HoREA “kê đơn thuốc” để “cứu” thị trường bất động sản

Khả năng tiếp cận vốn và sức tiêu thụ là những “điểm nghẽn” thị trường bất động sản (BĐS) trong thời gian qua. Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã trình lên Chính phủ những giải pháp để “cứu” thị trường BĐS vượt qua giai đoạn khó khăn, trong đó đề cập đến vấn đề trái phiếu doanh nghiệp và trần tín dụng.

HoREA “kê đơn thuốc” để “cứu” thị trường bất động sản - Ảnh 1

Khơi thông thị trường trái phiếu

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, Nghị định 65/2022/NĐ-CP ban hành ngày 16/09/2022 đã thắt chặt cả đầu ra và đầu vào đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đặc biệt là các doanh nghiệp BĐS. Trong đó, “đầu vào” là khâu phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, “đầu ra” là khâu mua trái phiếu của nhà đầu tư cá nhân.

Ông Châu cho biết, thị trường TPDN là một kênh dẫn vốn xã hội hóa cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp trong trung và dài hạn, giúp san sẻ bớt gánh nặng cho kênh vốn tín dụng. Tuy nhiên việc Chính phủ siết chặt “đầu ra” đối với TPDN khiến việc huy động vốn của doanh nghiệp bị “tắc nghẽn” do không có người mua. Điều này khiến thị trường TPDN không phát huy được vai trò đúng như kỳ vọng.

Kiến nghị của HoREA nhắm đến việc khơi thông cả hai điểm nghẽn về đầu vào lẫn đầu ra trên thị trường TPDN.

Về đầu vào, HoREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp quy mô lớn, có uy tín, những công ty đại chúng, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán có xếp hạng tín nhiệm tốt… được phép phát hành TPDN riêng lẻ và chào bán cho nhà đầu tư cá nhân không phải “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”.

Theo HoREA, thời gian qua, các doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán gặp nhiều khó khăn do thị trường chứng khoán tụt dốc không phanh. Nguồn vốn ứng trước từ khách hàng mua nhà cũng “tắc” do thanh khoản sụt giảm mạnh, thị trường BĐS có dấu hiệu trầm lắng, tiềm ẩn rủi ro đóng băng.

Về đầu ra, HoREA kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được đầu tư, mua TPDN phát hành riêng lẻ theo một tỷ lệ nhất định để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong xã hội.

Theo HoREA, trước mắt, để đảm bảo cho các nhà đầu tư cá nhân chưa đủ điều kiện “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” có thể tham gia đầu tư TPDN, có thể cho phép nhóm đối tượng này đầu tư TPDN thông qua ủy thác cho công ty chứng khoán, các tổ chức bảo đảm năng lực bằng các hợp đồng thương mại để đầu tư trái phiếu theo quy định.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Nới thêm trần tín dụng thêm 1% - 2%

Theo HoREA, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lao dốc thanh khoản trên thị trường BĐS là do các ngân hàng “cạn room” tín dụng. Mặc dù trước đó NHNN đã nới room tín dụng thêm 457.000 tỷ đồng theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2022. Do đó, động thái nới room tín dụng này không phải tin vui dành cho thị trường BĐS.

Chính vì thế, HoREA kiến nghị Chính phủ và NHNN xem xét nới trần tín dụng thêm 1% - 2% để cung cấp thêm 100.000 - 200.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

"Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn đang giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%. Nếu Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1% - 2% nữa thì sẽ có thêm khoảng trên dưới 200.000 tỷ đồng được bổ sung vào nền kinh tế, giải ‘cơn khát vốn’ của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản", HoREA phân tích.

HoREA nhận định, bất chấp mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng tăng cao, song các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhà đầu tư và người mua nhà đều mong muốn tiếp tục được vay tín dụng.

Đồng thời, HoREA kiến nghị xem xét điều chỉnh Văn bản số 437/TTGSNH-TTr1 ban hành ngày 25/04/2022 của Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN Chi nhánh TP.HCM, cũng như tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường BĐS tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án BĐS, khu đô thị, nhà ở thương mại, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, văn phòng cho thuê,... được phát triển bởi những chủ đầu tư có tên tuổi, pháp lý hoàn thiện, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ.

Bên cạnh đó, HoREA kiến nghị xem xét sửa đổi Thông tư số 20/2021/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được chỉ định là các ngân hàng trong nhóm “Big 4” gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank được cho đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay vốn ưu đãi để mua và thuê mua nhà ở xã hội.

Theo Chất lượng và Cuộc sống