Gần 500 dự án được tháo gỡ vướng mắc: Băng tan, bình minh ló rạng cho thị trường bất động sản?
Gần 500 dự án bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM đã được gỡ vướng mắc về hành chính, pháp lý và dần hồi sinh. Liệu chăng những mảng tươi sáng đang dần xuất hiện, băng sẽ tan và bình minh sắp ló rạng cho thị trường bất động sản?
Tín hiệu tích cực của thị trường đang dần gia tăng
Báo cáo cập nhật mới đây của khối Phân tích VNDIRECT cho hay, đã có gần 500 dự án bất động sản được tháo gỡ vướng mắc tại Hà Nội và TP.HCM.
Theo đó, với các hành động quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường, nhiều dự án bất động sản đã và đang được gỡ vướng mắc về hành chính, pháp lý.
Theo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP, tính cho 8 tháng đầu năm 2023, các cơ quan chức năng tại TP.HCM đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án, tương đương 37,2% so với 180 dự án được đề xuất tháo gỡ ban đầu.
Còn tại Hà Nội, cũng theo đánh giá kết quả từ Nghị quyết số 33/NQ-CP, đã giải quyết được 419 dự án, tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu và đang tiếp tục giải quyết 293 dự án.
Có thể thấy, sự phối hợp hiệu quả của tổ công tác Chính phủ cùng các ban ngành và những nỗ lực của UBND TP.HCM, Hà Nội đã bước đầu tạo ra những kết quả tích cực, góp phần hồi sinh nhiều dự án và cải thiện tâm lý thị trường bất động sản.
Tại Diễn đàn “Dự báo thời điểm phục hồi thị trường bất động sản và khuyến nghị đầu tư” diễn ra mới đây, PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, thị trường bất động sản hiện nay đang ở thời điểm “lên chưa lên mà xuống cũng không xuống”, nhưng cơ hội chắc chắn nhiều hơn thách thức. Trong đó, cơ hội lớn nhất là Việt Nam đang hoàn thiện các quy hoạch và pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản. Cùng với việc mối quan hệ Việt - Mỹ đã được nâng cấp cũng kéo theo triển vọng thị trường đi lên.
Theo vị chuyên gia, thị trường bất động sản không thể khó khăn hơn nữa mà chỉ tốt lên bởi khó khăn lớn nhất đã đi qua. Tuy nhiên, tốt lên như thế nào phụ thuộc rất lớn vào tháng 11 tới đây, khi các luật quan trọng đối với lĩnh vực bất động sản như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở sẽ được sửa đổi và thông qua.
Đồng tình với quan điểm thị trường đang đứng trước nhiều cơ hội, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thị trường bất động sản quý III/2023 ghi nhận nhu cầu tìm kiếm tăng trưởng trở lại ở một số dự án chất lượng tốt, nhiều dự án bắt đầu mở bán, nhiều chủ đầu tư rục rịch triển khai dự án mới. Một số khu vực tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, hoạt động mua bán đã trở lại ở phân khúc căn hộ, nhà liền thổ.
“Những tín hiệu tích cực về sức cầu cho thấy, từ nay đến cuối năm, bức tranh thị trường bất động sản 2023 sẽ có những mảng tươi sáng giúp thị trường dần tan băng”, ông Hải nhận định.
Điểm sáng FDI và cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp
Cũng theo báo cáo, số liệu cập nhật từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, vốn FDI thực hiện tăng 6,5% so với cùng kỳ, đạt 2,8 tỷ USD trong tháng 9/2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, vốn FDI thực hiện đạt 15,9 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Trên cơ sở đó, khối phân tích VNDirect cho rằng dòng vốn FDI sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới từ kết quả khả quan qua các chuyến thăm giữa Việt Nam - Hàn Quốc và Việt Nam - Mỹ.
Vốn FDI thực hiện tăng 6,5% so với cùng kỳ, đạt 2,8 tỷ USD trong tháng 9/2023. (Nguồn: VNDirect Research)
“Chúng tôi nhận thấy, kể từ đầu năm 2023 đã có nhiều dự án FDI được kí kết hoặc triển khai với tổng vốn đầu tư liên tục gia tăng. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp điện tử là lĩnh vực chủ chốt thu hút dòng vốn FDI với những các đầu tư tiêu biểu như: Foxconn, LG Innotek, Victory Giant Tech…”, báo cáo cho hay.
Đặc biệt khi mới đây, UBND Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance của SK Group với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, giúp Hải Phòng trở thành 1 trong những điểm đến ưa thích của các dự án FDI về lĩnh vực công nghiệp điện tử.
Có thể thấy, trong các năm qua, Việt Nam đã và đang thể hiện được tiềm năng để trở thành “bến đỗ”, trung tâm sản xuất mới của thế giới ở lĩnh vực điện tử, công nghệ, các ngành công nghiệp giá trị cao. Việt Nam đang hội tụ rất nhiều yếu tố tiềm năng từ nguồn nhân lực đến điều kiện địa lý, tự nhiên thuận lợi.
Các dự án FDI nổi bật tính tới tháng 9/2023. (Nguồn: VNDirect Research)
Mặc dù đứng trước nhiều cơ hội, trong bối cảnh nhu cầu tăng cao, khối chuyên gia VNDirect bày tỏ lo ngại rằng thị trường vẫn phải đối diện với tình trạng khan hiếm nguồn cung mới trong giai đoạn 2024 - 2027 tại cả miền Bắc và miền Nam. Theo đó, ước tính sẽ chỉ có lần lượt 1.388ha và 3.757ha được bổ sung thêm trong giai đoạn 2024 - 2027. Nguyên nhân chủ yếu do những vướng mắc về pháp lý cho các dự án mới, nên khó có thể được thông qua sớm.
Tuy vậy, với việc dòng vốn FDI được kì vọng sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam trong thời gian tới, báo cáo nhìn nhận, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp đang sở hữu diện tích đất sẵn sàng cho thuê lớn, tính pháp lý minh bạch, đặc biệt với các nhà phát triển có kinh nghiệm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực điện tử như KBC, BCM… sẽ nhanh chóng nắm bắt thu hút nhà đầu tư nước ngoài.