đủ tiện ích và dịch vụ. Đây là mô hình cần được khuyến khích phát triển trong bối cảnh Việt Nam thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản đang tồn tại một số dấu hiệu đáng quan ngại, cần nhanh chóng khắc phục, thay đổi để có thể phát triển minh bạch, bền vững hơn.