Dòng tiền rẻ được “bơm” ra nền kinh tế, thị trường bất động sản sắp đón “mùa xuân”?
Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, tương đương 2,5 triệu tỷ đồng, nhằm thúc đẩy vào nền kinh tế. Các chuyên gia kỳ vọng đây sẽ là cú hích lớn cho thị trường bất động sản sau hơn 2 năm khó khăn.

Thị trường đón dòng tiền rẻ
Sau một thời gian dài giảm dần lãi suất và khối lượng phát hành, đến ngày 5/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức dừng phát hành tín phiếu, phát đi tín hiệu mạnh mẽ về định hướng nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ kéo giảm mặt bằng lãi suất thị trường theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Dù chưa có động thái giảm lãi suất điều hành, nhưng lãi suất huy động đã giảm khá nhanh trong thời gian gần đây, sau khi NHNN tuýt còi các ngân hàng tăng lãi suất huy động trên thị trường.
NHNN cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16%, tương đương với 2,5 triệu tỷ đồng sẽ được bơm ra thị trường.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng, dòng tiền rẻ được bơm ra thị trường chắc chắn sẽ tìm đến các kênh đầu tư có tiềm năng sinh lời tốt và có khả năng tích trữ tài sản lâu dài. Trong bối cảnh vàng đã tăng lên mức cao kỷ lục và biến động lớn, thì bất động sản (BĐS) và chứng khoán sẽ là những lựa chọn hàng đầu để dòng tiền trú ẩn.
Đặc biệt là bất động sản, vốn nhạy cảm với các chu kỳ tiền tệ có thể sớm phản ứng với đà giảm lãi suất, tạo ra sóng đầu tư mới trong thời gian tới. Nhất là trong bối cảnh thị trường BĐS đang phục hồi và NHNN có nhiều động thái cho thấy sự gia tăng cấp tín dụng cho lĩnh vực BĐS.
Nguồn cung BĐS cũng đang trên đà phục hồi, tăng trưởng tích cực. Dữ liệu nghiên cứu của VARS cho thấy, trong năm 2024, thị trường BĐS ghi nhận khoảng 65,376 sản phẩm chào bán mới, gấp khoảng 3 lần so với năm 2023.
Nguồn cung BĐS nhà ở năm 2025 dự kiến cũng sẽ phục hồi trên diện rộng với mức tăng khoảng 10% so với năm 2024. Trong trung hạn, nguồn cung nhà ở sẽ tiếp tục xu hướng tăng, từ các dự án BĐS được tháo gỡ khó khăn trong thời gian qua và được cấp phép mới, bao gồm cả các dự án nhà ở xã hội.
Cụ thể, theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2024 đã có 210 dự án BĐS được tháo gỡ, tái triển khai trở lại. Số lượng dự án được cấp phép mới trong năm 2024 cũng tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm trước và sẽ tiếp tục xu hướng tăng.
Bởi VARS tin rằng, thời gian tới, khi các bộ Luật mới liên quan đến nhà ở, đất đai và kinh doanh BĐS được triển khai, cùng với kế hoạch sáp nhập các tỉnh, thành, sẽ hạn chế các bất cập, tồn tại, hỗ trợ giảm bớt nhiều thủ tục, pháp lý thực hiện dự án.
Tỷ lệ hấp thụ trong năm 2025 dự kiến sẽ vẫn duy trì ở mức trên 70% dù tốc độ hấp thụ có chậm lại do mức giá tại một số khu vực, phân khúc đã tăng cao và tăng nhanh. Đồng thời giá BĐS cũng còn nhiều động lực tăng trong bối cảnh áp lực lạm phát cận kề.
Mùa xuân sắp đến với thị trường bất động sản?
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, để “đẩy” tín dụng, năm nay, các ngân hàng tập trung cho vay các dự án hạ tầng và cho vay bất động sản, đặc biệt là bất động sản ăn theo trục giao thông công cộng, các nhà ga, đô thị nhỏ… vệ tinh của các đại dự án.
“Ngân hàng cần mở rộng tín dụng hướng vào các loại bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực, phát triển các nhà ga, các đô thị nhỏ gắn liền với các nhà ga, đường sắt”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Nghiên cứu FIDT cho rằng, khi mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp, trong khi lạm phát có dấu hiệu tăng, nhà đầu tư thường ưu tiên đổ tiền vào các tài sản có khả năng sinh lời cao và giúp phòng ngừa trượt giá. Tại Việt Nam, hai kênh hưởng lợi rõ rệt chính là bất động sản và chứng khoán.
Đáng chú ý với bất động sản, lĩnh vực này không chỉ được hưởng lợi từ dòng vốn tín dụng giá rẻ, mà còn nhờ các biện pháp tháo gỡ thủ tục pháp lý của Chính phủ. Các dự án “đóng băng” trước đây có cơ hội tái khởi động, nhiều kế hoạch phát triển quỹ đất mới được đẩy nhanh hơn. Đồng thời, xu hướng đô thị hóa mạnh và nhu cầu nhà ở, bất động sản công nghiệp vẫn là động lực tăng trưởng dài hạn. Khi lãi suất vay mua nhà hay đầu tư bất động sản tiếp tục ở vùng thấp, khẩu vị đầu tư vào địa ốc sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn.
Một điểm quan trọng nữa là với các quy định pháp lý hoàn thiện sau Luật Đất đai (dự kiến sửa đổi, bổ sung), rủi ro pháp lý vốn phổ biến giai đoạn 2020-2022 sẽ được hạn chế, tạo môi trường minh bạch, ổn định hơn cho nhà đầu tư. Khi những lo ngại về tính pháp lý của dự án giảm dần, dòng tiền đổ vào Bất động sản nhiều khả năng sẽ mạnh mẽ hơn, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng cho toàn thị trường.
TS. Cấn Văn Lực Chuyên gia Kinh tế Trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và bước vào năm 2025 với nhiều động lực tăng trưởng.
Ông nhấn mạnh các yếu tố như kinh tế vĩ mô ổn định, các đột phá thể chế và chính sách tiền tệ linh hoạt sẽ hỗ trợ thị trường phát triển. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng cần thời gian để các chính sách pháp lý mới (như Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023) "thẩm thấu" hoàn toàn vào thực tiễn.