Sau Tết, bất động sản Đà Nẵng vẫn đìu hiu, môi giới ‘đói’ khách
Thông thường, sau Tết Nguyên đán thị trường bất động sản sẽ sôi động, thậm chí một số nơi còn xảy ra tình trạng ‘sốt’ đất. Tuy nhiên, khung cảnh đìu hiu kéo dài từ trước Tết đến nay vẫn duy trì, môi giới 'đói' khách.
Đất giảm vẫn ế
Khảo sát tại một số văn phòng giao dịch bất động sản trên địa bàn các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn…, không khí rất ảm đạm. Nhiều văn phòng tạm đóng cửa, số văn phòng mở cửa cũng không thấy người ra vào giao dịch.
Anh Hoàng, chủ một văn phòng môi giới bất động sản trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng), cho biết tình trạng giao dịch đìu hiu kéo dài từ trước Tết và đến nay vẫn chưa có khởi sắc.
“So với thời điểm ‘sốt’ đất năm 2019, giá các lô đất nền giảm 400-500 triệu đồng/lô nhưng vẫn không có người mua. Người dân có nhu cầu mua đất nhưng do lãi suất ngân hàng cao, không vay được tiền nên cũng đành chịu”, anh Hoàng nói.
Theo anh Hoàng, khu FPT thời điểm ‘sốt’ đất, những lô có giá 3,3-3,5 tỷ đồng/lô nay còn khoảng 2,9-3 tỷ đồng. Khu Hòa Xuân, những lô trước đây có giá 2,6-2,7 tỷ đồng nay còn khoảng 2,3 tỷ đồng. Khu Thị An (phường Hòa Quý), những lô trước đây những lô có giá 2,3-2,4 tỷ đồng, nay còn 2 tỷ đồng/lô.
Chị Phương, một môi giới bất động sản (trú quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), cho hay thông thường ra Tết thị trường bất động sản sẽ sôi động, chị luôn bận bịu dẫn khách đi xem đất. Thế nhưng năm nay thì ngược lại, chỉ lác đác khách có nhu cầu hỏi mua nhưng vẫn không chốt được.
Theo chị Phương, thời điểm này, khách hỏi mua đất là những người có nhu cầu thực sự về nhà ở, còn khách đầu tư, giá phải thấp hơn giá thị trường khoảng 200-300 triệu đồng/lô họ mới mua.
Thị trường tiếp tục gặp khó khăn
Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Group, cho biết hiện tại các vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản chưa được tháo gỡ khiến thị trường trầm lắng. Cụ thể, đối với tình hình thế giới, lạm phát vẫn ở mức cao, Fed cũng mới điều chỉnh tăng lãi suất, chiến sự Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nguy cơ suy thoái kinh tế đang tiềm ẩn...
Ở trong nước, lãi suất cũng đang ở mức cao, tăng trưởng kinh tế dự báo giảm so năm 2022, thị trường chứng khoán đang biến động mạnh, việc tháo gỡ về vấn đề pháp lý bất động sản chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn về tài chính.
“Với bức tranh toàn cảnh như vậy, thị trường bất động sản 2023 trong đó có Đà Nẵng tiếp tục gặp khó khăn. Việc giảm giá có thể tiếp tục diễn ra trong thời gian đến trên thị trường thứ cấp, nhất là đối với những nhà đầu tư có vay ngân hàng đang gặp khó khăn về tài chính”, ông Thắng nhận định.
Theo ông Thắng, với lãi suất cho vay đang cao như hiện nay (12% -14%/năm), có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, bên canh việc thanh khoản thị trường đang sụt giảm mạnh. Việc đầu tư bất động sản nếu sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ khó có hiệu quả. Do đó, trong giai đoạn hiện nay nếu nhà đầu tư yếu vốn thì cân nhắc tạm dừng quan sát thị trường.
Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi thì đây là cơ hội đi ‘săn’ những bất động sản có giá chiết khấu, giảm giá sâu ở những vị trí đẹp mà trước đây rất khó tiếp cận.
“Thực tế thị trường đang diễn ra những cuộc đi săn của những nhà đầu tư có vốn mạnh, những bất động sản có vị trí đắc địa, trung tâm thành phố thuận lợi cho thuê vẫn đang thanh khoản tốt”, ông Thắng nói.
Ông Thắng nhận định khả năng thị trường sẽ có những khởi sắc nhất định vào đầu năm 2024 khi tình hình vĩ mô nền kinh tế ổn định trở lại; hoạt động thanh kiểm tra các dự án, chủ đầu tư hoàn tất; vấn đề liên quan đến trái phiếu bất động sản được khắc phục; các nút thắt pháp lý cấp phép dự án dần được tháo dỡ khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở sửa đổi được thông qua và có hiệu lực.
Báo cáo mới nhất của DKRA Group về thị trường bất động sản Đà Nẵng và vùng phụ cận cho biết, phân khúc đất nền trong năm 2022 đón nhận 22 dự án với nguồn cung khoảng 2.648 nền, tăng 59% so với năm 2021. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 1.499 nền, xấp xỉ 57% tổng nguồn cung mở bán mới, tăng khoảng 32% so với năm trước. Các dự án tập trung chủ yếu ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và huyện Điện Bàn (Quảng Nam), chiếm khoảng 50% tổng nguồn cung mới toàn thị trường. Hầu hết nguồn cung và lượng tiêu thụ mới được ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2022.
Sức cầu chung toàn thị trường không có sự bứt phá so với năm 2021 và có xu hướng giảm mạnh vào nửa cuối năm 2022 do những khó khăn chung của thị trường. Đồng thời, thanh khoản trên thị trường thứ cấp cũng có sự sụt giảm, trung bình mặt bằng giá thứ cấp giảm khoảng 4%-10% so với năm 2021, cục bộ đối với những khách hàng gặp áp lực lãi vay ngân hàng mức giảm ghi nhận lên đến 21%.
Theo dự báo từ DKRA Group, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong năm 2023 giảm mạnh so với năm 2022 dao động khoảng 1.800 – 1.900 sản phẩm. Nguồn cung tập trung chủ yếu ở quận Ngũ Hành Sơn, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng), huyện Điện Bàn, huyện Núi Thành (Quảng Nam).
Sức cầu chung của thị trường tương đương năm trước, lượng tiêu thụ tập trung ở những dự án đầy đủ pháp lý, hạ tầng hoàn thiện. Thị trường thứ cấp duy trì thanh khoản ở mức trung bình, giá bán không có nhiều biến động so với năm 2022.