Nhân sự ngành bất động sản: Kẻ giảm lương, người mất việc, mờ mịt tương lai
Thị trường bất động sản đóng băng đã khiến hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải thực hiện các đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn, giảm lương, thưởng, chi phí hỗ trợ. Có thể nói từ năm 2014 trở lại đây, chưa khi nào nhân sự ngành bất động sản lại gặp khó khăn nhiều như thế.
“Ngày làm việc cuối cùng”
Tháng 10/2022, Lê – nhân viên truyền thông một tập đoàn bất động sản rất lớn tại TP. HCM, gửi tin nhắn/email đến các đối tác thông báo về “ngày làm việc cuối cùng” của mình tại tập đoàn. Lê, 30 tuổi, đã “nhảy” từ Hà Nội đến TP. HCM vào mùa hè vừa qua để làm việc với lời mời chào hấp dẫn về thu nhập. Nhưng mới được 3 tháng, sự tình đã thay đổi, cô chủ động rút sớm để sang một bến đỗ mới.
Không được may mắn như Lê, Linh – 27 tuổi, đã cố bám trụ với hy vọng giữ được công việc cho đến hết năm. Nhưng “ngày làm việc cuối cùng” tại tập đoàn nêu trên đến sớm hơn dự định. Linh nghỉ việc vào tháng 11. Không biết đi đâu, cô đành trở về nhà tại Hà Nội.
Chỉ ít ngày sau khi Linh nghỉ, các đồng sự của Linh cũng lần lượt nghỉ theo. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, phòng truyền thông dự án của tập đoàn này có tới hơn chục người nghỉ việc, chỉ còn trơ lại… 2 – 3 quản lý.
Không ai thực sự biết chuyện gì đã xảy ra cho tới khi tập đoàn trên thông báo chính thức về việc cắt giảm nhân sự hàng loạt, do tình hình kinh doanh bất lợi. Và đó cũng là khi thị trường nhận ra, mùa đông bất động sản đã ập đến tự lúc nào.
Ghi nhận thực tế trên thị trường TP. HCM cho thấy làn sóng cắt giảm nhân sự ở các doanh nghiệp bất động sản đang diễn ra ồ ạt. Bộ phận bị cắt đầu tiên chính là phòng truyền thông – marketing do các dự án gần như không bán được hàng và quỹ tiền mặt của các doanh nghiệp đang trong tình cảnh cạn kiệt. Chẳng hạn như tập đoàn H, số lượng nhân viên truyền thông – marketing chỉ còn 6 người, tập đoàn M còn 7 người, thậm chí tập đoàn N còn giải thể phòng marketing.
Song song với việc cắt giảm nhân sự, các doanh nghiệp cũng tiến hành cắt giảm lương. Tuấn – trưởng bộ phận quan hệ báo chí tập đoàn H, cho biết tiền lương của anh đã bị giảm tới 50%, chỉ còn ngang với công nhân lành nghề. Tại tập đoàn T, mặc dù lương không bị cắt giảm, nhưng nhân viên lại chỉ được làm việc luân phiên và nhận lương cho ngày đi làm, như vậy thực tế cũng là giảm lương. Ngoài ra, nhiều đơn vị cũng tiến hành cắt chi phí hỗ trợ marketing đối với nhân sự của mảng này.
Đáng chú ý, có trường hợp doanh nghiệp phân phối bất động sản cho nhân viên “ăn Tết sớm” từ đầu tháng 12/2022 do không có việc làm.
Tại Hà Nội, tình hình của nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng không khá hơn là bao. Tại tập đoàn T, số lượng nhân sự bị cắt giảm lên tới 50%, tương đương hơn 100 người, cả ban truyền thông – marketing còn đúng 2 người; song song với đó, lương của quản lý cấp cao giảm 50%, cấp trung giảm 40%, còn của nhân viên giảm 30%.
Tại một sàn phân phối lớn, khối văn phòng (back office) bị cắt giảm nhân sự tới 80% – 90%; khối marketing bị cắt toàn bộ chi phí hỗ trợ. Tình trạng chậm trả lương, cắt thưởng cũng xảy ra với một sàn phân phối lớn khác từ đầu quý IV/2022.
Nhìn chung, với tình hình bi đát về công việc và thu nhập như hiện nay, việc thưởng Tết đã trở thành một ước vọng xa xỉ, nếu không muốn nói là bất khả với nhân sự ngành bất động sản.
Co cụm
Trên thực tế, không phải doanh nghiệp bất động sản nào cũng lâm vào tình cảnh khốn đốn như trên. Thị trường vẫn có những đơn vị “làm ăn được” và có nhu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên, giám đốc marketing một tập đoàn bất động sản lớn tại TP. HCM cho biết họ không tuyển được bất kỳ ai, dù rằng số lượng nhân sự bị cắt giảm trên thị trường hiện lên tới hàng nghìn người.
Nguyên do là trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp đòi hỏi một nhân sự phải kiêm 3 – 4 công việc, trong khi hầu hết nhân sự bị cắt giảm lại chỉ có chuyên môn độc nhất, chưa kể là mức đãi ngộ không được hấp dẫn. Chia sẻ cụ thể hơn, vị giám đốc marketing cho biết cả phòng marketing của tập đoàn này trước nay chỉ có 6 người, nhưng phải đảm bảo một khối lượng công việc rất lớn với thu nhập chỉ ở mức khá.
Ngoài ra, tình cảnh nhiều doanh nghiệp “gục ngã” vì khó khăn cũng khiến các đơn vị làm ăn được không dám “đứng lên” khoe thành tựu. Thậm chí, đến cả việc tổ chức lễ kỷ niệm 20 – 30 năm thành lập trong năm nay cũng được các tập đoàn làm ở quy mô khiêm tốn, thậm chí hủy bỏ.
Đại diện truyền thông một tập đoàn bất động sản cỡ lớn khác tại TP. HCM chia sẻ thêm rằng kể cả làm ăn được trong năm 2022, các doanh nghiệp cũng không dám mở rộng quy mô nhân sự lúc này, bởi không ai lường trước được diễn biến của thị trường trong thời gian tới, nếu không muốn nói là đang được dự báo ở mức rất xấu. “Không lẽ tuyển người về làm được 1 – 2 tháng lại cho nghỉ”, vị đại diện này nêu vấn đề.
Nói với VietnamFinance, một nhân viên truyền thông vừa thôi việc tại một tập đoàn bất động sản lớn ở TP. HCM, cho biết cô xác định sẽ bám trụ thành phố để làm việc tự do theo từng đơn lẻ, được đồng nào hay đồng ấy, chứ không muốn ngược ra Bắc. “Khó khăn cả thị trường, đâu cũng vậy, nên em cứ ở đây, ra Giêng rồi tính”, cô nói dù thừa nhận cũng chưa biết sẽ tính cái gì…