Quỹ đất nội đô ngày càng hạn hẹp, bất động sản vùng ven lại hút tiền đầu tư

Với việc quỹ đất nội đô đang dần cạn kiệt, giá cũng ngày càng cao thì xu hướng dòng tiền đầu tư lại đổ về khu vực vùng ven. Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường này rất có khả năng sẽ thiết lập mặt bằng giá mới.

Quỹ đất nội đô ngày càng hạn hẹp, bất động sản vùng ven lại hút tiền đầu tư - Ảnh 1

Sau một quãng thời gian dài chịu tác động tiêu cực do dịch bệnh Covid – 19, thị trường bất động sản đang dần được hân nóng nhờ những dự án mới, đặc biệt tại khu vực nằm xa các trung tâm thành phố.

Theo báo cáo trước đó của Savills, tại thị trường Hà Nội dự kiến sẽ đón nhận khoảng 7.900 căn hộ đến từ 11 dự án mới và 2 dự án chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Trong khi đó, quỹ đất mới ở vùng nội đô đang trở nên hạn chế thì các quận/huyện Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Gia Lâm và Hoàng Mai có triển vọng chiếm 81% thị phần.

Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân cùng các chủ đầu tư dự án cũng đang có xu hướng dịch chuyển ra khu vực ven Hà Nội như: như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam…Qua đó tạo những luồng sinh khí mới cho thị trường bất động sản khu vực này.

Xu hướng chuyển dịch trong thị trường cũng được thúc đẩy bởi sự phát triển về cơ sở hạ tầng. Cụ thể, tuyến đường Vành đai 3, số 3.5 và đường sắt đô thị số 3 là động lực thúc đẩy sự bùng nổ của khu vực phía tây. Kế hoạch vận hành các tuyến metro và xây dựng đường Vành đai 2,5 ở phía Nam và số 4 ở phía Đông Bắc Hà Nội sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông. Sự thuận tiện trong việc di chuyển giữa khu vực vùng ven và nội đô thành phố sẽ là yếu tố thu hút nhà đầu tư và người mua để ở vào những dự án ở xa trung tâm.

Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, nguồn cung càng giảm còn nhu cầu và giá thì ngày càng tăng do lượng quỹ đất ngày một ít đi. Từ đó, nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm cơ hội tại các khu vực vùng ven như Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai, Bình Dương… Trong đó, những địa phương sở hữu hạ tầng giao thông thuận tiện, ghi nhận xu hướng đầu tư công tăng lên, đặc biệt là có tiềm năng về du lịch và cảng biển.

Nói về xu hướng dịch chuyển ra khu vực vùng ven của các nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, xu hướng dịch chuyển này khiến giá đất nền thuộc các khu đô thị cũ nằm tại vùng ven Hà Nội như Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm… tăng 20 – 30% so với đầu năm 2021. Ngoài ra, tại các huyện như Đan Phượng, Phú Xuyên, Chương Mỹ, một số dự án bất động sản có giá khá cao, nhất là biệt thự, liền kề.

Trong khi đó, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, khi quỹ đất khu vực trung tâm ngày càng cạn kiệt, không gian xanh hạn hẹp, giá đất không ngừng tăng, thì xu hướng đầu tư dịch chuyển về vùng ven là tất yếu. Nếu như 10 năm trước các dự án có xu hướng dịch chuyển về hướng Tây – Tây Nam Thủ đô, thì ngày nay người dân và các nhà đầu tư đang đón đầu xu hướng dịch chuyển về hướng Đông Bắc để lấp đầy vùng Thủ đô, khiến cho giá bất động sản ở những khu vực này, đặc biệt là Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Từ Sơn (Bắc Ninh) liên tục thiết lập mặt bằng giá mới.

Minh Đức

Theo Kinh doanh & Phát triển