Tin nóng bất động sản tuần qua: Loạt dự án ‘ôm đất’ bỏ hoang tại Hà Nội vào tầm ngắm thu hồi
Loạt dự án tại Hà Nội vào tầm ngắm thu hồi, đề xuất tăng vốn đầu tư siêu dự án có casino ở Vân Đồn lên hơn 50.000 tỷ, cập nhật giá nhà đất tại Tây Nguyên, thêm 4.300 tỷ đồng ‘chảy qua’ khu đô thị Sài Gòn Bình An, dự án gần 280ha của Hòa Phát tại Quảng Ngãi có chuyển động mới, FLC ‘rót’ thêm 430 tỷ vào dự án Khu đô thị Tropical City tại Quảng Ninh, doanh nghiệp của tỷ phú Xuân Trường đề xuất làm dự án 2.000ha tại Hải Dương, tập đoàn Đèo Cả muốn làm cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu hơn 22.000 tỷ đồng,… là những thông tin được quan tâm nhất tuần qua.
‘Ôm đất’ bỏ hoang nhiều năm, loạt dự án tại Hà Nội vào tầm ngắm thu hồi
Vừa qua UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản về việc lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, rà soát, lập hồ sơ xử lý đối với các dự án đã được gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định của Luật Đất đai nhưng vẫn chưa đưa đất vào sử dụng đất.
Cụ thể, Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất của các đơn vị, tổ chức chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, đã được UBND TP Hà Nội gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định của Luật Đất đai, nhưng hết thời gian được gia hạn mà vẫn chưa đưa đất vào sử dụng đất.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND TP về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.
Qua rà soát có 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Trong đó, 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất; 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; 161 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai.
5.400 doanh nghiệp bất động sản mới ra đời
Dù dịch Covid-19 mang đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực, tuy nhiên, theo ông Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia, 9 tháng năm nay, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới vẫn tăng.
Cụ thể, có đến 5.400 doanh nghiệp mới ra đời. Bên cạnh đó, trong 8 tháng đầu năm, toàn doanh nghiệp Việt phát hành trái phiếu tới 399.000 tỉ đồng.
Trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm đến 35% lượng tiền trái phiếu phát hành (khoảng 108.000 tỷ đồng). Một kênh đầu tư tiếp theo là cổ phiếu, thị trường chứng khoán có 81 doanh nghiệp bất động sản.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, dù tính chung giao dịch bất động sản có giảm so với năm 2019, tuy nhiên đã có sự khởi sắc trong 6 tháng đầu năm nay.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Khởi cho hay, hiện nay, nhiều chính sách đang được các cơ quan chức năng đẩy mạnh để trợ lực cho thị trường bất động sản cuối năm. Đây sẽ là tín hiệu tốt cho cả người bán lẫn người mua.
Đề xuất tăng vốn đầu tư siêu dự án có casino ở Vân Đồn lên hơn 50.000 tỷ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) mới đây đã có văn bản gửi 10 bộ ngành xin ý kiến hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp Vân Đồn. Theo đó, ngày 1/9/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có tờ trình số 6075 gửi bộ này đề nghị thẩm định, trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trên.
Tờ trình nêu rõ, dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn sẽ được đổi tên thành Dự án Khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp Vân Đồn.
Vị trí thực hiện dự án casino Vân Đồn giữ nguyên tại xã Vạn Yên, thuộc Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, dự án có một số thay đổi lớn khác như giảm quy mô sử dụng đất xuống còn 390,61 ha (trước đây là 445,84 ha, giảm 55,23 ha); dự kiến tăng vốn đầu tư lên 50.365 tỷ đồng (trước đây là 46.595 tỷ đồng, tăng 3.770 tỷ đồng). Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh cũng đề xuất bổ sung hạng mục đầu tư đô thị, bỏ hạng mục đầu tư sân golf tại dự án nói trên.
Cập nhật giá nhà đất tại Tây Nguyên: Những khu vực từng ‘nóng ran’ nay đã hạ nhiệt
Tại Lâm Đồng, với tình hình kiểm soát dịch tốt, Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng vẫn là điểm an toàn. Theo bà Lê Thắm, Phó Giám đốc Tâm Real chi nhánh Đà Lạt, giá bất động sản Đà Lạt không có dấu hiệu đi xuống. Giá đất khu vực trung tâm dao động từ 200-500 triệu đồng/m2, bán kính 5-10km khu vực trung tâm, dao động từ 10-100 triệu đồng/m2. Đất nền tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà (những huyện có thông tin quy hoạch sáp nhập vào TP Đà Lạt mở rộng) đang được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Giá đất tại các khu vực vùng ven thành phố này dao động tầm 800 ngàn – 5 triệu đồng/m2 dành cho đất không thổ cư, có sổ hồng, đường bê tông, xe hơi; đất thổ cư có giá dao động từ 5 – 15 triệu đồng/m2.
Nhìn chung, thị trường bất động sản hiện nay sẽ đối diện với sức cầu giảm trên hầu hết các địa phương của khu vực và chỉ những sản phẩm đã hoàn chỉnh pháp lý, hạ tầng đồng bộ và giá cả hợp lý cộng với chính sách bán hàng ưu đãi tốt mới tạo được sự quan tâm của nhà đầu tư và khách hàng trong giai đoạn cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Dự báo trong quý 4/2021 và năm 2022, thị trường khu vực Tây Nguyên sẽ tiến triển theo hướng tích cực và khởi sắc.
Thêm 4.300 tỷ đồng ‘chảy qua’ khu đô thị Sài Gòn Bình An
Mới đây, với mục đích phục vụ M&A dự án KĐT Sài Gòn Bình An (Quận 2, TP Hồ Chí Minh), CTCP Osaka Garden đã công bố phát hành thêm 4.300 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 4/10.
Mục đích của đợt phát hành này, Oska Garden cho biết sẽ sử dụng số tiền thu thuộc từ việc chào bán và phát hành trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động, đồng thời thực hiện các chương trình, dự án đầu tư. Cụ thể, dự kiến sử dụng số tiền thu được để đặt cọc nhằm hướng tới nhận chuyển nhượng một phần dự án KĐT Sài Gòn Bình An.
Đáng chú ý, lô trái phiếu được đảm bảo bằng toàn bộ động sản và quyền tài sản của tổ chức phát hành phát sinh từ thỏa thuận, hợp đồng liên quan đến một phần Khu đô thị Sài Gòn Bình An (quận 2) do CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) làm chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo cho trái phiếu còn có cổ phần thuộc sở hữu của các cổ đông SDI; các tài sản gắn liền, phát sinh và liên quan đến Khu đô thị Sài Gòn Bình An của cả Hoàng Phú Vương và SDI; các tài sản bổ sung hoặc thay thế khác,…
Dự án gần 280ha của Hòa Phát tại Quảng Ngãi có chuyển động mới
Vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi – Đặng Văn Minh đã chủ trì cuộc họp để nghe và chỉ đạo giải quyết các vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án của Tập đoàn Hoà Phát trên địa bàn Khu Kinh tế Dung Quất.
Theo đó, ông Minh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, thẩm định, sớm tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua việc điều chỉnh tên và diện tích dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của huyện Bình Sơn.
Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 được Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất vào tháng 6/2021, với tổng diện tích gần 280 ha. Trong đó, có 235ha đã được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2021 tại quyết định 109 ngày 02/3/2021 nhưng không phải cho dự án Hòa Phát 2.
FLC ‘rót’ thêm 430 tỷ vào dự án Khu đô thị Tropical City tại Quảng Ninh
Theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) vừa công bố kết quả phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 430 tỷ đồng.
Phía FLC cho biết, toàn bộ số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu sẽ dùng để đầu tư phát triển dự án Khu đô thị Tropical City 1 tại phường Hà Khánh, TP Hạ Long, Quảng Ninh (Giai đoạn 1). Bên đứng ra sắp xếp thương vụ này là CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Hiện tại dự án Tropical City doTập đoàn FLC làm chủ đầu tư đã đủ điều kiện để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Theo đó, 142 căn nhà ở tại 4 lô liền kề O-II.24, O-II.25, O-II.26 và O-II.30 của dự án đủ điều kiện mở bán.
Doanh nghiệp của tỷ phú Xuân Trường đề xuất làm dự án 2.000ha tại Hải Dương
Theo ý tưởng đề xuất của công ty tỷ phú Xuân Trường, khu vực hồ Thanh Long rộng trên 1.000 ha, trong đó 300 ha ở xã Hưng Đạo, 600 ha ở xã Lê Lợi (cùng TP Chí Linh), 300 ha tại xã Đan Hội (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). Khu vực này có cảnh quan thơ mộng, thoáng đãng, bốn phía núi đồi bao bọc; hệ thống rừng cây, môi sinh tươi tốt, xóm làng trù phú cùng hệ thống di tích lịch sử lâu đời.
Đồng thời, doanh nghiệp này cam kết sẽ đầu tư gần 10.000 tỷ đồng với thời gian 10 năm vào dự án. Theo đề xuất của doanh nghiệp, khu vực hồ Thanh Long sẽ được xây dựng thành khu du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh, sinh thái tầm cỡ quốc gia, quốc tế.
Tại đây sẽ làm một số tượng đài, tháp chuông… trên các đảo nổi trong lòng hồ. Cải tạo chùa Thanh Long (chùa Gạo) thành ngôi chùa lớn. Xây dựng các khu dịch vụ, đón tiếp, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí, văn hoá ẩm thực,…
Tập đoàn Đèo Cả muốn làm cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu hơn 22.000 tỷ đồng
Thông tin từ Tập đoàn Đèo Cả, ngày 12/10, doanh nghiệp này đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình và Sơn La về một số nội dung liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu.
Theo đó, Đèo Cả sẽ hỗ trợ, tư vấn phương án thiết kế tối ưu; đồng thời làm việc với các bộ, ngành để đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư theo phương án đầu tư công.
Được biết dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (Sơn La) có tổng chiều dài 85 km, đi qua địa phận tỉnh Hòa Bình khoảng 49 km, đoạn qua tỉnh Sơn La khoảng 36km. Giai đoạn 1 với 4 làn xe, tiêu chuẩn cao tốc, có tổng mức đầu tư 22.294 tỷ đồng. Trong đó, vốn BOT 17.294 tỷ đồng; 2 tỉnh tham gia bằng quỹ đất giá trị 5.000 tỷ đồng (tỉnh Hòa Bình 900 tỷ đồng; tỉnh Sơn La 4.100 tỷ đồng). Thời gian hoàn vốn 26 năm.
Hiện nay, cả hai tỉnh này đang gấp rút chuẩn bị các phần việc, thống nhất các nội dung để dự án được triển khai. Trước đó vào tháng 3, tại buổi làm việc với các địa phương, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, với mức đầu tư hơn 22.000 tỷ thì việc sắp xếp vốn đầu tư sẽ rất khó khăn, nên giảm xuống khoảng 15.000 tỷ sẽ khả thi hơn.