Tin bất động sản nổi bật trong tuần: Mê Linh tái khởi động 6 dự án đô thị nghìn tỷ; Đấu giá đất Thủ Thiêm làm nóng nghị trường Quốc hội
Trong tuần đầu tiên của năm 2022, thị trường bất động sản ghi nhận nhiều thông tin đáng chú ý như: Mê Linh tái khởi động 6 dự án đô thị nghìn tỷ sau 10 năm đắp chiếu; Hà Nội tổng rà soát dự án nhà ở, KĐT bỏ hoang; Đấu giá “đất vàng” Thủ Thiêm và việc phát hành TPDN làm nóng nghị trường Quốc hội...
Rà soát dự án bất động sản bỏ hoang khi sáp nhập vào Hà Nội
Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định 5490 về việc thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở, KĐT mới trên địa bàn thành phố.
Theo đó, phạm vi, đối tượng kiểm tra, rà soát là các dự án khu nhà ở, KĐT mới được giao triển khai từ trước ngày 1/8/2008, được chuyển tiếp từ các tỉnh Hà Tây (trước đây), Hòa Bình, Vĩnh Phúc về TP.Hà Nội sau khi hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính do nhà đầu tư đề xuất tiếp tục thực hiện.
Tổ công tác có trách nhiệm tập hợp đầy đủ hồ sơ của từng dự án; phân loại các dự án. Trên cơ sở kiểm tra, rà soát, đánh giá về các nội dung cụ thể: Thời hạn, hiệu lực các văn bản pháp lý liên quan của các dự án; nguồn gốc đất, hiện trạng quản lý, sử dụng đất; sự tuân thủ quy định pháp luật về quy hoạch, kiến trúc của các dự án; thủ tục cần hoàn thiện quy hoạch, kiến trúc theo quy định hiện hành; sự tuân thủ quy định của pháp luật về nhà ở; sự tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý đất đai khi thực hiện dự án.
Lâm Đồng kiểm tra thông tin dự án The Tropicana Garden 1&2 phá rừng
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản số 2762/SXD-TTr gửi các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở Kế hoạch và Đầu tư; UBND huyện Bảo Lâm về việc kiểm tra, xử lý thông tin liên quan đến dự án “ma” và phá rừng tại xã B'lá, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.
Cụ thể, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng sẽ chủ trì, phối hợp với các sở và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh nội dung thông tin trên báo chí phản ánh về dự án “ma” The Tropicana Garden 1&2; xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Đồng thời yêu cầu UBND huyện Bảo Lâm chỉ đạo các đơn vị liên quan và chính quyền xã B’lá phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của tỉnh trong quá trình kiểm tra, xác minh vụ việc trên. Đồng thời xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc này nhằm thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng về kiểm tra, xử lý thông tin liên quan đến dự án "ma" và phá rừng tại huyện Bảo Lâm.
Theo đó, ngày 4/1, các thành phần tham gia tập trung tại UBND xã B’Lá, huyện Bảo Lâm để họp triển khai, sau đó tiến hành kiểm tra thực tế hiện trạng “dự án The Tropicana Garden 1&2” và tổng hợp lập biên bản thống nhất kết quả kiểm tra tại UBND huyện Bảo Lâm (dự kiến 2 ngày làm việc).
Đấu giá “đất vàng” Thủ Thiêm và việc phát hành TPDN làm nóng nghị trường Quốc hội
Chiều 4/1 vừa qua, thảo luận tại tổ Quốc hội về gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc huy động trái phiếu doanh nghiệp có lỗ hổng nên Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 163 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Đối với những doanh nghiệp thua lỗ, nợ xấu, không đủ điều kiện phát hành sẽ tăng điều kiện phát hành, tránh làm nhiễu loạn thị trường, chiếm dụng vốn của nhà đầu tư. Đồng thời, tăng cường cảnh báo, kiểm tra, siết lại để lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, vì nhiều trường hợp, vốn vay gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn. Chẳng hạn, đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường. Về hiện tượng đấu giá đất Thủ Thiêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định, mức giá này là không phù hợp, không thực khi giao dịch đột biến tăng gấp vài lần.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính với trách nhiệm của mình sẽ kiểm tra những doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán, còn quản lý nhà nước về đất đai là Bộ Tài nguyên Môi trường, kể cả vấn đề giá đất.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng phát biểu, việc đấu giá 1m2 đất ở Thủ Thiêm mà 2,4 tỷ đồng là trường hợp "chưa bao giờ xảy ra". Hiện Quốc hội và Chính phủ đang giao các cơ quan nghiên cứu động thái này xem có bất thường hay không.
Theo đó, Viện Kinh tế Xanh cho rằng giá trúng đấu giá không phải do Nhà nước quy định mà thực ra đây là “giá đấu” do các doanh nghiệp đưa ra và Nhà nước công nhận giá cao nhất. Nhà nước không có vai trò định giá trúng đấu giá mà chỉ có vai trò công nhận giá cao nhất của doanh nghiệp trúng đấu giá.
Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nêu ra những yếu tố bất lợi từ thương vụ đấu giá đối với thị trường bất động sản. Trong đó nhấn mạnh mức giá này không phù hợp với thực tiễn của thị trường bất động sản, đất đấu giá lập đỉnh có thể trở thành "dao hai lưỡi" vừa thiệt hại cho người tiêu dùng vừa có nguy cơ khiến hàng tồn kho tăng cao…
Mê Linh tái khởi động 6 dự án đô thị nghìn tỷ sau 10 năm đắp chiếu
Theo thông tin từ UBND Huyện Mê Linh (Hà Nội), sau khi các Sở, ngành và các cơ quan liên quan vào cuộc tháo gỡ khó khăn cùng các chủ đầu tư dự án trên địa bàn huyện Mê Linh, dự kiến trong quý đầu năm 2022 Mê Linh sẽ “hồi sinh” 6 dự án, cơ bản hoàn thành các thủ tục để thực hiện khởi công, thu ngân sách lớn cho địa phương.
Cụ thể, sau khi kiểm tra rà soát trong tổng số 47 các dự án đô thị, có 6 Dự án đô thị chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành các thủ tục, chủ đầu tư cam kết dự kiến khởi công năm 2022, như vậy Nhà nước sẽ thu hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách,cụ thể các dự án: Dự án mở rộng khu nhà ở Minh Giang – Đầm Và (14,2ha), Dự án Khu nhà ở Minh Đức (17,1 ha), Dự án Khu nhà ở TDK (10,3 ha) tại xã Tiền Phong. Đáng chú ý là các chủ đầu tư các khu đô thị lớn cam kết sẽ thúc đẩy triển khai các dự án có quy mô rộng như: Dự án Khu đô thị mới CEO Mê Linh tại các xã Mê Linh, Đại Thịnh, Tráng Việt, Văn Khê (có diện tích 20,2 ha); Dự án Khu đô thị mới An Thịnh tại các xã Tiền Phong, Đại Thịnh, Thanh Lâm, Thị trấn Quang Minh (78,0 ha) và Dự án Khu đô thị mới Vinalines tại các xã Đại Thịnh, Thanh Lâm, Tráng Việt với quy mô (106,6 ha).
Dự kiến khi hoàn thành các thủ tục khởi công năm 2022, 6 dự án này sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương tiền sử dụng đất gần 4000 tỷ đồng.
Khởi tố vụ án hình sự tại dự án Mường Thanh Viễn Triều
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Khánh Hòa vừa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự ngày 6/1/2022 về "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" quy định tại khoản 3 Điều 229 Bộ luật Hình sự, xảy ra tại dự án khách sạn và căn hộ cao cấp OCEANUS (nay là Mường Thanh Viễn Triều có địa chỉ: khu Bãi Dương, phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) do Công ty CP đầu tư Viễn Triều Nha Trang (sau này sáp nhập vào Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh) làm chủ đầu tư.
Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định hoạt động cấp phép đầu tư dự án Khu phức hợp Thiên Triều (dự án khách sạn và căn hộ cao cấp OCEANUS) được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP đầu tư Thiên Triều nhưng không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là vi phạm quy định tại Điều 54 Luật Đầu tư năm 2005.
Đối với công tác giao đất, cho thuê đất, việc UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số: 2963/QD-UBND ngày 21/10/2015 (thay thế cho Quyết định số: 2744/QD-UBND ngày 01/10/2015) về việc thu hồi 22.340 m2 đất tại Bãi Dương, P. Vĩnh Phước, TP Nha Trang do Công ty CP đầu tư Thiên Triều sử dụng và cho Công ty CP đầu tư Viễn Triều Nha Trang thuê 22.340 m2 đất để thực hiện dự án Khách sạn và căn hộ cao cấp OCEANUS, không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đã vi phạm Điều 118 và Điều 169 Luật Đất đai năm 2013.
Cơ quan điều tra cũng xác định chịu trách nhiệm về các sai phạm nêu trên là một số lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa và Lãnh đạo các Sở, ngành trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành các quyết định nêu trên.