Giá đất tại huyện sắp lên quận của Hà Nội tăng 'phi mã', chuyên gia cảnh báo
Việc địa phương này chuẩn bị lên quận của Thủ đô Hà Nội khiến cho giá đất tại đây đã tăng mạnh mẽ, nhiều người còn sẵn sàng độn giá lên nhiều lần.
Từ đầu năm 2024, giá bất động sản Hà Nội nói chung và giá bất động sản tại huyện Đông Anh đang liên tục tăng sau 1 giai đoạn đã rơi vào tình trạng bị đóng băng.
Trên trang Batdongsan.com, hiện giá đất Đông Anh năm 2024 tại một số xã đã tăng mạnh so với năm 2023. Cụ thể, tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh), những nơi có vị trí ngõ rộng, mức giá rao bán đang từ 60-85 triệu đồng/m2, tăng khoảng 20% so với mức giá tại thời điểm tháng 12/2023 (50-70 triệu đồng/m2).
Còn tại xã Xuân Canh, Đông Hội (huyện Đông Anh), giá đất cũng đang ở mức cao sau đợt tăng "nóng" từ cuối năm 2023, thời điểm huyện Đông Anh có thông tin chính thức lên quận.
Cụ thể, giá đất nền tại xã Xuân Canh được rao bán ở mức 55-70 triệu đồng/m2, tăng khoảng 20% so với thời điểm đầu năm 2023. Đây cũng là khu vực được thành phố Hà Nội xác định xây cầu Tứ Liên, nối với quận Tây Hồ.
Theo một số nhà đầu tư lâu năm tại thị trường bất động sản Đông Anh, giá đất ở Đông Anh năm 2024 vẫn tiếp đà tăng từ thời điểm huyện chính thức có thông tin lên quận từ cuối năm 2023. Hiện nay, mức giá rao bán chủ yếu là do chủ đất "độn giá" vì bám theo các thông tin quy hoạch tốt.
Nếu người mua không hiểu rõ bản chất rất dễ chiêu trò mua vào thời điểm bị đẩy giá, còn thực chất đây là thời điểm những nhà đầu tư trước đó bán ra để thu lời.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giá đất ở Đông Anh đã tăng từ giai đoạn năm 2021-2022, lúc đó thời điểm Hà Nội có thông tin quy hoạch sông Hồng, xây dựng cầu Tứ Liên, Thượng Cát bắc qua huyện. Trong năm 2023, giá đất chững và có giảm xuống vì ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản khó khăn. Tuy nhiên, cuối năm 2023, giá đất lại tăng trở lại, có những nơi lên tới 100 triệu đồng/m2.
Chia sẻ với Báo Dân Việt về thị trường bất động sản Đông Anh, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam đặc biệt nhạy cảm với thông tin quy hoạch do dữ liệu thông tin chưa được công khai, minh bạch.
"Ngay cả khi thông tin chưa xác thực tình trạng chung của thị trường bất động sản thời điểm"sốt" là có hiện tượng giao dịch mua bán, chuyển nhượng diễn ra sôi động khiến giá bán bất động sản không ngừng tăng. Nhà đầu tư rất dễ bị hiệu ứng dây chuyền, sẵn sàng "lao” vào thị trường một cách thiếu cân nhắc và tính toán. Khi giá đã vượt xa giá trị thực, rất dễ bị chôn vốn. Hệ lụy là, giá nhà, đất chưa đến tay người có nhu cầu thực đã bị "thổi" lên nhiều lần", ông Đính cảnh báo.
Ông Đính cũng khuyến cáo nhà đầu tư là mỗi đợt “sốt” qua đi, thị trường bất động sản tại khu vực đó sẽ cần nhiều thời gian để vượt qua giai đoạn đóng băng. Nếu nhà đầu tư sử dụng vốn vay sẽ rất áp lực, thậm chí có khả năng “mất trắng” khi là người đến muộn hoặc là sau cuối của “con sóng”.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh tình trạng đầu cơ, "thổi giá" khiến giá đất tăng cao sẽ làm gia tăng thêm áp lực cho công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án hạ tầng. Hạ tầng chậm tiến độ sẽ kéo theo các dự án bất động sản thương mại phải đối mặt với tình trạng khó khăn. Điều này tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội của khu vực đó.