Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Mua dễ, khó đòi
Được “truyền tai” là kênh đầu tư sinh lời lớn, nhiều người dù chưa tìm hiểu kỹ vẫn liều lĩnh đổ vốn vào sân chơi trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đầy rủi ro. Đặc biệt là khi thị trường chứng khoán mỗi ngày một “nóng” và dần bộc lộ nhiều khoảng tối, khiến không ít nhà đầu tư tay mơ “ngồi trên đống lửa”.
Lãi cao có hẳn an toàn?
Thực ra, vấn đề bảo vệ quyền lợi người đầu tư TPDN đã được quy định từ trước. Sàng lọc nhà đầu tư, người mua phải có đủ năng lực mới đạt điều kiện tham gia vào thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, dù cho trái phiếu có độ rủi ro cao, nhiều người chạy theo lãi suất cao, tìm cách “lách” để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, hoặc thông qua hợp đồng như hợp tác đầu tư, ủy thác đầu tư để bằng mọi cách mua TPDN.
Số khác xuất phát từ những người gửi tiền ngân hàng. Họ được môi giới, giới thiệu về TPDN như là kênh đầu tư được nhiều người kỳ vọng sẽ sinh lời lớn, với lãi suất cao hơn gửi tiền ngân hàng. Đa phần những khách hàng cá nhân này rơi vào phân khúc người lớn tuổi, dùng tiền nhàn rỗi để tranh thủ đầu tư, đến khi xảy ra rủi ro thì chỉ biết ôm trái đắng.
Mới đây, sự việc lãnh đạo công ty A.Đ bị khởi tố do sai phạm trong phát hành TPDN, nhiều nhà đầu tư tìm đến phòng giao dịch ngân hàng - nơi tư vấn chào mời mua TPDN của công ty A.Đ đã thất vọng vì nhân viên tư vấn “chối bỏ” trách nhiệm.
Chị T.T.T.A. (TP.HCM) một trong những nhà đầu tư mua trái phiếu này chia sẻ: “Khi được nhân viên phòng giao dịch tư vấn, tôi sơ suất không tìm hiểu kỹ về TPDN. Thấy đồng nghiệp, bạn bè ai cũng lao vào chơi chứng khoán còn thu lãi hấp dẫn, tôi đinh ninh cũng không đến mức mất trắng. Không chỉ có mức lãi suất hấp dẫn, trái phiếu này còn có ngân hàng bảo lãnh nên tôi đặt bút xuống ký mua. Đến nay, tôi ngồi trên đống lửa không biết khi nào mới tất toán được TPDN. Khi DN xảy ra vấn đề, tôi đọc kỹ thì TPDN của DN không niêm yết, không có tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm. Chúng tôi chỉ biết chờ đợi”, chị chia sẻ.
Tâm trạng của chị T.T.T.A. cũng giống như hàng trăm nhà đầu tư mua TPDN của những doanh nghiệp phát hành mà không có tài sản đảm bảo, không niêm yết. Đây không phải bài học đầu tiên dành cho những nhà đầu tư cá nhân mua TPDN, sự việc cổ phiếu họ FLC rớt giá nghiêm trọng, nhà đầu tư đã nắm trong tay số lượng trái phiếu này gần như “ngậm đắng nuốt cay” vì dù bán như cho không mà vẫn chẳng thể thoát hàng thu lại vốn.
Ngoài chờ tất toán TPDN, nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ chỉ biết “thở dài” vì trót mua TPDN theo phong trào nhiều nhất qua “kênh” môi giới là công ty chứng khoán. Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm 2022, trên thị trường sơ cấp, tổ chức tín dụng mua 46,1% TPDN, công ty chứng khoán mua 22,4%, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua 10,1%. Tuy nhiên, trên thị trường thứ cấp, sau khi mua trái phiếu, công ty chứng khoán chủ yếu bán lại cho nhà đầu tư cá nhân khiến lượng nắm giữ của cá nhân tăng lên 32,6%.
Theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, tổng khối lượng phát hành TPDN trong nước năm 2021 đạt 658.000 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp phát hành trái phiếu đạt chất lượng chỉ chiếm 5% trên thị trường. Đặc biệt, có tới hơn 49% khối lượng TPDN phát hành trong năm 2021 không có tài sản bảo đảm.
Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, dù trái phiếu có tài sản đảm bảo nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường.
Hàng triệu tỷ đồng thu từ trái phiếu đi về đâu?
Tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ trái phiếu DN đang lưu hành trên thị trường đã lên tới gần mốc 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương 52 tỷ USD. Thế nhưng, đường đi của dòng tiền này vẫn là một bí ẩn, bởi không cơ quan, tổ chức nào có thể giám sát.
Rót tiền thật đầu tư cho doanh nghiệp và nhận lại giấy chứng nhận hàng vạn nhà đầu tư không biết tài sản của mình đang được DN sử dụng vào mục đích gì. Cứ đinh ninh dòng tiền sau một thời gian sẽ tự sinh lời dưới sự đảm bảo từ doanh nghiệp.
Ngay cả trong 2 năm (2020-2021) xảy ra đại dịch COVID-19, số lượng dự án bất động sản được cấp phép mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, song các DN vẫn phát hành lượng trái phiếu với số lượng lớn. Riêng năm 2021, lượng trái phiếu mà các DN bất động sản phát hành lên tới 9 tỷ USD, cao gấp 3 lần lượng huy động được năm trước đó.
Sang năm 2022, từ câu chuyện trái phiếu của Tân Hoàng Minh, các DN đã thu hẹp con đường huy động vốn từ phát hành trái phiếu. Nhìn nhận dưới góc độ doanh nghiệp, bản chất trái phiếu DN không sai nhưng trong bối cảnh thị trường khát vốn, ngân hàng hạn chế cho vay, chủ đầu tư tìm đủ mọi cách huy động vốn. Đây là một kênh huy động tốt nhưng thị trường thì trắng đen lẫn lộn vì không ai quản lý.
Thị trường trái phiếu đang bộc lộ dần những khoảng tối, song nghị định 65 lại không đủ hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Trước hàng loạt vụ việc nhà đầu tư cá nhân “cầu cứu” nên việc TPDN được phát hành có lấy được lòng tin tưởng từ họ nữa? Vì thế, việc tạo điều kiện để doanh nghiệp đảm bảo khả năng trả nợ cho nhà đầu tư là vô cùng quan trọng nếu không thị trường trái phiếu sẽ sụp đổ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư mà nó còn tác động đến cả thị trường chứng khoán.