Hàng loạt “đại gia” ngoài ngành lấn sân sang bất động sản, chu kỳ mới của thị trường địa ốc sắp bắt đầu?

Mặc dù thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thể phục hồi ngay được, song nhìn vào những động thái “lấn sân” sang bất động sản của nhiều doanh nghiệp ngoài ngành có thể thấy sức hấp dẫn của lĩnh vực này với các “đại gia” vẫn còn là rất lớn.

Hàng loạt “đại gia” ngoài ngành lấn sân sang bất động sản, chu kỳ mới của thị trường địa ốc sắp bắt đầu? - Ảnh 1

Nhiều “tay ngang” tham gia đường đua bất động sản

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản quay trở lại hoạt động 1.302 doanh nghiệp, bằng 122,3% so với cùng kỳ năm 2023. Sự trở lại của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản phản ánh rõ nét tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường trong những tháng đầu năm nay.

Bên cạnh những doanh nghiệp địa ốc thành lập mới và những doanh nghiệp đã quay trở lại thị trường sau thời gian dài “nằm im” thì thị trường bất động sản cũng đón nhận những doanh nghiệp “tay ngang” đang đổ bộ vào lĩnh vực này chuẩn bị cho một chu kỳ mới của thị trường.

Mới đây, “anh cả” của ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã chính thức ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư đến 3 dự án tại Khu Kinh tế Nam Phú Yên với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 120.000 tỷ đồng. Các dự án bao gồm: Cảng Bãi Gốc; Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm; và Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm.

Trước đó, trong năm 2023, Tập đoàn này từng trúng thầu 2 dự án đô thị ở Hưng Yên và Phú Thọ có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Hòa Phát cũng "tham vọng" đề xuất đầu tư, tài trợ quy hoạch các dự án hàng trăm hecta ở các tỉnh khác như Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Hải Dương, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Phú Yên và Đắk Nông.

Tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cũng từng phát biểu: Không ai làm thép mãi, Hòa Phát phải đa ngành và bất động sản là một hướng đi trong chiến lược đa ngành đó, tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2021 của doanh nghiệp. Thực tế, tập đoàn này đã tham gia vào mảng bất động sản được hơn 20 năm với 2 lĩnh vực chính là khu công nghiệp và đô thị.

Tham gia gần 2 thập kỷ nhưng chỉ đến năm 2020, Hòa Phát mới xác định bất động sản là mảng kinh doanh chính, bên cạnh thép. Tổng công ty bất động sản được thành lập, là 1 trong 5 tổng công ty chủ chốt của tập đoàn.

Một “ông lớn” khác của ngành thép là Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng đã thông qua chủ trương góp 40% vốn thành lập CTCP Hoa Sen Sài Gòn - công ty bất động sản của Tập đoàn Hoa Sen. Sau khi thành lập, đơn vị này sẽ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản có giá trị 1.000 đến 3.000 tỷ đồng nhằm phát triển các dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho Tập đoàn Hoa Sen; cho thuê; hoặc xem xét chuyển nhượng.

Cũng tương tự như Hòa Phát hay Hoa Sen, một doanh nghiệp nữa trong ngành thép cũng thể hiện tham vọng với bất động sản trong những năm qua là CTCP Ống thép Việt - Đức VG Pipe (Thép Việt Đức – VGS) cũng đã lên kế hoạch mở bán dự án Khu đô thị Việt Đức Legend City tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc (dự kiến sẽ được ra mắt trong năm 2024 này).

Được biết, Khu đô thị Việt Đức Legend City có diện tích 62,08 ha. Tổng mức đầu tư của dự án này là 6.269 tỷ đồng. Về cơ cấu sản phẩm, toàn dự án sẽ có 382 căn nhà liền kề; 404 căn biệt thự; 352 căn chung cư thương mại và 952 căn chung cư nhà ở xã hội.

Theo tìm hiểu, trong mảng bất động sản, Thép Việt Đức đang đầu tư vào 3 dự án. Bên cạnh dự án lớn nhất là Việt Đức Legend City, doanh nghiệp còn sở hữu tòa nhà văn phòng cho thuê và căn hộ Vietduc Financial Building tại TP Vĩnh Yên; Tòa nhà văn phòng và trung tâm thương mại tại Mê Linh.

Không chỉ ngành thép, nghành thủy sản cũng chứng kiến một “ông lớn” là CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) cũng gây bất ngờ khi tuyên bố lấn sân sang mảng bất động sản thông qua việc bổ sung ngành nghề "kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê" vào danh sách các ngành nghề kinh doanh của mình.

Trước đó, MPC đã công bố nghị quyết của HĐQT phê duyệt dự án nhà ở xã hội ở xã An Khánh, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Theo công bố, đây là dự án nhà ở xã hội có quy mô hơn 17,6 ha được MPC đầu tư xây dựng với tổng vốn gần 633 tỷ đồng, trong đó gồm hơn 619 tỷ đồng chi phí thực hiện dự án, còn lại 13,5 tỷ đồng là chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.

Mới đây, chủ sở hữu Kem Tràng Tiền cũng quyết định ‘chơi lớn’ với bất động sản. Cụ thể, tại cuộc họp thường niên của CTCP One Capital Hospitality (OCH) - công ty mẹ của Kem Tràng Tiền, ban lãnh đạo công ty mong muốn OCH "đi nhanh hơn" trong 5 năm tới, tăng gấp 3-4 lần về quy mô doanh thu, lợi nhuận và tổng tài sản, thậm chí cả về vốn hóa. Quy mô doanh thu của OCH trong 5 năm tới dự kiến đạt khoảng 4.000 tỷ đồng, với lợi nhuận khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

"Với mảng kinh doanh hiện tại để đạt con số này là không khả thi", bà Nguyễn Thu Hằng - Chủ tịch Hội đồng quản trị OCH đã chia sẻ và cho biết thêm, công ty này sẽ dồn lực vào mảng bất động sản, chủ yếu là khách sạn và tòa nhà văn phòng để mở rộng.

Trong 5 năm tới, công ty mẹ của Kem Tràng Tiền lên kế hoạch xây dựng và M&A để tăng danh mục khách sạn, tòa nhà văn phòng tại các thành phố lớn. Thông qua khoản đầu tư các công ty liên kết, OCH hiện là cổ đông lớn nhất tại các dự án khách sạn như Dusit Cung điện Từ Hoa Hanoi (dự kiến khai trương trong 2024), Melia Ha Long Bay (giai đoạn xây dựng), MGallery Ninh Van Bay (giai đoạn thiết kế) và các tòa nhà văn phòng Leadvisors Tower, Leadvisors Place.

Thị trường sắp bước vào chu kỳ mới

Câu chuyện về việc hàng loạt doanh nghiệp ngoài ngành quyết tâm lấn sân sang bất động sản đủ thấy sức hấp dẫn của lĩnh vực này vẫn còn rất lớn. Bên cạnh đó những tín hiệu vui của thị trường trong suốt thời gian qua như một tín hiệu cho thấy một chu kỳ mới của thị trường bất động sản đang dần bắt đầu.

Theo TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2024 được đánh giá đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, đang và sẽ ghi nhận các động thái tích cực về tổng cung và tổng cầu, đầu vào và đầu ra, vi mô và vĩ mô, trước mắt và trung hạn, mở ra những cơ hội triển vọng cho thị trường bất động sản năm 2024.

Tuy nhiên, tiến trình phục hồi của thị trường vẫn có sự phân hóa giữa các phân khúc thị trường.

Theo đó, phân khúc căn hộ tiếp tục “dẫn đầu” về tỷ trọng giao dịch khi chiếm gần 60% tổng lượng giao dịch toàn thị trường trong quý 1/2024. Đồng thời, nhu cầu đầu tư trên thị trường vẫn rất lớn đối với tất cả các phân khúc (hạng sang, cao cấp, bình dân, nhà ở xã hội...).

Bất động sản công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; bất động sản thương mại có thêm nhiều tín hiệu khởi sắc với sự tăng trưởng về nhu cầu thuê. Riêng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng thì vẫn duy trì trạng thái ảm đạm và còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong ngắn hạn khi nhiều dự án mới liên tục rời thời gian triển khai bán hàng, nhiều dự án vướng mắc pháp lý chưa thể giải quyết…

Dự kiến, với các luật mới được thông qua, có hiệu lực trong vài tháng tới, thị trường bất động sản sẽ sớm quay trở lại trạng thái bình thường “mới” với các thông tin ngày càng minh bạch, rõ ràng cho mọi thành phần kinh tế tham gia.

Từ giờ đến cuối năm, nguồn cung tiếp tục chuyển biến theo xu hướng tăng. Cầu nhà ở thực vẫn sẽ duy trì ở mức cao, được củng cố bởi tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hóa. Cầu đầu tư tiếp tục được củng cố, hướng tới các đô thị vệ tinh của Hà Nội, TP. HCM hoặc đô thị lớn trực thuộc Trung ương như Đà Nẵng.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) cũng nhận định, đầu năm 2024, thị trường bất động sản cả nước và TPHCM tiếp tục xu thế phục hồi và tăng trưởng vững chắc hơn, là lĩnh vực đứng đầu trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI nhiều nhất và trên thị trường chứng khoán thì cổ phiếu bất động sản cùng với cổ phiếu tài chính, ngân hàng đang dẫn dắt thị trường.

HOREA dự báo, với đà phục hồi này, thị trường bất động sản sẽ trở lại hoạt động bình thường và bước vào chu kỳ phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững kể từ nửa cuối năm 2024, tạo đà để phát triển mạnh mẽ hơn kể từ đầu năm 2025 trở đi.

An Nhiên

Theo Chất lượng và cuộc sống