Thị trường bất động sản 2023 vẫn còn nhiều thách thức

Sau thời gian yên ắng vì đại dịch, thị trường bất động sản (BĐS) TP.Hồ Chí Minh nhận được nhiều kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, trước nhiều thách thức xảy ra với nền kinh tế thế giới và trong nước đã khiến thị trường rơi vào trạng thái “đóng băng”.

Mặt bằng chung một số phân khúc BĐS ở TP.Hồ Chí Minh

Thế giới hiện nay đang “đau đầu” với vấn đề lạm phát, tuy nhiên ở Việt Nam ghi nhận mức độ lạm phát vẫn nằm trong dự tính và tầm kiểm soát của Nhà nước. Tốc độ đô thị hóa đạt tỷ lệ cao, BĐS vẫn có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.

Việt Nam có ưu thế về lực lượng lao động phong phú, đời sống xã hội ngày được cải tiến. Rất nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã tăng cường đầu tư vào thị trường Việt Nam. Giữa bối cảnh tiếp cận nguồn vốn khó khăn thì nguồn vốn FDI rót vào thị trường trở thành điểm sáng hy vọng cho lĩnh vực BĐS.

Đối với phân khúc BĐS công nghiệp tại TP.HCM, giá thuê hiện tại đã tăng lên mức 300 USD/m2/chu kỳ thuê, nhu cầu thuê luôn ở mức cao, hầu hết đều được lắp đầy. Tại các tỉnh vùng ven thành phố như Long An, Bình Dương giá thuê ở mức khoảng 180 USD/m2/chu kỳ thuê nhưng nguồn cung lại khá hạn chế và nằm ở các khu vực xa trung tâm thành phố. Có thể thấy việc đầu tư vào các sản phẩm BĐS công nghiệp như nhà xưởng, nhà kho, logistics, data centers… đã trở thành tâm điểm đầu tư.

Ở phân khúc văn phòng cho thuê, nguồn cung càng thiếu hụt nghiêm trọng hơn, chỉ đạt khoảng 2,5 triệu m2. Điều này gây khó khăn trong việc tìm kiếm sản phẩm văn phòng cho thuê có diện tích lớn và chất lượng. Phân khúc BĐS văn phòng ở Việt Nam rất phát triển, tỷ lệ lấp đầy đạt 93% trên toàn bộ thị trường và văn phòng hạng A lên đến 97%.

Đối với phân khúc khách sạn, đầu năm 2022 là thời diểm phục hồi sau thời gian khó khăn vì dịch bệnh, đặc biệt phát triển nhờ vào hình thức du lịch MICE. Mặc dù chưa khởi sắc hoàn toàn như mong muốn nhưng phân khúc khách sạn vẫn đang trên đà phát triển tốt.

Thị trường bất động sản 2023 vẫn còn nhiều thách thức - Ảnh 1

Hy vọng từ vốn FDI

Theo Savills Việt Nam, hiện tại đang là thời điểm các nhà đầu tư trong nước gặp phải khá nhiều khó khăn số lượng giao dịch tụt dốc do tâm lý người dân trở nên e dè hơn khi xuống tiền mua đất, mua nhà khiến thanh khoản BĐS giảm, vướng mắt về thủ tục pháp lý khiến nhiều dự án mới không được triển khai, tiếp cận nguồn vốn khó khăn nhiều dự án không thể tiếp tục quá trình xây dựng vì thiếu hụt dòng tiền. Hơn nữa, chi phí nguyên vật liệu đầu vào và phí xây dựng đắt do lạm phát khiến việc kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp ngày càng đi xuống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thị trường BĐS.

Ngoài ra, vấn đề nguồn cung giữa BĐS cao cấp và BĐS giá rẻ vẫn có sự chênh lệch khá lớn. Khi thị trường đang thiếu hụt những phân khúc “vừa túi tiền” dẫn đến việc cung không đáp ứng đủ cầu.

Tuy nhiên, trái ngược với tình hình khó khăn của các nhà đầu tư trong nước, thị trường BĐS Việt Nam lại nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài ở hầu hết mọi phân khúc. Kinh doanh BĐS là lĩnh vực đứng thứ hai thu hút được vốn đầu tư nước ngoài với hơn 3,5 tỷ USD trong 9 tháng, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Bên cạnh đó, BĐS vẫn là lĩnh vực quan trọng đối với thị trường M&A, nhiều giao dịch đã diễn ra với các đối tác nước ngoài. Giữa bối cảnh tín dụng chảy vào BĐS bị siết chặt thì sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài cùng với nguồn vốn FDI được hy vọng sẽ hóa giải cơn khát vốn mà thị trường đang gặp phải.

Mặt khác, đối với phân khúc nhà ở, số lượng dự án để mở rộng nguồn cung ở TP.HCM vẫn còn khá hạn chế. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng giao thông ở vùng ngoại ô liên kết với các tỉnh thành vùng ven được chú trọng đầu tư trở thành bước đệm tích cực cho thị trường nhà ở lân cận thành phố, với mức giá phù hợp tạo thêm sự lựa chọn cho người dân có nhu cầu mua nhà ở thực cũng như những nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường trong thời gian này.

Nguyên Ngọc

Theo Kinh doanh và Phát triển