Tin bất động sản hôm nay ngày 17/10: HoREA đề nghị điều chỉnh thời hạn sử dụng đất với dự án 'đắp chiếu'

HoREA đề nghị điều chỉnh thời hạn sử dụng đất với dự án 'đắp chiếu'; Quảng Bình tìm nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị sinh thái hơn 800 tỷ đồng; Dừng hoạt động 37 dự án trong khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM; 8 KCN mới có tổng diện tích hơn 8.200ha tại Đồng Nai vẫn chưa được triển khai; Đề xuất xây dựng loạt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hơn 1.420 tỷ đồng là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 17/10.

HoREA đề nghị điều chỉnh thời hạn sử dụng đất với dự án 'đắp chiếu'

Trong văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần cho phép điều chỉnh thời hạn sử dụng đất theo nhu cầu của người sử dụng đất, sao cho vẫn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện về môi trường.

Theo ông, điều này đặc biệt có ý nghĩa với các dự án bị ngưng trệ nhiều năm. Thời gian qua, hàng loạt dự án bất động sản, nhà ở thương mại của các chủ đầu tư yếu kém bị "đắp chiếu", "trùm mền" đã được các doanh nghiệp mua và tái khởi động, điển hình là Novaland với 30 dự án và Hưng Thịnh với 10 dự án.

"Tuy nhiên do thời hạn sử dụng đất chỉ còn lại khoảng trên dưới 40 năm nên chủ đầu tư nhận chuyển nhượng dự án bị thua thiệt khi tái khởi động các dự án này", ông Châu nhìn nhận.

Vị này góp ý thêm, nếu có quy định điều chỉnh thời hạn sử dụng đất lên đủ 50 năm, các chủ đầu tư mới này sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đối với thời hạn được điều chỉnh.

Lấy dẫn chứng từ dự án Saigon One Tower (quận 1, TP.HCM) được UBND TP.HCM giao đất từ năm 2008, sau đó bị thế chấp và trở thành nợ xấu, được VAMC thu giữ và đưa ra đấu giá năm 2019, ông cho biết thời hạn sử dụng đất lúc này chỉ còn 39 năm.

"Nếu có quy định điều chỉnh thời hạn sử dụng đất lên đủ 50 năm, giá khởi điểm để đấu giá chắc chắn sẽ cao hơn mức 6.110 tỷ đồng khi đó, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước", ông nhấn mạnh.

Do đó, song song với việc cho phép điều chỉnh thời hạn sử dụng đất theo nhu cầu của người sử dụng, Chủ tịch HoREA đề xuất người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đối với thời gian sử dụng đất được điều chỉnh. Các quy định này cần được bổ sung, chỉnh sửa cho thống nhất, đồng bộ giữa các điều khoản trong Luật Đất đai (sửa đổi).

Cũng trong văn bản này, HoREA kiến nghị bổ sung trở lại quy định thời hạn giao đất cho chủ đầu tư được xác định theo thời hạn của dự án đối với dự án kinh doanh nhà ở. Đồng thời, người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài.

Theo ông Lê Hoàng Châu, đây là căn cứ để giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà tại các dự án nhà ở thương mại, bao gồm dự án chung cư.

Quảng Bình tìm nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị sinh thái 812 tỷ đồng

UBND tỉnh Quảng Bình vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị sinh thái ven sông phía Tây Bắc đường Lê Lợi; dự án được thực hiện tại phường Đức Ninh Đông và Nam Lý, TP. Đồng Hới với diện tích 30,5 ha; hình thức lựa chọn nhà đầu tư qua đấu thầu; thời gian hoạt động của dự án trong vòng 50 năm (kể từ ngày nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất).

Dự án có mục tiêu hiện thực hóa Quy hoạch phân khu Khu vực phát triển đô thị , chương trình, kế hoạch phát triển  nhà ở, quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt (Quy hoạch phân khu phát triển đô thị phía Tây Bắc đường Lê Lợi, tỷ lệ 1/2000 đã được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt tại Quyết định số 1774 ngày 25/4/2019); hình thành khu đô thị mới, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân…

Sơ đồ tổ chức không gian cảnh quan Quy hoạch phân khu khu vực phát triển đô thị phía Tây Bắc đường Lê Lợi, TP. Đồng Hới.  
Sơ đồ tổ chức không gian cảnh quan Quy hoạch phân khu khu vực phát triển đô thị phía Tây Bắc đường Lê Lợi, TP. Đồng Hới.  

Về ranh giới, dự án có phía Bắc giáp với đường Nguyễn Đang Tuân, Nguyễn Văn Cừ và khu dân cư cũ; phía Nam giáp khu vực quy hoạch công viên cây xanh; phía Đông giáp đất nhóm nhà ở; phía Tây giáp đường sắt Bắc – Nam.

Về sản phẩm nhà ở, dự án có tổng số các loại nhà là 490 căn gồm xây thô, hoàn thiện mặt ngoài 106 căn (cao 3 tầng, tổng diện tích sàn 47.460 m2); nhà đầu tư được chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở theo mẫu thiết kế được duyệt 384 căn tại các lô đất (diện tích đất ở 65.370 m2).

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu quỹ đất phát triển nhà ở xã hội với diện tích 22.513 m2, trong quá trình lập quy hoạch chi tiết, thiết kế dự án phải đảm bảo diện tích đất dành để phát triển nhà ở xã hội chiếm khoảng 20% tổng diện tích đất của dự án.

Dự án Khu đô thị sinh thái ven sông phía Tây Bắc đường Lê Lợi có vốn đầu tư sơ bộ khoảng 812 tỷ đồng (trong đó chi phí thực hiện khoảng 742 tỷ đồng); nhà đầu tư thực hiện dự án phải có vốn sở hữu ít nhất 15% vốn đầu tư dự án (121,8 tỷ đồng).

Nhà đầu tư thực hiện dự án cần hoàn thành các thủ tục liên quan về đất đai, xây dựng, khởi công dự án trong quý IV/2023; hoàn thành xây dựng cơ bản, đưa dự án vào khai thác vận hành trong năm 2026.

Dừng hoạt động 37 dự án trong khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM

Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN - KCX) TP.HCM (Ban quản lý) vừa có báo cáo về kết quả hoạt động chín tháng đầu năm và kế hoạch đến cuối năm 2022.

Theo đó, trong chín tháng đầu năm, báo cáo cho biết ở các KCN - KCX TP.HCM đã chấm dứt hoạt động 37 dự án (17 dự án nước ngoài với vốn đầu tư 61,4 triệu USD; 20 dự án trong nước với vốn đầu tư hơn 2.625 tỉ đồng).

Ngoài ra, Ban quản lý đã làm việc với các nhà đầu tư vi phạm về lĩnh vực đầu tư, chuyển thanh tra Sở KH&ĐT TP xử lý 15 trường hợp vi phạm, trong đó Sở KH&ĐT đã ban hành quyết định xử phạt hai trường hợp.

Nhằm xây dựng và triển khai Kế hoạch 759 ngày 30-3 về kiểm tra tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong KCX - KCN, cơ quan chức năng đã tập trung kiểm tra các doanh nghiệp (DN) hoạt động nhưng chưa thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư theo quy định.

Theo đó, trong chín tháng đầu năm, Ban quản lý đã kiểm tra 26 DN. Ban quản lý đang xem xét, lập hồ sơ để chuyển thanh tra Sở KH&ĐT TP xử lý những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Ban quản lý cho biết tổng vốn đầu tư thu hút được trong chín tháng đầu năm nay đạt hơn 422 triệu USD (đạt 84,47% kế hoạch), tăng 3,05% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, quỹ đất thu hút đầu tư còn hạn chế, thiếu quỹ đất phục vụ cho thu hút đầu tư do các KCN hiện hữu dần lắp đầy hoặc đang gặp vướng mắc về xác định giá thuê đất với Nhà nước, hoặc chưa hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Đồng Nai: 8 KCN mới có tổng diện tích hơn 8.200ha chưa được triển khai

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai mới đây đã có buổi làm việc với các sở ngành, địa phương nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai của 8 KCN trên địa bàn.

Theo đó, 8 KCN này bao gồm Cẩm Mỹ, Gia Kiệm, Phước Bình, Phước Bình 2, Long Đức giai đoạn 2, Long Đức 3, Bàu Cạn- Tân Hiệp, Xuân Quế- Sông Nhạn.

Được biết, những KCN trên đều năm trong quy hoạch KCN Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt nhưng đến nay chưa triển khai. Nguyên nhân, do vướng mắc các thủ tục đầu tư, xử lý đất cao su, đất rừng, xác định đấu giá, đấu thầu, quy hoạch phân khu…

Đồng Nai hiện có 8 KCN nằm trong quy hoạch nhưng chưa được thành lập.  
Đồng Nai hiện có 8 KCN nằm trong quy hoạch nhưng chưa được thành lập.  

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, 8 KCN trên với tổng quy mô diện tích hơn 8.200ha cần sớm được Chính Phủ, Bộ ngành tháo gỡ vướng mắc để sớm triển khai. Hiện nay, tỉ lệ lấp đầy của các KCN ở Đồng Nai đã đạt 86%, phần diện tích còn lại không nhiều, trong khi nhu cầu thuê đất của doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn rất lớn.

Được biết, trong số 40 KCN đã được phê duyệt quy hoạch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hiện có 32 KCN đã được thành lập với tổng diện tích đất hơn 10,2 ngàn ha, bao gồm: 31 KCN đi vào hoạt động và 1 KCN trong giai đoạn thu hồi đất, chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng (KCN công nghệ cao Long Thành). Hiện nay, trong 32 KCN đã thành lập, tổng diện tích đất cho thuê là hơn 5,4 ngàn ha, chiếm tỷ lệ hơn 81% diện tích đất dành cho thuê.

Đồng Nai là một trong những “thủ phủ” khu công nghiệp của cả nước. Với lợi thế hạ tầng phát triển, hệ thống cảng biển, và sắp tới là sân bay quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu… giúp địa phương này thu hút mạnh vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Theo thống kê trong 8 tháng đầu năm 2022, vốn FDI của Đồng Nai đạt khoảng 656 triệu USD. Trong đó, gồm 28 dự án cấp mới với vốn đăng ký trên 343 triệu USD và 57 dự án tăng vốn bổ sung 313 triệu USD.

Tính lũy kế đến hết ngày 22/8/2022, tỉnh Đồng Nai có 1.545 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn 32,74 tỉ USD.

Đề xuất xây dựng loạt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hơn 1.420 tỷ đồng

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước về tổng hợp các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ (đợt 3) được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa với 6 dự án được đề xuất đều tại khu vực thành phố Thanh Hóa gồm: Dự án nhà ở xã hội tại Khu dân cư Đông Nam - Khu đô thị Đông Phát (Tân Thành ECO2) xây dựng 405 căn hộ, có nhu cầu vay 100 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư 370 tỷ đồng.

Dự án nhà ở xã hội thôn Bào Ngoại, phường Đông Hương với 569 căn hộ, có tổng mức đầu tư gần 390 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vay vốn đề xuất là 30 tỷ đồng.

Dự án nhà ở xã hội tại phường Quảng Thắng, có quy mô 552 căn hộ, nhu cầu vốn vay 200 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư dự kiến là 500 tỷ đồng.

Dự án nhà ở xã hội AMCI tại phường Quảng Thành với 900 căn hộ, có nhu cầu vay vốn 350 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư gần 530 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa đề xuất 2 dự án nhà ở dành cho công nhân gồm: Nhà ở công nhân Khu công nghiệp và đô thị Hoàng Long, với quy mô 500 căn hộ có mức đầu tư 450 tỷ đồng và đề xuất được vay 200 tỷ đồng; Dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại khu vực phía Đông - Khu công nghiệp Lễ Môn với gần 1.400 căn hộ, có tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng và nhu cầu vay 400 tỷ đồng.

Tại Lạng Sơn, dự án nhà ở xã hội số 2 xây dựng tại thành phố Lạng Sơn với 796 căn, có tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn 100 tỷ đồng.

Phú Thọ với dự án Khu nhà ở và dịch vụ Khu công nghiệp Thụy Vân có 671 căn hộ, tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng và dự kiến vay 30 tỷ đồng.

Đắk Lắk đề xuất vay 10 tỷ đồng để thực hiện dự án nhà ở xã hội tại khối 6, phường Khánh Xuân, với 67 căn hộ, có tổng mức đầu tư 29 tỷ đồng.

Trước đó, qua xét duyệt đợt 1, đợt 2 của Bộ Xây dựng, đã có 15 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ được UBND cấp tỉnh đề xuất gần 6.100 tỷ đồng, gồm Lào Cai, Hòa Bình, Tây Ninh, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định.

Như vậy, tính đến nay, cả nước đã có 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ được Bộ Xây dựng xác định đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống