Đất nền khó sốt trở lại, nhà ở xã hội khan hiếm, nếu có mở bán sẽ hết ngay

Chuyên gia cho rằng bất động sản du lịch và đất nền sẽ vẫn gặp khó khăn trong năm 2023. Ngược lại, các phân khúc bất động sản phục vụ nhu cầu thực sẽ lên ngôi, đặc biệt là nhà ở xã hội. Theo các chuyên gia, nhà ở xã hội hiện nay rất hiếm căn nào dưới 2 tỷ đồng, tuy vậy, các địa phương vẫn chậm trễ trong việc triển khai mục tiêu xây 1 triệu căn nhà của Chính phủ.

Đất nền khó sốt nóng trở lại

Tại hội thảo “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023” do Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng tổ chức sáng 14/12, các chuyên gia tập trung thảo luận nhiều về vấn đề thị trường vốn và bất động sản. Nhiều ý kiến đóng góp và nhận định về thị trường năm 2023 đã được đưa ra tại hội nghị.

Đất nền khó sốt nóng trở lại vào năm 2023
Đất nền khó sốt nóng trở lại vào năm 2023

Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), thị trường nhà đất trong năm 2022 đã gặp rất nhiều khó khăn, sang năm 2023, những thách thức vẫn sẽ còn tiếp tục tồn tại. Hiện toàn ngành bất động sản phải chật vật giải "bài toán" nguồn vốn. Nhiều doanh nghiệp điêu đứng, không thể phát triển sản phẩm mới và buộc phải sa thải lượng lớn nhân viên.

Ông Lê Viết Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM, cho biết các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, nhà ở đô thị sẽ là trọng tâm phát triển của thị trường bất động sản vào năm sau. Ngoài ra, ông cũng nhận định “sóng gió” trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2023. Ông cho biết, sang năm có thể nói là sẽ tạm dừng vì đang có một lượng bất động sản du lịch thừa. Trong khi ba năm, hai năm đại dịch và một năm chiến tranh thì các cái tài sản về bất động sản du lịch này không thể đưa vào khai thác được.

Nhận định về tình hình thị trường trong năm 2023, bà Nguyễn Thùy Dung cũng cho rằng các sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực sẽ tiếp tục “lên ngôi” vào năm sau. Bên cạnh đó, những dự án bất động sản công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì mạch phát triển bền vững. Tuy nhiên, phân khúc đất nền khó lòng “sốt” trở lại như các năm.

Nhà ở xã hội khan hiếm

Một nghịch lý đang diễn ra tại thị trường bất động sản khi sản phẩm thuộc nhu cầu ở thực rất ít, mức thu nhập của người dân có hạn, khan hiếm nhà ở xã hội dưới 2 tỷ. Trong khi đó, dòng sản phẩm nhà ở thương mại trung và cao cấp khá nhiều, người dân không có đủ tài chính để mua, lãi suất ngân hàng lớn. Giá nhà ở cao nên tính thanh khoản kém, lượng giao dịch sụt giảm nhất là trong quý IV năm nay.

Trong khi đó, lượng hàng tồn kho nhiều mặc dù trước đó nhà nước đã có gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng nhằm gaiỉ quyết nhiều vấn đề, tháo gỡ khó khăn, tạo nguồn vốn mồi nhưng lượng hàng tồn vẫn còn. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, chính sách này thành công trong việc kích thích tiêu dùng, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, kéo theo nhiều ngành nghề khác như vật liệu xây dựng, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Ông nhấn mạnh, trong số hàng tồn kho đó, nếu những sản phẩm này là các căn hộ khoảng 2 tỷ đồng, hoặc nhà ở xã hội thì mở bán trong một ngày sẽ hết.

Nhà ở xã hội khan hiếm
Nhà ở xã hội khan hiếm

Theo Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhu cầu nhà ở của người dân rất cao. Nhiều người đã tiết kiệm tiền cả chục năm và chỉ chờ sản phẩm có giá tốt là họ sẽ “xuống tiền” ngay lập tức.

Tuy nhiên, khâu pháp lý vẫn tồn đọng nhiều vướng mắc, tạo ra điểm nghẽn, làm khan hiếm nguồn hàng, nhất là những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Hiện có 1.000 dự án với tổng giá trị 700.000 tỷ đồng gặp điểm nghẽn về mặt pháp lý, không được đưa vào thị trường. Nếu toàn bộ số dự án trên được đi vào hoạt động, rất nhiều công nhân viên có được việc làm, nền kinh tế sẽ có sự tuần hoàn.

Để giải quyết vấn đề này, giới chuyên gia đã đưa ra nhiều kiến nghị như cần có nguồn vốn cụ thể cho thị trường bất động sản, nhất là đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại có giá thấp. Ví dụ, đối với nhà ở giá rẻ, từ 30 triệu đồng/m2 trở xuống tại thành phố lớn, sẽ có thêm lãi suất hỗ trợ. Tăng cường áp dụng những cơ chế thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội hướng tới các đối tượng người lao động thu nhập thấp. Công khai thông tin về dự án bất động sản.

Ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, nguồn cung sản phẩm cao cấp đang có quá nhiều, dư thừa và không phù hợp. Sắp tới, Bộ Xây dựng cũng sẽ áp dụng những cơ chế thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội hướng tới các đối tượng người lao động thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ sẽ chủ trì xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nhà ở, công sở; thông tin về các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được cấp phép hàng năm, chỉ số giá một số loại bất động sản tại các đô thị... giúp thị trường minh bạch, ổn định.

 
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Đề án đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với mục tiêu thực hiện 1 triệu nhà ở xã hội. Trong thời gian qua, các địa phương đã xây dựng được 450.000 căn. Dự kiến đến năm 2025, con số này sẽ là 571.000 căn, năm 2030 sẽ là 1,4 triệu căn. Khi thực hiện các dự án nhà ở xã hội, các chủ đầu tư sẽ được hưởng nhiều ưu đãi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản tham gia kinh doanh phân khúc giá bình dân.

Hà Thu

Theo Kinh doanh và Phát triển