Đánh thuế cao người sở hữu nhiều BĐS, mở lối an cư cho người ít tiền
Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Quyết định này được ban hành góp phần cải thiện tình trạng “méo mó”, biến tướng từ những phi vụ đầu cơ nhà đất, làm lãng phí đất đai và làm mất cân bằng cung - cầu trong thị trường bất động sản.
Đảm bảo công bằng xã hội
Mong muốn sở hữu một căn nhà vừa vặn để an cư đối với các hộ gia đình có thu nhập trung bình, đôi khi cũng là giấc mơ khó với tới. Vợ chồng anh Phúc hiện đang làm việc tại quận Tân Bình, TP.HCM với mức thu nhập trung bình 20 triệu/ tháng. Áp lực tìm nhà ở càng lớn khi gia đình anh chị đón bé đầu lòng vào 2 năm trước, quyết định dành dụm tiền để mua nhà cũng bắt đầu từ đây.
Với hơn 500 triệu đồng tiền để dành và khả năng có thể vay mượn người thân thêm 500 triệu nữa, anh Phúc kể lúc đó nếu mua đất thì không có tiền xây nhà, mua chung cư gần chỗ làm thì thiếu vài ba trăm triệu. Vì chưa có tài sản thế chấp để vay mượn ngân hàng, anh chị bàn nhau để dành tiền thêm thời gian nữa.
"Tôi đã tính lầm!". Anh Phúc thừa nhận, vì anh không ngờ được giá nhà đất liên tục tăng trưởng và xuất hiện sốt đất đẩy mạnh sự khan hiếm nhà ở vừa túi tiền mình. Mọi nỗ lực để dành tiền suốt nhiều năm qua trở nên vô nghĩa vì mãi chạy theo giá bất động sản, trong khi thị trường không ngừng đội giá lên quá khả năng. “Tôi không biết đến bao giờ mới chạy theo kịp giá nhà tại Sài Gòn”.
Theo các công ty nghiên cứu thị trường bất động sản, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, giá nhà ở, căn hộ tăng gấp 3 - 5 lần so với 10 năm trước. Tính trung bình để sở hữu một căn hộ bình dân, người lao động phải trả từ 1,5 tỷ đồng (hiện nhà dưới 2 tỷ đồng đang dần biến mất).
Trong khi đó, nghiên cứu của Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho thấy giá bán căn hộ tại TP.HCM hiện cao gấp 7 lần thu nhập của lao động thuộc tầng lớp quản lý có kinh tế khá giả, gấp 10 lần nhóm thu nhập trung lưu, gấp 17 lần người lao động phổ thông và 28 lần người trẻ mới đi làm.
Từng bước xóa bỏ tình trạng “ôm đất” gây sốt ảo
Trong nghị quyết có nêu, đất đai là nguồn lực to lớn cần được phát huy, quản lý và sử dụng có hiệu quả, bền vững, bảo đảm công bằng xã hội; không để đất đai bị suy thoái, hủy hoại, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Vì thế, quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang là quyết định trước sau phải có.
Để khơi thông nguồn lực, chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương, nghiên cứu chính sách điều tiết chênh lệch địa tô.
Trung ương yêu cầu các cơ quan xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện cụ thể và lộ trình thích hợp. Bên cạnh quy định mức thuế cao hơn với một số nhóm nêu trên, cần có chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư; đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình người có công với cách mạng. Những địa phương được quy hoạch sản xuất nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ các loại rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng... cũng cần được áp dụng các ưu đãi thuế.
Vấn đề hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó thương mại hoá quyền sử dụng đất sẽ được đẩy mạnh. Hệ thống thông tin thị trường bất động sản được xây dựng gắn với thông tin đất đai; có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp.
Đồng thời, với chủ trương hướng đến môi trường giao dịch nhà đất công bằng và minh bạch, Trung ương cũng yêu cầu các ban ngành cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản; có cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững; kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.
Bên cạnh đó, nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng, hệ sinh thái tự nhiên, "thể hiện được thông tin đến từng thửa đất". Việc xác định chỉ tiêu sử dụng đất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng, tránh lãng phí trong phân bổ, quản lý và sử dụng. Quy định rõ, chặt chẽ việc phê duyệt, ban hành kế hoạch sử dụng đất hàng năm cũng như các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá.