Các bên tham gia thị trường địa ốc vẫn ở thế trận “tiến thoái lưỡng nan”
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm đến nay, cả nước có 3.394 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, giảm 52,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 963 doanh nghiệp, tăng 10,7% so với cùng kỳ.
Về mặt thu hút vốn ngoại vào thị trường bất động sản, suốt 9 tháng năm 2023, nhà đầu tư nước ngoài mới chỉ rót gần 2 tỷ USD vào thị trường bất động sản Việt Nam. Cụ thể, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/9, ngành kinh doanh bất động sản vẫn duy trì vị trí thứ 2 trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư gần 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 45% so với cùng kỳ.
TS. Phạm Anh Khôi, Viện nghiên cứu Kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh đánh giá, hiện các bên tham gia thị trường vẫn ở thế trận “tiến thoái lưỡng nan”. Bởi Chính phủ vừa phải giảm lãi suất để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhưng vừa phải cân đối, nhằm tránh làm ảnh hưởng đến tỷ giá và tính an toàn của hệ thống tài chính.
Trong khi đó, doanh nghiệp bất động sản một mặt khan hiếm dòng vốn, song mặt khác lại đối diện với niềm tin thị trường chưa hoàn toàn hồi phục, nên mở rộng hoạt động kinh doanh hay tiếp tục “phòng thủ” và chờ đợi là câu hỏi khó với doanh nghiệp.
Thống kê của VARs cho thấy, kể từ đầu năm 2023 đến nay, tổng lượng giao dịch 3 quý đạt chỉ khoảng 10.000 sản phẩm từ các dự án ở thị trường sơ cấp, chưa được 10% so với cùng thời điểm 2018, 2019, trước đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, trong khảo sát mới nhất thực hiện vào tháng 9/2023 đối với cá nhân môi giới bất động sản đã nghỉ việc về thời điểm dự kiến quay trở lại nghề, tín hiệu tích cực là 11% cho biết đã trở lại nghề trong quý 3/2023; 38% số người tham gia cho biết sẽ trở lại khi thị trường đã hồi phục; tuy nhiên 24% đang phân vân, chờ tình hình thị trường năm 2024 sẽ quyết định sau...
Với kết quả tại cuộc khảo sát khách hàng về việc có ý định mua bất động sản nếu lãi suất đã giảm hay không, thì 26% số người chọn đáp án “có”; 31% phản hồi “không”; 43% người phân vân “chưa chắc chắn”. Điều này thể hiện khi lãi suất giảm, niềm tin thị trường dần quay lại, thì vẫn có khách hàng xuống tiền mua bất động sản nhưng đa số thì đang nghe ngóng.
Theo chuyên gia, bước vào quý 4/2023, với sự nỗ lực từ Chính phủ đến doanh nghiệp thì tới nay dù còn nhiều khó khăn nhưng đã có dấu hiệu thị trường bớt xấu. Dự kiến, thị trường sẽ đón nhận nguồn cung mới từ những dự án đã được tháo gỡ về pháp lý. Nguồn cung thứ cấp cũng ổn định và đa dạng khi được bổ sung thêm nhiều dự án sắp bàn giao.
Hiện tại, lãi suất cho vay giảm về khoảng 10%/năm. Kỳ vọng quý 4, mức lãi suất tiếp tục duy trì, đồng thời, khách hàng hỗ trợ nhiều hơn về hạn mức tín dụng vay mua bất động sản. Đây là quý mà kỳ vọng rằng tâm lý nhà đầu tư dần chuyển hướng từ quan sát sang lựa chọn sản phẩm phù hợp để xuống tiền.
Các chuyên gia của DXS – FERI nhận xét, thị trường bất động sản hiện đang là thị trường của người mua. Do đó, doanh nghiệp môi giới cũng đã trở nên thận trọng hơn thông qua việc lựa chọn kỹ chủ đầu tư lẫn sản phẩm phân phối.
Khảo sát của DXS – FERI cũng cho biết, nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của doanh nghiệp môi giới khi lựa chọn sản phẩm môi giới bán hàng trong giai đoạn này. Trong đó, pháp lý bán hàng an toàn chiếm 27%; phí trả nhanh chiếm 25%; uy tín chủ đầu tư 14%; sản phẩm phù hợp túi tiền 12%; chủ đầu tư truyền thông mạnh về dự án 10%; yếu tố khác 11%.