Giá bất động sản nghỉ dưỡng được dự báo sẽ vẫn tăng

Các chuyên gia dự báo trong tháng cuối năm, cung cầu thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục giảm, nhưng giá sẽ vẫn tăng do áp lực chi phí đầu vào. Nguồn cung thị trường đang nhắm đến phân khúc chất lượng cao, các chính sách ưu đãi cũng được tính vào giá thành.

Hơn 4.600 sản phẩm mới được chào bán trong quý III-2022

Theo DKRA Việt Nam, trong quý III/2022, cả nước chỉ bán được 389 căn biệt thự biển, bằng chưa đầy 30% nguồn cung mới.

Shophouse biển cũng ghi nhận lượng tiêu thụ giảm so với quý II, với lượng tiêu thụ khoảng 691 căn, tương đương khoảng 50% rổ hàng. Còn condotel cả ba miền bán được hơn 900 sản phẩm, tăng nhẹ so với quý trước, nhưng vẫn ở mức rất thấp trong nhiều năm.

Bước vào quý cuối năm 2022 với nhiều kỳ vọng, tuy nhiên, trong tháng 10, DKRA Việt Nam ghi nhận tại TP.HCM và vùng phụ cận có 1.267 sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng tung ra thị trường, nhưng chỉ bán được 209 căn, đồng nghĩa lượng tồn kho lên tới hơn 80%.

Đáng chú ý, trong số 9 dự án mở bán sản phẩm mới trong tháng 10, có tới 3 dự án không phát sinh giao dịch. Lượng tiêu thụ vào khoảng 75 căn, giảm 78% so với tháng trước đó. Nghịch lý ở chỗ, dù thanh khoản chậm, mức giá bán sơ cấp vẫn tăng 9 - 10% theo tháng.

Bất động sản nghỉ dưỡng có xu hướng diễn biến phức tạp.
Bất động sản nghỉ dưỡng có xu hướng diễn biến phức tạp.

Còn theo dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, trong quý III-2022, có hơn 4.600 sản phẩm bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng mới được chào bán, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2021 và 21,4% so với quý II-2022.

Trong đó, nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung (chiếm 48%); miền Nam chiếm 28% và miền Bắc chiếm 24%. Nguồn cung (bao gồm hàng tồn) có số lượng khá lớn. Những địa phương phát triển bất động sản du lịch mạnh là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang...

Về giá, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, mặt bằng giá ở thị trường sơ cấp (bán từ chủ đầu tư) tiếp tục tăng, trung bình 5-7% so với quý II-2022 và tăng 12-15% so với cùng kỳ năm 2021. Mức giá bán sơ cấp ở miền Bắc thấp nhất là 18 triệu đồng/m2, cao nhất là 26 triệu đồng/m2. Mức giá bán sơ cấp thấp nhất tại miền Trung là 18 triệu đồng/m2, cao nhất khoảng 80 triệu đồng/m2; miền Nam thấp nhất 25 triệu đồng/m2, cao nhất khoảng 95 triệu đồng/m2.

Tỷ lệ hấp thụ sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong quý III-2022 đạt 48%. Trong đó, những địa phương có lượng giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng đáng chú ý là: Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang. Các giao dịch tập trung vào những nơi được đầu tư trở thành đô thị du lịch gồm: Hạ Long, Vân Đồn, Sầm Sơn, Vân Phong, Phan Thiết, Vũng Tàu, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang...

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn giàu tiềm năng đầu tư

Chuyên gia phân tích, dù vẫn chịu dư chấn của dịch bệnh nhưng giá các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2022, ở mức từ 9 đến 40%. Đây rõ ràng là tín hiệu tích cực cho loại hình này.

Khó khăn của bất động sản nghỉ dưỡng là tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư lan rộng vì dòng tín dụng bị nghẽn. Bên cạnh đó còn có các trở ngại khác như lạm phát, lãi suất tăng, đặc biệt những vướng mắc về hành lang pháp lý chưa được tháo gỡ vẫn đang “trói chân” loại hình này.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh cơ quan quản lý cần có giải pháp căn cơ, khẩn trương tháo gỡ rào cản pháp lý (gồm cả pháp lý cho condotel, officetel, shophouse…) nhằm giải tỏa lượng lớn các dự án tồn đọng, dở dang, tranh chấp.

Nếu sớm giải quyết vướng mắc pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng thì có thể giải tỏa cho khoảng 239 dự án thuộc loại hình này trên toàn quốc, với tổng giá trị khoảng 682.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, chưa kể hàng nghìn dự án có đất đai bỏ trống, dở dang, lãng phí.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng hiện có 3 luật phải sửa đổi toàn diện trong thời gian tới là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị. Hướng tới cấp sổ hồng cho căn hộ condotel, sau đó là biệt thự, nhà phố du lịch…

Tính chính danh của bất động sản du lịch đã được quy định trong các văn bản là đã có nhưng cần phải hoàn thiện. Thực tế, thời gian qua, đã có một số tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở không hình thành đơn vị ở cho condotel nhưng bị "tuýt còi" vì trái với quy định của Luật Đất đai.

Có thể thấy, dù hầu hết chuyên gia, giới đầu tư đều cho rằng bất động sản nghỉ dưỡng khó có thể trở lại thời hoàng kim, tuy nhiên sau chuỗi ngày dài chìm trong “bĩ cực”, nếu được “cởi trói” kịp thời về pháp lý và những vấn đề liên quan, phân khúc này hoàn toàn có thể nghĩ tới những bước sóng tăng trưởng mới mạnh mẽ hơn.

Theo chuyên gia, nhiều nhà phát triển bất động sản hiện nay đang quan tâm và lựa chọn đầu tư vào bất động sản du lịch. Nhu cầu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cũng tăng cao. Sống xanh, sống khỏe, sống nhân văn, cá tính trở thành xu hướng. Xu hướng đó rất phù hợp với cuộc cách mạng bất động sản hiện nay. 

Khi quá trình đô thị hóa đang tăng nhanh thì nhu cầu nhà ở cũng gia tăng rất cao. Chỉ đến khi đa số người dân đều sống ở đô thị thì phân khúc bất động sản nhà ở mới có thể đi ngang.

Còn bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất sau phân khúc nhà ở. Tuy nhiên, vị trí đẹp thuộc phân khúc này rất ít. Ngoài ra, bất động sản nghỉ dưỡng phải đáp ứng rất nhiều điều kiện, như giao thông, thời tiết, hạ tầng, nhất là yếu tố thuận lợi về thời tiết để có thể kinh doanh 4 mùa. Xét theo đó, tôi nhìn thấy tiềm năng ở Phú Quốc hay từ miền Trung trở vào, là những nơi có thể kinh doanh 4 mùa.

Mặc dù nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang gặp nhiều vướng mắc về pháp lý và những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong suốt hai năm vừa qua song đây là một thị trường đầy tiềm năng. Khách hàng hiện có nhiều lựa chọn để đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt ở những vùng có tiềm năng du lịch.

Tuy nhiên, một số nơi bất động sản du lịch đã phát triển ổn định, khai thác kinh doanh tốt thì mặt bằng giá tương đối cao, dư địa tăng giá không nhiều. Trong khi đó, ở các khu vực đang phát triển như Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, ... mức giá vẫn còn khá thấp, tiềm năng tăng giá là rất lớn. Nếu đợi các thị trường này phát triển và đến khi pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng được hoàn thiện, khi đó, nhà đầu tư có thể sẽ không còn cơ hội.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS dự báo, diễn biến thị trường bất động sản Việt Nam trong quý IV sẽ chứng kiến nguồn cung nhà ở tiếp tục khan hiếm, khả năng hấp thụ tăng nhưng không mạnh kèm theo giá bất động sản không tăng. Loại hình bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn do quỹ đất còn nhiều, ưu thế khí hậu bên cạnh hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống