Phục hồi thị trường BĐS: 'Nên giảm giá chứ không phải tăng giá như gần đây'
Đưa ra giải pháp để phục hồi thị trường bất động sản, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh về vướng mắc vốn, đất đai. Đặc biệt, bất động sản nên giảm giá chứ không phải tăng giá như thời gian gần đây.
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia cho biết, nhiều tín hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang dần phục hồi.
“Bất động sản công nghiệp tăng trưởng tốt. Nguồn cung năm 2023 tăng, lượng giao dịch đặc biệt ở Hà Nội tăng trở lại. Những dự án mới ở phân khúc căn hộ tung ra đều bán hết. Vì sao? Vì chúng ta đang thiếu nguồn cung, nhu cầu người dân vẫn tồn tại”, ông Lực nói.
Đưa ra giải pháp để phục hồi thị trường, ông Lực cho rằng cần quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh về vướng mắc vốn, đất đai. Đặc biệt cần tổng kết về luật, thị trường vốn, hệ thống ngân hàng cơ cấu lại nhanh hơn, tốt hơn và đẩy mạnh huy động vốn doanh nghiệp như trái phiếu doanh nghiệp.
"Đặc biệt, cần quyết liệt khôi phục thị trường bất động sản. Bất động sản nên giảm giá chứ không phải tăng giá như thời gian gần đây", ông Lực nhấn mạnh.
Báo cáo mới đây của VNDIRECT cũng cho biết thị trường bất động sản Việt Nam và Trung Quốc có nhiều nét tương đồng. Những năm qua cả hai thị trường bất động sản đều có tốc độ tăng trưởng cao được thúc đẩy bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, sự gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa; cả hai thị trường đều đón nhận làn sóng đầu tư mạnh từ cả trong nước và quốc tế; cả hai đều có những rủi ro tiềm ẩn bao gồm rủi ro với tính đầu cơ lớn, khả năng sụt giảm giá nhà và biến động lãi suất ngân hàng.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều sự khác biệt lớn gồm: mức độ phát triển (đô thị hóa); quy mô dân số và chính sách.
Báo cáo của đơn vị này cho biết về nhu cầu nhà ở, Trung Quốc hiện đang gặp nhiều khó khăn. Do tác động kéo dài của chính sách một con và tỷ lệ kết hôn giảm, đất nước này đang bước vào giai đoạn già hoá dân số. Số người trong độ tuổi 25-44 (khách hàng mua nhà tiềm năng) chiếm 29,0% tổng dân số trong năm 2023 và dân số dưới 25 tuổi (khách hàng nhà tương lai) chiếm 28,1% (so với năm 2013, hai nhóm này lần lượt chiếm 32,1%/31,9% tổng dân số).
“Điều này cho thấy động lực tăng trưởng của nhu cầu mua nhà trong thời gian tới sẽ chậm hơn so với hai thập kỷ trước đây”, báo cáo đánh giá.
Ngược lại, thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam vẫn đang có nhu cầu lớn trong dài hạn. Nhu cầu nhà ở tại thị trường Hà Nội và TP. HCM đều có những diễn biến tích cực khi tỷ lệ hấp thụ trên 100% (số lượng căn bán được nhiều hơn nguồn cung mới trong một kì).
Đáng chú ý, báo cáo cũng cho hay, nhìn từ phía cung đối với thị trường bất động sản Trung Quốc có thể thấy trải qua hơn 2 thập kỷ tăng trưởng nóng với hàng loạt các khu đô thị mới được phát triển hàng loạt và cơ sở hạ tầng được phát triển mạnh mẽ dẫn đến cầu thị trường khó có thể bức phá.
“Với doanh số bán hàng suy yếu và lượng hàng tồn kho của Trung Quốc tăng mạnh, chúng tôi cho rằng thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ khó có thể hồi phục nhanh chóng trong trung hạn khi lượng hàng tồn kho tồn đọng có khả năng cung cấp nhà ở cho 150 triệu người người dự kiến phải mất hơn 5 năm để có thể giải tỏa hết”, nhóm nghiên cứu VNDIRECT thông tin.
Đồng thời nhu cầu mua nhà của người dân Trung Quốc có thể giảm hơn nữa do già hóa dân số và chất lượng tiêu chuẩn sống tăng cao, hiện tại diện tích sinh sống bình quân của người dân Trung Quốc đã đạt hơn 40m2 một người ngang với các nước phát triển như châu Âu, vì vậy gây ảnh hưởng lên cầu nhà ở quốc gia này.
Trong khi đó, nguồn cung nhà ở Việt Nam chưa tương thích với nhu cầu trên thị trường. Mất cân đối cung cầu tiếp tục là thách thức lớn với thị trường bất động sản nhà ở, xu hướng thiếu hụt nguồn cung ở phân khúc tầm trung và dư thừa nhà ở tại phân khúc cao cấp.