Tin nhanh bất động sản hôm nay 17/6: Bí ẩn doanh nghiệp muốn ‘thế chân’ FLC tại khu đất vàng ở Hải Phòng

Viva Land thế chỗ của FLC tại ‘đất vàng’ ở Hải Phòng; Quốc hội thông qua hai ‘siêu dự án’ đường vành đai đường vành đai hơn 161.000 tỷ đồng; Nhiều vi phạm trong phân lô, bán nền ở ‘điểm nóng’ Cam Lâm (Khánh Hòa); Doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản;…là những thông tin đáng chú ý.

Viva Land thế chỗ của FLC tại ‘đất vàng’ ở Hải Phòng

Không lâu sau khi ông Eddie Lim – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Viva Land (Viva Land) chia sẻ về kế hoạch triển khai các dự án của Viva Land tại TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng thì mới đây, tại khu đất số 4 đường Trần Phú, quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) xuất hiện logo của Viva Land kèm theo dòng chữ “coming soon” trên hàng rào quây xung quanh khu đất. Khu đất này rộng hơn 13.000m2.

Nhiều khả năng, đây sẽ là địa điểm làm dự án mới của Viva Land tại Hải Phòng như những chia sẻ trước đó của CEO công ty này.

Logo của Viva Land bất ngờ xuất hiện tại khu đất vàng ở Hải Phòng trước đó thuộc sở hữu của Tập đoàn FLC.  
Logo của Viva Land bất ngờ xuất hiện tại khu đất vàng ở Hải Phòng trước đó thuộc sở hữu của Tập đoàn FLC.  

Được biết, trước khi Viva Land xuất hiện thì khu đất này thuộc về Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.

Cụ thể, tháng 11/2019, Hải Phòng có quyết định chủ trương đầu tư dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê với quy mô 72 tầng (tên thương mại là Tòa tháp FLC Diamond 72 Tower) cao 290m, tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Tháng 5/2020, FLC đã tổ chức động thổ dự án.

Tuy nhiên, sau lễ động thổ, nhà đầu tư đã không thực hiện các thủ tục như ký quỹ đầu tư, thuê đất, thẩm định thiết kế, xin cấp phép xây dựng khiến dự án vẫn chỉ là bãi đất trống.

Ngày 23/11/2020, UBND TP Hải Phòng ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định chủ trương đầu tư dự án và khu đất này cũng được nhiều lần mang ra đấu giá.

Về phía Viva Land, doanh nghiệp có trụ sở đặt tại số 2 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Viva Land có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực Bất động sản.

Viva Land từng nổi như cồn trên thị trường khi thâu tóm dự án cao ốc Saigon One Tower ngay giao lộ Hàm Nghi và Tôn Đức Thắng (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Đáng chú ý, tháng 1/2022, Viva Land cũng đã thông qua các đơn vị liên kết và công bố chính thức sở hữu tòa nhà Capital Place nằm trên đường Liễu Giai (quận Ba Đình, Hà Nội). Dự án này vốn của nhóm CapitaLand. Đây cũng là dự án văn phòng và thương mại đầu tiên của Viva Land tại khu vực phía Bắc.

Quốc hội thông qua hai ‘siêu dự án’ đường vành đai đường vành đai hơn 161.000 tỷ đồng

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Cụ thể, với dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, dự án dài khoảng 112,8 km. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341 ha. Tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 là 41.860 tỷ đồng; nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 – 2030 là 14.506 tỷ đồng; vốn do nhà đầu tư thu xếp là 29.447 tỷ đồng.

Tin nhanh bất động sản hôm nay 17/6: Bí ẩn doanh nghiệp muốn ‘thế chân’ FLC tại khu đất vàng ở Hải Phòng - Ảnh 1

Tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Trong khi đó, dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh dài khoảng 76,34km chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 642,7ha. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng. Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Nhiều vi phạm trong phân lô, bán nền ở ‘điểm nóng’ Cam Lâm (Khánh Hòa)

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết vừa có kết luận kiểm tra về tình trạng phân lô, bán nền tại huyện Cam Lâm. Theo đó, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Khánh Hòa hiện đã kiểm tra các thửa đất số 24, tờ bản đồ số 3 tại tổ dân phố Bãi Giếng 1, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm. Tại khu đất tại thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây thửa đất số 270 tờ bản đồ 22 (diện tích hơn 4.406 m2 trong đó 160 m2 đất ở đô thị và 4.246 m2 đất trồng cây lâu năm) và thửa số 11 tờ bản đồ số 22 (diện tích hơn 5.375 m2 trong đó đất ở nông thôn 200 m2 và đất trồng cây lâu năm 5.175 m2)…

Tin nhanh bất động sản hôm nay 17/6: Bí ẩn doanh nghiệp muốn ‘thế chân’ FLC tại khu đất vàng ở Hải Phòng - Ảnh 2

Theo đoàn kiểm tra liên ngành, hiện các lô đất này đều là đất trống, đã được san ủi mặt bằng, đầu tư hạ tầng về giao thông, cấp điện, thoát nước. Đoàn công tác liên ngành cho rằng việc chuyển đổi đất khác sang đất ở đã thiếu văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất dẫn đến một số khu vực được chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở có quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng không thống nhất.

Đoàn kiểm tra cũng nhận thấy mục đích việc hiến đất nhằm phục vụ nhu cầu lợi ích của cá nhân để thực hiện phân lô, bán nền, không phải là việc cho quyền sử dụng đất nhà nước thực hiện các công trình công cộng theo quy định pháp luật.

Đồng thời, việc hiến đất làm đường cũng không phù hợp với quy định về trường hợp người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất do không còn nhu cầu sử dụng theo luật Đất đai. Chưa hết, việc xây dựng đường giao thông, hệ thống thoát nước, dựng các trụ điện trên phần diện tích hiến tặng cho nhà nước là không phù hợp với Luật Đầu tư.

Doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản

Sáng 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với 94.18% đại biểu tán thành. Khoản 3 Điều 99 của luật này quy định doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ của Quỹ đại chúng.

Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản trực tiếp, nhưng được mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng; hoặc được nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn ba năm. Chính phủ sẽ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để bảo đảm thận trọng, tránh rủi ro.

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã đề xuất về việc không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ để kinh doanh bất động sản, nhưng vẫn cho phép doanh nghiệp được dùng vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ để tái đầu tư trở lại vào nền kinh tế để đảm bảo sự phù hợp với Nghị quyết số 39 ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị.

Theo HoREA, nguồn vốn bảo hiểm cũng là một nguồn vốn xã hội hoá rất lớn, nhất là nguồn vốn nhàn rỗi bảo hiểm nhân thọ thường có độ dài hàng chục năm hoặc lâu hơn. Do đó, cần khai thác, sử dụng hiệu quả để bổ sung thêm một nguồn vốn đầu tư “xã hội hoá” cho nền kinh tế, góp phần chia sẻ bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng.

Hải Dương điều chỉnh tăng diện tích Khu công nghiệp Phúc Điền

Được biết, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Phúc Điền do Công ty Cổ phần đầu tư Trung Qúy – Bắc Ninh làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn đầu tư là 1.802 tỷ đồng; trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 270,3 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.

Dự án có tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch khu công nghiệp sau điều chỉnh là 246,54ha (tăng 26,60ha so với quy hoạch đã phê duyệt 219,9ha). Trong đó, diện tích đất quy hoạch khu công nghiệp là 235,64ha (tăng 21,07ha); diện tích đất nghiên cứu kết nối khu công nghiệp là 10,90ha (gồm hành lang đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng).

Quyết định nêu rõ, điều chỉnh bổ sung đất dịch vụ thương mại hai bên đường gom tỉnh 394B và đất công nghiệp mới ở phía Nam; bổ sung đất nghĩa trang hiện trạng trong khu vực nghiên cứu quy hoạch; đất trung tâm dịch vụ khu công nghiệp điều chỉnh dịch chuyển vị trí từ phía Bắc tuyến mương hoàn trả ra phía Nam khu công nghiệp, tăng quy mô diện tích với các chỉ tiêu mật độ xây dựng tối đa các lô đất từ 59,8% đến 79,7%, cao tối đa 5 tầng.

Đối với phần diện tích đất công nghiệp (đất nhà máy, kho) điều chỉnh chia lại một số lô đất công nghiệp cho phù hợp hệ thống giao thông điều chỉnh; điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất như mật độ xây dựng tối đa 70%, số tầng cao từ 1 đến 3 tầng.

Về giao thông, bổ sung đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng trong ranh giới quy hoạch, phạm vi hành lang rộng 40,0m. Ngoài ra, điều chỉnh nắn chỉnh, bổ sung một số tuyến đường nội bộ để tăng tính kết nối nội bộ, thuận lợi cho việc khai thác các lô đất công nghiệp, thương mại.

Vị trí nghiên cứu quy hoạch Khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng thuộc địa phận các xã Vĩnh Hồng, Vĩnh Hưng, Hùng Thắng, huyện Bình Giang. Ranh giới tiếp giáp như sau: Phía Bắc giáp ruộng canh tác và đê sông Sắt; phía Nam giáp ruộng cạnh tác và đường tỉnh 395, đường ống dẫn dầu; phía Đông giáp ruộng canh tác, khu dân cư thôn Tuấn Bắc và thôn Tuấn Nam, xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang; phía Tây giáp ruộng canh tác, khu dân cư thôn Lý Đông, xã Vĩnh Hồng và ruộng canh tác, khu dân cư thôn Hồ Liễn, xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang.

Đầu tư gần 18.000 tỷ đồng làm đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, giai đoạn 1.

Theo đó, việc đầu tư khoảng 53,7 km, chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công; quy mô đầu tư của từng dự án thành phần chi tiết tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết.

Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 519,64 ha, tổng mức đầu tư của dự án là 17.837 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 là 14.270 tỷ đồng; nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2026 – 2030 là 3.567 tỷ đồng.

Nghị quyết nêu rõ việc chuẩn bị đầu tư, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.

MINH THU (T/H)

Theo Kinh doanh & Phát triển