Đầu cơ găm giữ đất: Lọc sạn để tạo thị trường lành mạnh
Nhiều người có xu hướng “đổ xô” thâu tóm nhà, đất với mục đích đầu cơ găm giữ, chỉ đến khi thị trường lên giá cao thì họ bán ra kiếm lời. Hiện tượng này đang dần làm cho thị trường nhà đất xuất hiện nhiều hệ lụy nghiêm trọng, mất đi tính lành mạnh, công bằng trong giới đầu tư.
Một số ý kiến cho rằng, các cơ quan nên bắt đầu có biện pháp để chống lại tình trạng đang có dấu hiệu tiêu cực này. Ý kiến được quan tâm nhiều nhất lúc này chính là đánh thuế mạnh tay vào đúng đối tượng để tăng tính bình đẳng cho thị trường.
Đánh đúng đối tượng, thanh lọc thị trường
Tình trạng các thửa đất bị bỏ hoang hàng loạt, nhà đất sử dụng không hiệu quả dần tăng nhiều hơn sau các phiên mua bán, đấu giá đất. Đây được xem là một vấn đề dẫn đến việc trì trệ công tác quy hoạch và phát triển đô thị chung ở một số địa phương.
Theo Nghị quyết (NQ) 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa được ban hành đã đặt ra nhiệm vụ phải hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai. Trong đó, yêu cầu quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất (SDĐ), bỏ đất hoang.
Nhiều nhà đầu tư và các chuyên gia trong lĩnh vực đều cho rằng, nếu được thông qua và áp dụng việc đánh thuế hiện trạng này, đây sẽ là cơ hội cho thị trường bất động sản “lọc sạn”.
Đưa giá trị bất động sản hiện tại về đúng với giá trị thật, chính là mong muốn được nêu ra trong hầu hết các cuộc thảo luận nhằm cải thiện thị trường đầu tư BĐS. Từ lâu, vấn đề này vốn đã được đề xuất tại nhiều phiên thảo luận, tuy nhiên vẫn chưa có biện pháp mạnh trị dứt điểm nạn đầu cơ găm đất.
Việc đánh thuế đúng đối tượng mang đến nhiều hy vọng cho một thị trường đầu tư khởi sắc hơn. Khi giá nhà đất về đúng giá trị, người có thu nhập thấp sẽ có nhiều cơ hội an cư hơn. Thậm chí, có thể giảm thiểu tình trạng bỏ hoang, làm lãng phí tài nguyên đất đai để thu lợi cá nhân, song lại ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội.
Đánh thuế thật cao với đất, dự án bỏ hoang là định hướng hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Thị trường đang tồn tại một nghịch lý đó là hàng trăm dự án ôm đất, chây ì không triển khai, trong khi nhiều chủ đầu tư săn lùng quỹ đất để triển khai các dự án nhà ở mới thì không có.
Đánh thuế tài sản cũng cần dựa trên việc thẩm định và xem xét loại hình bất động sản này có được sử dụng đúng mục đích khi đăng ký ban đầu không. Phải làm sao để đảm bảo tính công bằng và không làm “đóng” lại những cơ hội đầu tư của các chủ dự án nhà ở xã hội, giá cả bình dân. Ngoài ra cần khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xây dựng chương trình phát triển nhà ở, kế hoạch phát triển nhà ở tại các địa phương.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước tại địa phương về quy hoạch, xây dựng, thị trường BĐS và quản lý đất đai tại các địa phương để có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc tách thửa, phân lô bán nền không đúng quy định, không phù hợp quy hoạch.
Thế giới đang kiểm soát thuế bất động sản ra sao?
Tại Mỹ, mức thuế tài sản có thể khác nhau phụ thuộc vào từng chính quyền địa phương. Các chủ sở hữu nhà ở Hawaii chỉ phải trả thuế trung bình 0,3% giá trị tài sản của họ mỗi năm - thuộc mức thuế thấp nhất cả nước. Trong khi đó, các chủ nhà tại bang New Jersey phải trả thuế trung bình 2,21% giá trị tài sản của họ mỗi năm - mức thuế cao hàng đầu ở Mỹ. 46,9% doanh thu thuế của New Jersey đến từ thuế bất động sản, cao hơn nhiều so với mức trung bình 31,9% của tất cả các bang.
Việc thu thuế tài sản thấp không nhất thiết đồng nghĩa rằng nguồn thu thuế tổng thể tại bang đó cũng ở mức thấp. Chính quyền bang có thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính theo nhiều cách. Bang có thuế tài sản thấp thì các mức thuế khác như thuế bán hàng hoặc thuế thu nhập có thể cao hơn.
Chính quyền bang thường sử dụng nguồn thu từ thuế tài sản để tài trợ cho hệ thống trường học công lập. Các bang có mức thuế tài sản cao có xu hướng chi tiêu giáo dục cho mỗi học sinh cao hơn mức trung bình. Trên toàn nước Mỹ, thuế suất tài sản trung bình là 1,1% giá trị nhà.
Còn tại Anh, thuế tài sản được chia làm 2 loại, gồm thuế dành cho nhà thứ nhất và thuế dành cho nhà thứ hai trở đi. Khi mua bất động sản thứ nhất ở Anh vượt quá một ngưỡng nhất định sẽ phải trả Thuế đất đóng dấu (SDLT). Ngưỡng áp dụng SDLT từ 2% cho các bất động sản nhà ở có giá trị vượt quá 125.000 Euro, trong khi ngưỡng đối với đất và tài sản không phải nhà ở là 150.000 Euro.
Chính phủ Anh cũng không ủng hộ việc đầu cơ nhà bằng cách đánh thuế mạnh hơn vào nhà thứ hai trở đi. Từ bất động sản thứ hai trở đi, các bậc thu thuế cao hơn so với bất động sản thứ nhất có giá trị tương đương. Ví dụ, cùng là nhà ở có giá trị 150.000 Euro, trong khi căn thứ nhất tính thuế 2% thì căn thứ hai tính thuế lên tới 5%.
Singapore, vốn được biết đến như trung tâm đầu tư bất động sản hàng đầu Đông Nam Á, có hai mức thuế suất tài sản khác nhau đối với nhà ở được chủ sở hữu sử dụng và không được chủ sở hữu sử dụng. Đầu tư bất động sản đã trở thành một công cụ tài chính quan trọng để làm giàu, thông qua việc tăng giá trị vốn và thu nhập cho thuê. Nhà ở cho thuê được xem là tài sản đầu tư, do đó bị đánh thuế ở mức cao hơn bất động sản mà chủ sở hữu sử dụng. Cơ cấu thuế này làm cho hệ thống thuế bất động sản quốc gia trở nên tiến bộ hơn, đảm bảo rằng các bất động sản có giá trị lớn hơn sẽ phải chịu thuế suất cao hơn.