Giá đất tại Gia Lâm (Hà Nội) diễn biến ra sao trước thềm lên quận?
Hà Nội đang phấn đấu đưa huyện Gia Lâm lên quận vào năm 2023. Vậy trước thềm lên quận vào năm sau, giá đất tại nơi này đang diễn biến như thế nào?
Giao 5 huyện lập đề án lên quận
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký quyết định về việc ủy quyền cho UBND các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng thực hiện việc lập đề án thành lập quận, phường của 5 huyện.
Theo quyết định, UBND TP Hà Nội giao 5 huyện thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí lập đề án. Sở Tài chính bố trí vốn lập đề án và hướng dẫn các huyện thủ tục, trình tự thanh quyết toán. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ theo dõi, tham mưu thành phố giải quyết vướng mắc trong quá trình lập đề án.
Thời hạn UBND TP Hà Nội ủy quyền cho các huyện trên lập đề án lên quận từ nay đến hết 31/12/2025.
Theo chương trình Thành ủy Hà Nội ban hành trước đó, 5 huyện sẽ lên quận giai đoạn 2021-2025 gồm Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng và 3 huyện lên quận giai đoạn 2026-2030 gồm Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh.
Trong 5 huyện định hướng lên quận, Đông Anh có quy mô lớn nhất với diện tích hơn 180 km2, dân số khoảng 380.000, gồm 23 xã, một thị trấn. Tiếp đến là Gia Lâm gần 115 km2, dân số 280.000, 20 xã và 2 thị trấn.
Hoài Đức có diện tích 82 km2, dân số trên 230.000, gồm 19 xã và một thị trấn. Đan Phượng rộng hơn 77 km2, dân số trên 174.000, gồm 15 xã và một thị trấn. Thanh Trì có diện tích nhỏ nhất trong số 18 huyện, thị xã của Hà Nội, với hơn 63 km2, dân số trên 200.000, gồm 15 xã và một thị trấn.
Giá đất Gia Lâm đang ở mức nào?
Sở hữu vị trí tại cửa ngõ phía Đông Thủ đô, nên một lượng lớn dân cư từ các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc có nhu cầu di chuyển về làm việc và công tác ở thủ đô ngày càng nhiều. Vì thế, hạ tầng giao thông huyện Gia Lâm hiện đang được nhà nước ưu tiên phát triển với nhiều tuyến đường mới rộng hơn được quy hoạch.
Ngoài ra, thông tin 4 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng theo hướng phía Đông và Đông Bắc được xây liên tiếp sẽ khiến giá bất động sản huyện Gia Lâm vụt tăng trông thấy. Khi 4 cây cầu được hoành thành, cộng với bến xe Gia Lâm được chuyện về Cổ Bi (huyện Gia Lâm), dự kiến giá bán đất Gia Lâm sẽ vươn lên một tầm mới.
Một trong những nhân tố quan trọng khác tạo ra sức hút của khu vực Gia Lâm chính là sự đổ bộ của các dự án bất động sản, trong đó phải kể đến siêu dự án Vinhomes Gia Lâm. Khu đô thị này ra đời khiến thị trường nhà đất tại Gia Lâm đã nóng lên. Nhiều khu vực ăn theo dự án đã có mức tăng đáng kể.
Theo khảo sát, mặt bằng giá bán đất tại Gia Lâm có mức chênh lệch lớn giữa các khu vực. Cụ thể, ở thị trấn Trâu Quỳ có mức giá trung bình khoảng 150-170 triệu đồng/m2, còn đất ở các trục đường chính và đất thổ cư trong làng khoảng 15-25 triệu đồng/m2 tùy vị trí, đất nông nghiệp ở mức 3-4 triệu đồng/m2. Dự báo giá bất động sản tại Gia Lâm sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Các chuyên gia cho rằng, Gia Lâm sẽ hoàn thiện hạ tầng chỉ trong 1, 2 năm tới, mang lại cơ hội lớn cho nhà đầu tư bất động sản. Khi Gia Lâm lên quận, việc giá nhà đất tăng là kịch bản hoàn toàn có thể dự đoán trước. Bên cạnh đó, khu vực này còn đang nhận rất nhiều dự án bất động sản “khủng” đổ bộ, đây chính là động lực để phát triển cơ sở hạ tầng và bất động sản trong tương lai.
Cũng theo giới chuyên gia, phần lớn người mua nhà luôn ưu tiên BĐS có vị trí thuận tiện, đi lại dễ dàng, kết nối tới khu vực lân cận đa dạng. Sự dịch chuyển sang một không gian sống rộng rãi, thoáng đãng hơn giúp khách hàng có thể tận hưởng cuộc sống tiện nghi, chất lượng. Sự chênh lệch về giá khu vực trung tâm so với “quận mới” như Gia Lâm ở các vị trí cũng khác nhau, đó cũng là bài toán tài chính mà nhiều gia đình quan tâm khi lựa chọn chốn an cư.
Nhiều dư địa cho nhà đầu tư bất động sản tại Gia Lâm
Thực tế, có thể thấy với vị trí đặc biệt và cú hích mạnh mẽ từ việc nâng cấp hạ tầng, mặt bằng giá bất động sản huyện vùng ven này đã liên tục tạo "đồ thị" đi lên những năm qua.
Ghi nhận thị trường cho thấy, cuối năm 2021, bất động sản Gia Lâm (Hà Nội) dậy sóng sau khi đón nhận hàng loạt thông tin tích cực về hạ tầng giao thông. Đơn cử, nút giao kết nối trực tiếp đường Cổ Linh với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khánh thành, cầu Vĩnh Tuy 2 triển khai rầm rộ hay việc Gia Lâm được Hà Nội đồng ý đề xuất đầu tư ba cầu vượt tại nút giao đường Ngô Xuân Quảng với QL5, nút giao QL5 với đường Đông Dư - Dương Xá, nút giao đường Yên Viên - Đình Xuyên - Phù Đổng,…
Trước đó, bất động sản Gia Lâm chỉ thực sự sôi sục từ năm 2018 khi một đại dự án có quy mô lên tới 420 ha bắt đầu triển khai, khiến giá đất nhảy vọt. Việc góp mặt của các khu đô thị lớn trong vài năm qua cũng đã thúc đẩy hạ tầng khu vực này phát triển để đáp ứng.
Như vậy cơ hội đang mở ra cho giới đầu tư khi bất động sản khu vực này sắp bước vào đợt sóng mới. Mặt khác, theo giới đầu tư lâu năm việc giá nhà đất huyện Gia Lâm tăng mạnh trước thông tin lên quận là kịch bản hoàn toàn có thể tiên lượng trước. Bên cạnh đó, khu vực Gia Lâm đang nhận rất nhiều dự án bất động sản "khủng" đổ bộ, từ đó sẽ là động lực để phát triển cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề cho sự phát triển bất động sản trong tương lai.
Theo bản Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2030 – 2050, khu vực phía Đông được định hướng phát triển trở thành Trung tâm Hành chính, thương mại Quốc tế, công nghệ kỹ thuật cao, đô thị hiện đại. Vì thế, Gia Lâm sẽ trở thành vùng trọng tâm phát triển trong 30 năm tới của Hà Nội
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, so với mặt bằng chung của thị trường bất động sản, khu vực đất ở tại Gia Lâm tăng mạnh trong 3 năm trở lại đây, nhưng không có dấu hiệu sốt ảo hoặc tạo thành bong bóng bất động sản.
Mặc dù có triển vọng tích cực, nguồn cung bất động sản Gia Lâm hiện tại lại khá hạn chế do chính sách siết chặt pháp lý.