Đất nền liên tục được “cởi trói”, nhà đầu tư như “vớ được cọc”

Thời gian qua, hàng loạt những chính sách nới lỏng liên quan đến việc phân lô, tách thửa đã và đang tác động tích cực đến tâm lý của nhà đầu tư đất nền trên cả nước. Theo đó, giới đầu tư kỳ vọng, thanh khoản của “phân khúc vua” sẽ sớm được “tan băng” và sôi động trở lại.

 

Đất nền liên tục được “cởi trói”, nhà đầu tư như “vớ được cọc” - Ảnh 1

Thủ tục được “nới lỏng”

Vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định 35 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng với hàng loạt điểm mới. Chính phủ cho phép UBND tỉnh quy định khu vực được phân lô bán nền mà không phải xin ý kiến.

Ngay sau khi Nghị định 35 được ban hành, nhiều nhà đầu tư đất nền tại hàng loạt các tỉnh thành trên cả nước như “vớ được cọc”. Và động thái “cởi trói” này được giới chuyên gia đánh giá, rất có ý nghĩa đối với thị trường bất động sản cả nước nói chung và phân khúc đất nền nói riêng.

Trước đó, sau gần 2 năm siết chặt phân lô, tách thửa, cuối tháng 4 vừa qua, Sở TN&MT TP. Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2869 về việc bãi bỏ Văn bản số 1685 về việc dừng tách, hợp thửa đất. Cụ thể, văn bản đề nghị UBND các quận huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc tách thửa đất, hợp thửa đất cho người sử dụng đất theo quy định.

Tại tỉnh Lâm Đồng, sau 23 tháng ngăn chặn hoặc điều chỉnh, UBND tỉnh này đã ký ban hành quyết định chính thức hướng dẫn cho người dân tách thửa đất. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ 4/9/2023.

Bên cạnh các quy định tách thửa đất ở, UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép tách thửa đất sản xuất nông nghiệp với diện tích đất tối thiểu tách thửa là 500m2 tại khu vực đô thị (các phường, thị trấn), 1.000m2 tại khu vực nông thôn (các xã) và không yêu cầu tiếp giáp với đường giao thông.

Trường hợp thửa đất sản xuất nông nghiệp, đất nông nghiệp khác tiếp giáp với đường giao thông thì các thửa đất sau khi tách thửa, cạnh tiếp giáp đường có kích thước phải ≥ 10m.

Đáng chú ý, tỉnh Lâm Đồng cũng quyết định bãi bỏ các điều kiện phụ kèm theo khi tách thửa như: phải chứng minh không kinh doanh bất động sản, thừa kế hoặc cho tặng đối với người có chung huyết thống... Ngoài ra, người thực hiện thủ tục tách thửa không phải thực hiện các thủ tục như lập dự án kinh doanh hoặc lập hợp tác xã như trước đó.

Hay như Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức cũng vừa ký văn bản, thông báo ý kiến của UBND tỉnh Hà Nam đối với đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc cho phép tiếp tục thực hiện chia tách thửa đất của các hộ gia đình, cá nhân.

Theo đó, UBND tỉnh Hà Nam đồng ý tiếp tục thực hiện chia tách thửa đất của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh từ ngày 3/7.

Hay như trước đó, UBND tỉnh Bình Dương cũng ban hành quy định về điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từn​g loại đất trên địa​ bàn.​ Các quy định sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2023.

Kỳ vọng sớm “tan băng”

Theo số liệu DKRA, nguồn cung mới đất nền tại TP.HCM và phụ cận trong tháng 7 có sự khởi sắc so với tháng 6, nhưng giảm mạnh 87% so với cùng kỳ năm 2022.

Sức cầu thị trường ở mức thấp, lượng tiêu thụ chỉ bằng 6% so với cùng kỳ, giao dịch tập trung chủ yếu ở nhóm sản phẩm đã hoàn thiện pháp lý với mức giá trung bình dưới 13 triệu đồng/m2. Mặt bằng giá sơ cấp giảm trung bình 4 - 6% so với lần mở bán trước đó (3 - 6 tháng). Giá bán thứ cấp ghi nhận giảm trung bình 2 - 4%.

Trước những khó khăn bủa vây, các chuyên gia DKRA cũng dự báo những tín hiệu tích cực về giảm lãi vay, động thái tháo gỡ khó khăn cho thị trường của Chính phủ, đặc biệt là trong phân lô, tách thửa... dự kiến sẽ mang lại những khởi sắc cho thị trường đất nền trong thời gian tới.

Thực tế cũng cho thấy các lệnh “nới lỏng” quy định tách thửa đang giúp thị trường đất nền tại nhiều địa phương dần “tan băng”, mở ra hy vọng cho các nhà đầu tư thứ cấp đang có nhu cầu “thoát hàng” sau thời gian dài kẹt nguồn vốn.

Đất nền liên tục được “cởi trói”, nhà đầu tư như “vớ được cọc” - Ảnh 2
Nhà đầu tư đất nền như “vớ được cọc” sau khi nhiều chính sách nhằm “cởi trói” được ban hành.

Đơn cử như tại Lâm Đồng, theo Sở Tư pháp, dựa trên số liệu tổng hợp từ 34/34 tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn, trong quý II/2023 số lượng giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh tăng hơn 1.957 giao dịch, trong đó số lượng giao dịch đất nền tăng cao nhất trong 3 tháng qua, với tổng số 5.160 lô (tăng 1.914 giao dịch).

Không chỉ tại Lâm đồng, một nhà đầu tư phân khúc đất nền cho biết, hiện anh đang nắm giữ 3 lô đất nền ở Quảng Ninh, do một số vấn đề mà các lô của anh chưa có sổ, thanh khoản “đóng băng”.

“Đến thời điểm này, tôi đã cố gồng hơn năm trời, đuối sức quá rồi mà tầm này bán không bán được, dù đã cắt lỗ. Cho nên, với những thông tin tích cực trên, chỉ mong thị trường ấm dần, có "sóng" mới. Khi đó, tôi sẽ thoát bớt hàng để giảm áp lực lãi vay”, nhà đầu tư này chia sẻ.

Hay như trường hợp của một nhà đầu tư đang “ôm” 6 lô đất nền ở Bắc Giang và Bắc Ninh, cho biết anh đã sụt gần 10 kg trong thời gian qua vì mất ăn mất ngủ khi thanh khoản “đóng băng”. Khi nghe được tin các tỉnh có thể tự quyết trong việc phân lô bán nền, anh như người "chết đuối vớ được cọc".

“Việc các tỉnh được tự quyết tức là quy định phân lô bán nền sẽ được cởi trói, hoặc ít nhất là nới lỏng. Điều này có thể sẽ giúp thị trường có "sóng" mới. Nếu được, tôi sẽ thoát bớt 2-3 lô đất để cắt khoản nợ gần 2,3 tỷ đồng, giảm áp lực lãi vay, chứ giờ đuối lắm rồi”, nhà đầu tư này thổ lộ.

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản, nhận định năm 2023, thị trường có cơ hội nhưng vẫn mờ, thời cơ có thể chỉ thực sự chín muồi trong năm 2024. Đất nền vẫn sẽ là phân khúc có khả năng sinh lời cao nhưng hiện không dành cho số đông và cần chọn lọc kỹ. Cơ hội đang mở ra cho bên mua, nếu có sản phẩm tốt, giá hợp lý thì có thể xuống tiền, song cần chuẩn bị dòng tiền dài hạn, tầm nhìn 3-5 năm.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển