Thị trường BĐS TP. HCM đón tin mừng: Doanh thu hơn 173.000 tỷ, tín dụng khởi sắc
Kinh doanh bất động sản tại TP. HCM đã tăng trưởng dương từ đầu năm cho đến nay, quý sau cao hơn quý trước và vượt trội so với cùng kỳ năm 2023.
Cục Thống kê TP. HCM cho biết, trong 8 tháng qua, doanh thu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản của thành phố đã tăng trưởng dương với con số ước đạt 173.004 tỷ đồng, tương đương gần 7 tỷ USD. Từ mức tăng 2,51% trong quý I/2024, kinh doanh bất động sản tại thành phố đông dân nhất cả nước đã lên mức 2,94% trong quý II/2024 và đạt 6,1% trong 8 tháng qua so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 8 tháng qua, số lượng doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đối với bất động sản có 958 doanh nghiệp và vốn đăng ký đạt 37.432 tỷ đồng, giảm 2,3% về số lượng cấp phép so với cùng kỳ và giảm 8,6% về vốn.
Trong tháng 7, doanh thu lĩnh vực bất động sản ước đạt 148.251 tỷ đồng, tăng trưởng 6,1% so với 7 tháng năm 2023.
Đáng chú ý, năm ngoái, tăng trưởng kinh doanh bất động sản tại TP. HCM là -6,38%, nhưng từ quý I/2024 đến nay đã tăng trưởng dương, quý sau tăng cao hơn quý trước.
Về tín dụng, theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM, 7 tháng vừa qua tín dụng chung trên địa bàn tăng 3,9%, tuy nhiên tốc độ tăng của tín dụng bất động sản lên đến 5,5%. Tín dụng bất động sản tăng cao hơn mức tăng tín dụng chung trên địa bàn. Trong đó tín dụng nhà ở chiếm tỷ trọng cao nhất với khoảng 57% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn.
Dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt 2.543 tỷ đồng, tăng 78% so với cuối năm. Nguyên nhân là trong 7 tháng đầu năm, các ngân hàng đã tăng cường giải ngân cho vay các dự án nhà ở xã hội. Trong đó, ngân hàng giải ngân cho vay từ gói 120.000 tỷ đồng đạt 170 tỷ đồng với dự án nhà ở cho công nhân thuê tại TP. Thủ Đức.
Tuy nhiên theo ông Lệnh, tín dụng bất động sản chủ yếu là cho vay trung và dài hạn, có thời gian dài. Do đó, cần tuân thủ nghiêm các quy định về tín dụng, về mục đích sử dụng vốn vay và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp để bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng qua, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,40 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,27 tỷ USD. Cả nước có 3.155 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới và 814 doanh nghiệp bất động sản giải thể trong 8 tháng qua.
Theo các chuyên gia, có 2 yếu tố giúp doanh thu nhà đất TP. HCM có những con số khả quan. Thứ nhất là nhờ hành lang pháp lý khi từ ngày 1/8/2024, các Luật liên quan đến bất động sản chính thức có hiệu lực. Các dự án gặp vướng mắc cũng đã dần được tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý và tạo được niềm tin cho người mua nhà.
Thứ hai là nhờ trợ lực từ vốn đầu tư công đang được TP. HCM tập trung đẩy mạnh. Trong báo cáo 8 tháng đầu năm, Cục Thống kê TP. HCM cũng đã đưa ra đánh giá Luật Đất đai có hiệu lực từ tháng 8 sẽ tác động tích cực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực đất đai và đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng của các dự án trong thời gian tới.
Cùng với đó, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong những tháng cuối năm 2024.