Sau thời gian thị trường ‘nhảy múa’, giá bất động sản Đông Anh (Hà Nội) giờ ra sao?

Nhà đất Đông Anh những năm qua liên tục bùng nổ nhu cầu đầu tư bất động sản do tác động tích cực về quy hoạch, hạ tầng và sự đổ bộ của các ông lớn. Sau những cơn nóng sốt liên tục, hiện tại diện mạo thị trường bất động sản Đông Anh đang ra sao?

Sau thời gian thị trường ‘nhảy múa’, giá bất động sản Đông Anh (Hà Nội) giờ ra sao? - Ảnh 1

Điểm nóng của thị trường BĐS Hà Nội

Trong tầm nhìn chiến lược của Chính phủ và Hà Nội, Đông Anh được định hướng trở thành một đô thị trung tâm và một quận của thủ đô. Quy hoạch và hạ tầng tại Đông Anh vươn mình mạnh mẽ cho những mục tiêu lớn lao đó và tạo tiền đề kích thích giá trị bất động sản khu vực. Trong những năm gần đây, Đông Anh đã trải qua nhiều đợt tăng giá đất.

Giai đoạn 2014-2015, Đông Anh chứng kiến nhiều công trình giao thông quan trọng được xây dựng và lần lượt đi vào vận hành. Cụ thể, cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù chính thức thông xe, nhà ga T2, tuyến đường 5 kéo dài được hoàn thiện. Theo tìm hiểu, so với năm 2012, giá đất Đông Anh thời điểm này thiết lập mặt bằng mới. Những lô đất mặt tiền có vị trí đắc địa đoạn lên cầu Nhật Tân được chào bán từ 60-80 triệu đồng/m2. Đất trong ngõ rộng ở Vĩnh Ngọc, Đông Hội được chào giá từ 17-20 triệu đồng/m2.  Mức tăng trung bình dao động từ 20-40% so với 2 năm trước đó.

Vào năm 2016, lộ trình quy hoạch và thông tin về các siêu dự án của các ông lớn bất động sản trở thành chất xúc tác khiến thị trường Đông Anh tiếp tục sổi nổi. Giá và thanh khoản trên thị trường đều tăng. Khi đó, Hà Nội công bố Đồ án Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài với định hướng phát triển khu vực Bắc sông Hồng với tâm điểm Đông Anh trở thành Trung tâm hành chính thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, phát triển đô thị hiện đại. Trục Nhật Tân – Nội Bài được xác định là trục động lực chính trong việc hình thành và phát triển đô thị Bắc sông Hồng, có vai trò kết nối giao thông khu trung tâm Thủ đô với không gian cửa ngõ thành phố. Cùng thời điểm, những ông lớn bất động sản như Sun Group, Vingroup, BRG hiện diện tại đây với các dự án giải trí, văn hóa, công nghệ, giáo dục có quy mô lớn khiến thị trường Đông Anh tăng trưởng, hút giới đầu tư. Năm 2017, so với giai đoạn 2014-2015, những lô đất đẹp có mặt tiền đường lớn, có thể kinh doanh được tại Đông Anh ghi nhận mức tăng lên tới 50-60%. Các lô đất trong làng có mức tăng thấp hơn, dao động từ 15-30%.

Đầu năm 2020, thị trường Đông Anh tiếp tục nổi sóng với phân khu quy hoạch sông Hồng. Được biết, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có chiều dài khoảng 40 km bắt đầu từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Trong đó, khu vực Tàm Xá – Xuân Canh thuộc huyện Đông Anh được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ lớn nhất (khoảng 408 ha) khiến thị trường bất động sản Đông Anh sôi sục thời gian qua.

Với những diễn biến thực tế đó, không thể phủ nhận thực tế, đất Đông Anh đã liên tục bị làm giá trong thời gian qua. Sau những cơn nóng sốt liên tục, hiện tại diện mạo thị trường bất động sản Đông Anh đang ra sao?

Thị trường Đông Anh có dấu hiệu hạ nhiệt?

Phân khu quy hoạch sông Hồng – nhân tố tác động lớn đẩy giá đất Đông Anh tăng chóng mặt trong thời gian ngắn thời điểm đầu năm là nơi chứng kiến sự hạ nhiệt đầu tiên. Đơn cử như khu vực Tàm Xá – Xuân Canh thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội) – nơi được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 15% (khoảng 408 ha) là khu vực được nghiên cứu xây dựng với tỉ lệ lớn nhất cũng là tâm điểm của cơn sốt đất tại Đông Anh đã không còn tình trạng giá đất nhảy múa, thay vào đó là sự bình lặng.

Hay đất mặt tiền khu vực Xuân Trạch, Lực Canh, Văn Thượng (Xuân Canh) từng thiết lập mức giá 51-69 triệu đồng/m2 trong cơn sốt đất thì nay mức giá chào bán là 40-47 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền Tiên Hội, Đông Trù (Đông Hội, Đông Anh) giá giảm từ mức 55-70 triệu đồng/m2 trong cơn sốt về mức 48-57 triệu đồng/m2. Đất kinh doanh được tại Nguyên Khê hiện được chào bán 40- 52 triệu đồng/m2, thay vì mức 48-64 triệu đồng/m2 của cơn sốt đầu năm. Đất trong ngõ nhỏ tại Lực Canh, Vạn Lộc, Văn Thượng từ  mức 19-26 triệu đồng/m2 cũng quay đầu về mức 15-20 triệu đồng/m2. Hiện tại, với tình trạng giá giảm, thời điểm cuối năm, các khu vực từng một thời nóng bỏng trên đã ghi nhận làn sóng nhà đầu tư quay trở lại với thị trường.

Trái ngược với những đợt nhảy giá liên tục của điểm nóng Tàm Xá – Xuân Canh thời điểm đầu năm, thị trường gần khu công nghiệp Bắc Thăng Long gồm Bắc Hồng, Nam Hồng, Kim Chung, Võng La vốn bình lặng hơn trong cơn sốt đầu năm vẫn ghi nhận sự dịch chuyển nhẹ của giá trong hơn 1 năm qua và ghi nhận thanh khoản tốt. Đất gần cổng C khu công nghiệp Bắc Thăng Long là Võng La ghi nhận mức tăng giá nhẹ từ 15-17 triệu đồng/m2 lên mức 16,5-19 triệu đồng/m2 so với cùng kì năm ngoái. Khu vực đất tại Bến Trung, Quan Âm (Bắc Hồng), giá cũng tăng từ 15-20 triệu đồng/m2 lên 18-23 triệu đồng/m2. Đất tại làng My, làng Vệ (Nam Hồng) dao động từ 16-19 triệu đồng/m2, tăng khoảng 15-20% so với năm ngoái. Đất tại thôn Đông Bầu (Kim Chung) có giá từ 20-24 triệu đồng/m2, tăng 20% so với năm ngoái. Các mảnh đất tại khu vực này có diện tích phổ biến từ 40-60m2 nên tổng giá thành chỉ trên dưới 1 tỷ. Do gần khu công nghiệp, tập trung nhiều công nhân nên với mức giá trên dưới 1 tỷ đồng phù hợp với tài chính của nhu cầu ở thực vẫn ghi nhận giao dịch đều đặn, đặc biệt là những mảnh dưới 1 tỷ đồng.

Theo các môi giới địa phương, do đất gần khu công nghiệp Bắc Thăng Long không có sự biến động về giá như nhiều điểm nóng khác ở Đông Anh nên khu vực này chủ yếu thu hút nhà đầu tư vốn nhỏ, không có sự góp mặt của các cá mập. Bởi vậy, tình trạng đầu cơ không xuất hiện tại đây. Mức tăng do đó không mạnh.

Minh Đức

Theo Kinh doanh & Phát triển