Tin bất động sản hôm nay ngày 18/10: VSIP Group đầu tư dự án khu công nghiệp gần 300ha ở Cần Thơ
VSIP Group đầu tư dự án khu công nghiệp gần 300ha ở Cần Thơ; Sẽ thu hồi khu đất 'vàng' của công ty May Hai; Thanh Hóa cho phép thực hiện Dự án Khu công nghiệp Đồng Vàng; Long An đầu tư 16 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Đất đấu giá ở nhiều địa phương bị “ế” là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 18/10.
VSIP Group đầu tư dự án khu công nghiệp gần 300ha ở Cần Thơ
Tập đoàn Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP Group) vừa nhận Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư để phát triển dự án khu công nghiệp (giai đoạn 1) tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ có quy mô gần 300ha.
Được biết, theo quy hoạch khu công nghiệp Vĩnh Thạnh có tổng quy mô khoảng 900ha, tuy nhiên giai đoạn đầu chỉ giao chủ đầu tư 293,7ha. Đây sẽ là khu công nghiệp đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được phát triển và vận hành bởi VSIP Group - tập đoàn phát triển khu công nghiệp lớn nhất ở Việt Nam hiện nay.
Dự án khi đi vào hoạt động tạo thêm nhiều công ăn việc làm, góp phần thủ đẩy sự phát triển của TP. Cần Thơ, đưa thành phố trở thành trung tâm thương mại và dịch vụ của khu vực ĐBSCL vào năm 2030.
Tập đoàn khu công nghiệp Việt Nam – Singapore là liên doanh giữa Tập đoàn Sembcorp (Singapore) và Tổng công ty Becamex IDC (Việt Nam). Khu công nghiệp mang thương hiệu VSIP đầu tiên được thành lập ở Bình Dương vào năm 1996.
Đến nay, VSIP trở thành thương hiệu phát triển hàng đầu khu công nghiệp ở Việt Nam với 11 dự án tại nhiều tỉnh thành như Bình Dương, Nghệ An, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ngãi….
Các khu công nghiệp VSIP thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, tạo ra khoảng gần 300.000 việc làm cho người lao động.
Sẽ thu hồi khu đất 'vàng' của công ty May Hai
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng Lê Anh Quân vừa có cuộc làm việc với Công ty Cổ phần May Hai về việc thu hồi khu đất 72 tại phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng.
Trên cơ sở các ngành đã tổng hợp rà soát, thành phố xác định khu đất 72 Lạch Tray đã hết hạn hợp đồng 15 năm, và khu đất này không đưa vào giá trị cổ phần hoá của công ty. Hiện, công ty vẫn còn nhiều địa điểm khác để tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Phó Chủ tịch Thường trực cũng nhấn mạnh, năm 2007, khi xin cấp đổi gia hạn cho thuê, Công ty đã được thông báo khu đất nằm trong quy hoạch không phù hợp cho việc sử dụng để sản xuất kinh doanh. Do đó, đề nghị doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện việc chuyển đổi cho người lao động và giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện Quyết định của thành phố theo đúng trình tự thủ tục của Nhà nước.
Ngày 10/8/2022, UBND TP Hải Phòng ban hành Quyết định số 2592/QĐ-UBND thu hồi đất của Công ty May Hải Phòng (nay là Công ty Cổ phần May Hai) tại phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền.
Trong đó, thu hồi 6.462,5 m2 đất do Công ty May Hải Phòng (nay là Công ty Cổ phần May Hai) đang quản lý, sử dụng tại phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G393762 do UBND thành phố cấp ngày 06/9/1997, thời hạn sử dụng đất 10 năm, kể từ 08/9/1997 đến 08/9/2007) theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 65 Luật Đất đai năm 2013 (đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn).
Thanh Hóa: Cho phép thực hiện Dự án Khu công nghiệp Đồng Vàng
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ra Văn bản số 3242/QĐ-UBND cho phép thực hiện dự án Khu công nghiệp Đồng Vàng do Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát – CTCP làm chủ đầu tư.
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hoá cho phép Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát – CTCP thực hiện Dự án Khu công nghiệp Đồng Vàng tại Khu kinh tế Nghi Sơn và cập nhật vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2022, tại thị xã Nghi Sơn, tổng nhu cầu diện tích sử dụng đất là 491,9ha.
Liên quan đến Dự án Khu công nghiệp Đồng Vàng, tại Quyết định số 362/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đồng ý chủ trương đầu tư dự án tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày 18/3/2022. Dự án được triển khai tại xã Tân Trường, xã Phú Lâm và xã Tùng Lâm, thị xã Nghi Sơn, (thuộc một phần phân khu công nghiệp số 15 - Khu kinh tế Nghi Sơn) có quy mô gần 492ha với tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng. Quá trình triển khai không quá 48 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.
Long An đầu tư 16 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân
UBND tỉnh Long An phê duyệt chủ trương đầu tư 16 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; trong đó có 4 dự án đã đi vào hoạt động, các dự án còn lại đang triển khai.
Theo UBND tỉnh Long An, hiện nay UBND tỉnh này đã phê duyệt chủ trương đầu tư 16 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Trong đó, có 4 dự án đã đi vào hoạt động gồm: Khu lưu trú công nhân Long Hậu thuộc Khu công nghiệp Long Hậu có diện tích sàn 38.230m2; số căn hộ 594 căn, số người được bố trí 1.600 người; Khu nhà ở công nhân Đông Quang thuộc Khu công nghiệp Hải Sơn, diện tích sàn 7.332m2, số căn hộ 522 căn, số người được bố trí 1.700 người; Khu nhà ở xã hội Tân Đức có diện tích sàn 14.361,88m2, số căn hộ 458 căn, số người được bố trí 1.850 người; Khu nhà ở xã hội của CTCP Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp và Đô thị Long An gồm 98 căn và 20.000 căn nhà trọ, quy mô 300.000m2, bố trí cho khoảng 35.000 công nhân lao động. Các dự án này mới chỉ đáp ứng khoảng 19% so với nhu cầu, các dự án còn lại đang triển khai.
Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Long An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2962/QĐ-UBND ngày 24/8/2020, trong đó định hướng nhu cầu phát triển nhà ở xã hội cho công nhân đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới.
Cụ thể, trong giai đoạn 2020-2025, phấn đấu đầu tư xây dựng khoảng 194.000 m2, tương ứng với 4.848 căn (mỗi căn khoảng 40 m2), đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng 40% công nhân có khó khăn về nhà ở. Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu đầu tư xây dựng 291.000 m2, tương ứng với 7.272 căn (mỗi căn khoảng 40 m2), đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng 60% công nhân có khó khăn về nhà ở.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Long An, hiện Long An triển khai lập đề án để huy động, kêu gọi các nguồn lực đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; qua đó phấn đấu đầu tư xây dựng hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân lao động khó khăn về nhà ở.
Đất đấu giá ở nhiều địa phương bị “ế”
Trong năm 2020-2021 và giữa năm nay, nhiều phiên đấu giá đất ở không ít địa phương đều đạt mức giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Nhưng đến nay, khi thị trường BĐS chững lại, các phiên đấu giá cũng trở nên kém hấp dẫn hơn, thậm chí nhiều tỉnh có hiện tượng ế khách.
Mới đây, tại Bắc Giang, kết thúc phiên đấu giá quyền sử dụng 118 thửa đất ở thuộc khu dân cư tại các xã Quang Châu, Việt Tiến và thị trấn Bích Động, chỉ 85 thửa đất có khách hàng trả giá với mức trúng hơn 200 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm gần 59,5 tỷ đồng.
Còn lại 32 thửa đất không có khách hàng trả giá và 1 thửa đất có người trả giá nhưng không đủ điều kiện. Do đó, các thửa đất này sẽ lại được đưa vào đấu giá thời gian tới.
Trước đó, phiên đấu giá 90 thửa đất ở tại Khu đô thị Đồng Chủ - Đồng Cầu, thị trấn Cao Thượng cũng có một thửa không có khách trả giá, còn lại 89 thửa đất có khách hàng trả giá với tổng giá trúng 152 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm 32 tỷ đồng.
Thửa đất có giá trúng cao nhất là gần 2,94 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với giá khởi điểm. Trong đó, thửa có mức chênh lệch cao nhất so với giá khởi điểm là hơn 880 triệu đồng.
Đáng chú ý, tại Hà Nội - địa phương có nhiều phiên đấu giá đất được nhà đầu tư trả cao gấp 5 lần so với giá khởi điểm, từ tháng 8 vừa qua, các phiên đấu giá ở các huyện Mê Linh, Đông Anh không còn ghi nhận mức trả giá cao, có phiên đấu giá ế không có khách trả giá.
Bên cạnh đó, tình trạng người đấu giá không đóng tiền dẫn tới phải hủy kết quả đấu giá cũng diễn ra khá phổ biến thời gian gần đây tại nhiều địa phương.
Tại Hải Dương, tính từ đầu năm đến khoảng đầu tháng 9, huyện Kim Thành đã hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng 50 thửa đất với tổng diện tích trên 6.400m2 tại vị trí quy hoạch dân cư mới thuộc các xã Phúc Thành, Kim Tân và Ngũ Phúc với tổng số tiền hủy gần 135 tỷ đồng.
Nguyên nhân là khách hàng đã trúng đấu giá nhưng không nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Do đó, huyện Kim Thành đã hoàn tất các thủ tục theo quy định, lựa chọn đơn vị để tổ chức thực hiện đấu giá lại.
Tương tự, cuối tháng 8, UBND TP Pleiku đã hủy kết quả trúng đấu giá đối với 11 người đấu trúng 29 lô trong đợt đấu giá 104 thửa đất tại khu quy hoạch chi tiết khu dân cư phường Chi Lăng hồi tháng 3 vì không nộp tổng số tiền 30 tỷ đồng theo quy định.
Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội - cho rằng, chuyện thổi giá đất thông qua đấu giá nhằm kéo giá trong khu vực không còn mới.
"Việc giá đất đấu giá tăng nhưng chưa nộp hết tiền sang tên thì chưa thể cho là giao dịch thành công để thiết lập mặt bằng giá mới trong khu vực. Thời gian qua, câu chuyện đấu giá đất trả cao nhằm kích giá khu vực đã diễn ra nhiều, cuối cùng thì lại bỏ cọc. Tôi cho rằng, ở đây có dấu hiệu tăng giá ảo khi giao dịch không có nhưng giá vẫn tăng", ông Điệp nói.