Shophouse nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng vẫn ‘ngủ đông’
DKRA Consulting vừa công bố báo cáo thị trường bất động sản nhà ở tại Đà Nẵng và vùng phụ cận trong tháng 4/2025. Dữ liệu cho thấy các phân khúc tiếp tục xu hướng phân hóa, trong đó shophouse nghỉ dưỡng vẫn “ngủ đông”.
Ở phân khúc đất nền, nguồn cung sơ cấp tăng 9% so với cùng kỳ năm 2024, chủ yếu từ các dự án đã mở bán trước. Quảng Nam và TP. Đà Nẵng là hai khu vực dẫn dắt nguồn cung, trong khi TP. Huế vẫn khan hiếm sản phẩm.
Sức cầu duy trì ở mức thấp, tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 4% tổng cung – tuy tăng 43% so với cùng kỳ nhưng vẫn còn yếu. Mặt bằng giá sơ cấp ổn định, trong khi giá thứ cấp tăng nhẹ khoảng 2% so với tháng 3. Thanh khoản tập trung vào các sản phẩm thuộc khu đô thị đồng bộ, tiện ích đầy đủ và pháp lý hoàn chỉnh.

Với phân khúc căn hộ, nguồn cung sơ cấp giảm 14% so với cùng kỳ, chủ yếu tại TP. Đà Nẵng. TP. Huế và Quảng Nam tiếp tục thiếu vắng dự án mở bán mới. Tỷ lệ tiêu thụ sơ cấp đạt 13%, chủ yếu từ giỏ hàng cũ.
Quận Sơn Trà - TP. Đà Nẵng chiếm hơn 32% nguồn cung toàn thị trường. Giá sơ cấp và thứ cấp ổn định, thanh khoản thứ cấp tập trung vào dự án đã bàn giao, vị trí thuận tiện kết nối trung tâm. Nguồn cung dự kiến tăng trong thời gian tới, điểm rơi vào khoảng tháng 6/2025.
Phân khúc nhà phố/biệt thự ghi nhận nguồn cung tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ, song chủ yếu từ hàng tồn kho. Nguồn cung mới tiếp tục khan hiếm, chỉ chiếm 2% tổng lượng cung. Sức cầu có cải thiện nhưng vẫn yếu, giao dịch tập trung ở các dự án pháp lý rõ ràng, quy mô lớn.
Giá bán dao động khoảng 25 – 30 tỷ đồng/căn tại TP. Đà Nẵng và 3 – 7 tỷ đồng/căn tại Quảng Nam, TP. Huế. TP. Huế chiếm 46% nguồn cung, còn TP. Đà Nẵng dẫn đầu về tiêu thụ với 47%. Giá sơ cấp ổn định, giá thứ cấp đi ngang nhưng giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ, chủ yếu tại các dự án xây dựng chậm tiến độ, pháp lý chưa hoàn chỉnh. Chủ đầu tư tiếp tục áp dụng các chính sách ưu đãi như hỗ trợ vay, ưu đãi lãi suất và ân hạn nợ gốc.
Về bất động sản nghỉ dưỡng, nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng không có nhiều biến động về nguồn cung so với cùng kỳ, phần lớn là hàng tồn kho. Thị trường trầm lắng, không ghi nhận giao dịch trong tháng qua do nhiều dự án vướng sai phạm hoặc đóng giỏ hàng.
Giá sơ cấp đi ngang, các chính sách chiết khấu và ưu đãi vẫn được áp dụng. Tuy nhiên, niềm tin nhà đầu tư suy giảm nghiêm trọng khi nhiều dự án thi công chậm tiến độ, chưa hoàn thiện pháp lý, khiến phân khúc này rơi vào tình trạng “ngủ đông kéo dài”.
Phân khúc condotel tiếp tục sụt giảm nhẹ 1% về nguồn cung sơ cấp, nguồn cung mới gần như không xuất hiện. Thanh khoản trì trệ, không ghi nhận giao dịch nào trong tháng qua. Quảng Nam và TP. Đà Nẵng chiếm tới 93% tổng nguồn cung khu vực. Dù giá bán sơ cấp ổn định và được chủ đầu tư áp dụng nhiều ưu đãi như chia sẻ lợi nhuận, doanh thu… nhưng thanh khoản vẫn chưa cải thiện. Việc thiếu khung pháp lý rõ ràng, kết hợp với niềm tin sụt giảm, đang là rào cản lớn khiến thị trường condotel tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong ngắn hạn.