Tin nhanh BĐS nổi bật tuần qua (15/3 - 19/3/2021)
Giá đất quanh khu vực quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tăng gấp ba, “dự án ma” kiểu Alibaba lại xuất hiện tại Phú Quốc, FLC muốn đầu tư loạt dự án hơn 3.000ha tại Thái Nguyên, công ty nhà Johnathan Hạnh Nguyễn chốt xây khu bán hàng miễn thuế gần 7.000 tỷ,… là những tin bất động sản được quan tâm trong tuần qua.
Tin tức thị trường bất động sản nổi bật tuần qua
Ăn theo quy hoạch phân khu đô thị sông hồng giá đất tăng gấp hai, gấp ba
Với kỳ vọng trở thành động lực phát triển đô thị hai bên bờ sông, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang khiến giá đất vùng ven thay đổi, “tăng nhiệt” theo từng ngày. Đơn cử như tại phường Cự Khối (quận Long Biên, Hà Nội), theo khảo sát, tại đây giá đất sau 1 tuần đã tăng từ 20 – 25%. Lấy ví dụ một mảnh đất trong ngõ rộng 3m hiện được chủ nhà chào bán với giá 55 triệu đồng/m2, trong khi trước đó, giá đất tại khu vực này chỉ dao động 40 – 45 triệu đồng/m2.
Hay như tại huyện Đông Anh, nếu như tuần trước ở các khu vực ven sông xã Xuân Canh giá chỉ dao động tầm 17-18 triệu đồng/m2 vì nằm trong hang cùng ngõ hẻm thì giờ đã lên đến 28 -30 triệu đồng/m2. Tại một lô đất gần đê sông Hồng giá cũng đang được chào bán tăng gần gấp đôi, lên đến 50-55 triệu đồng/m2.
Tại quận Hoàng Mai, giá đất có mức tăng từ 5 – 10 triệu đồng/m2 kể từ khi có thông tin quy hoạch. Đơn cử như tại khu vực đường Thuý Lĩnh, những lô đất có vị trí đẹp, đường ô tô trước đây được giao dịch khoảng 30 – 35 triệu đồng/m2 thì nay cũng tăng lên 45-50 trệu đồng/m2.
Bất động sản nhiều nơi tăng giá, Bộ Xây dựng nói gì?
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, nhiều địa phương đã ban hành hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng trong năm 2021, có mức tăng bình quân khoảng 15-20% so với bảng giá đất giai đoạn 5 năm trước…Tuy nhiên việc giá nhà đất tăng tại nhiều địa phương là do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Cụ thể là tình trạng lệch pha cung-cầu, do chuyển dịch dòng vốn đầu tư để đảm bảo an toàn khi các kênh đầu tư khác gặp khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Đó còn là tình trạng giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị… gây nhiễu loạn thông tin để “thổi giá” nhằm thu lợi bất chính… Cũng theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, đối với một dự án bất động sản thì chi phí về đất là một trong những chi phí đầu vào quan trọng ảnh hưởng đến giá thành đầu ra của dự án.
Đồng bằng sông Cửu Long – Mối quan tâm mới của nhà đầu tư BĐS trung và dài hạn.
Được biết đến như là vựa lúa của cả nước với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, khu vực ĐBSCL được đánh giá là vùng đất hội tụ đủ các điều kiện tự nhiên thuận lợi từ thổ nhưỡng đến khí hậu để sản xuất nông nghiệp và thủy hải sản. Bên cạnh đó, trong vài năm trở lại đây, các tỉnh thành lớn trong khu vực cũng trở thành điểm đến lý tưởng và được ưa chuộng bởi các nhà đầu tư bất động sản.
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, mặc dù có tiềm năng nhưng ĐBSCL hiện còn phải đối mặt với nhiều thách thức như biển đổi khí hậu làm sạt lở, gây hủy hoại mùa màng; trình độ của người lao động chưa cao khi tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo ở mức 90,8% theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD), làm ảnh hưởng đến năng suất của cả vùng; độ tuổi trung bình của người lao động ngày càng tăng khi nhiều người trẻ rời nông thôn lên thành thị. Chính vì vậy, để có thể gia tăng sự thu hút với nhà đầu tư và thuyết phục người dân ở lại địa phương, ĐBSCL vẫn còn nhiều vấn cần được giải quyết.
Vùng quy hoạch du lịch ở Ninh Bình bị thổi giá đất lên 300%
Liên quan đến việc giá đất nền tại khu vực xã Gia Thịnh, huyện Gia viễn (Ninh Bình) những ngày qua đột nhiên tăng chóng mặt. Trước thực trạng trên, UBND huyện Gia Viễn đã tổ chức tuyên truyền, cảnh báo người dân cần thận trọng khi đầu tư vào bất động sản ở khu vực này.
Khu đất nền tại xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình), gần trung tâm hành chính mới của huyện những ngày qua nhộn nhịp cảnh mua bán. Trên con đường mới san phẳng, hai bên vẫn ngổn ngang đất ruộng, nườm nượp ôtô và người tìm mua đất. Một số kiốt bất động sản cũng đã được dựng lên để phục vụ nhu cầu mua bán.
Tin tức các dự án nổi bật trong tuần
Phú Quốc tái xuất dự án ma kiểu Alibaba
Câu chuyện này đang diễn ra tại khu đất được giới thiệu là Center Phú Quốc thuộc chủ đầu tư SACOM Group. Theo giới thiệu từ chủ đầu tư, Center Group tọa lạc tại mặt tiền Tuyến tránh Dương Đông, nằm giữa trung tâm hành chính mới của TP Phú Quốc. Dự án này hứa hẹn một khu đô thị bậc nhất, rực rỡ, giàu tiềm năng kinh doanh và đáng sống nhất hiện nay.
Khi hỏi về pháp lý của những lô đất này, môi giới nói rằng, dự án đều có sổ riêng từng nền, đất trên sổ là đất trồng cây lâu năm. Hiện tại, Phú Quốc đang tạm ngưng cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp lên thổ cư. Do vậy, nếu muốn chuyển lên thổ cư, người mua phải chờ đến khi Phú Quốc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Thời gian qua, UBND TP Phú Quốc đã liên tục chỉ đạo các cấp, các ngành như Thanh tra, Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng với Công an huyện và các ngành chức năng, các xã, thị trấn, Vườn Quốc gia Phú Quốc tăng cường kiểm tra xử lý, nhưng làm không xuể. Công tác này có những lúc, những nơi chưa được đẩy lùi, ngăn chặn triệt để, vẫn còn tình trạng bao chiếm, lấn chiếm đất xây dựng, mua bán, sang nhượng trái phép trên địa bàn đảo.
Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng (Dũng “lò vôi”) đã thế chấp 09 sổ đỏ của dự án Khu nhà ở Đại Nam
Cụ thể, tại văn bản số 318/VPĐKĐĐ&CGCN ngày 2/2/2021 của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh về việc cung cấp danh sách chủ đầu tư đã thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã nêu rõ nội dung Công ty Cổ phần Đại Nam hiện đang thế chấp 309 Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ) dự án Khu nhà ở Đại Nam (phường Phú Tân, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương.
FLC muốn đầu tư loạt dự án hơn 3.000ha tại Thái Nguyên
Tính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn FLC đã đề xuất đầu tư tổng cộng 7 dự án với diện tích hơn 3.000ha tại Thái Nguyên bao gồm các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị.
Cụ thể, 7 dự án đã được đề xuất gồm: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị FLC Thái Nguyên (khoảng 1.477 ha); Khu đô thị mới FLC Thái Nguyên (khoảng 545 ha), nay là Khu đô thị mới Linh Sơn – Huống Thượng (TP Thái Nguyên); Khu đô thị mới Châu Sơn, TP Sông Công (khoảng 178,6 ha); Khu đô thị mới Phố Cò, TP Sông Công (khoảng 177,3 ha); Tổ hợp văn hóa đa năng và đô thị sinh thái Vô Tranh, huyện Phú Lương (khoảng 218 ha); Tổ hợp văn hóa đa năng và đô thị sinh thái Yên Lạc, huyện Phú Lương (khoảng 382 ha) và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Lương (khoảng 139,8 ha). Tổng diện tích 7 dự án trên lên đến hơn 3.000ha.
Công ty nhà Johnathan Hạnh Nguyễn chốt xây khu bán hàng miễn thuế gần 7.000 tỷ
Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết đã được UBND tỉnh Kiên Giang chọn là nhà đầu tư chủ lực nhiều dự án tại thành phố Phú Quốc. Trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt và lựa chọn IPPG là nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng khu phi thuế quan Phú Quốc.
Dự án có quy mô 101 ha với tổng mức đầu tư 6.830 tỷ đồng gồm 12 hạng mục chính, bao gồm khu phi thuế quan (hàng rào cứng) và khu thương mại, dịch vụ nằm ngoài khu phi thuế quan.
Tân Thành Holdings của đại gia Lê Thành muốn làm loạt dự án chục nghìn tỷ tại Đắk Lắk
Sau hàng loạt những ông lớn địa ốc, đến lượt Tân Thành Holdings của doanh nhân Lê Thành cũng đang tìm hiểu đầu tư tại Đắk Lắk với bốn dự án lớn. Tổng quy mô 4 dự án lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Đầu tiên là dự án Chuỗi giá trị dược liệu gắn với phát triển rừng bền vững khu vực Tây Nguyên – Mô hình điểm tại Đắk Lắk có quy mô hơn 1.000 ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên đến 3.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án dự kiến sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm từ 2021 – 2025.
Tiếp theo là dự án điện mặt trời Ea Súp, do CTCP Năng Lượng Xanh Tân Thành đề xuất. Số vốn đầu tư ban đầu của dự án lên đến hơn 46.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó là dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven hồ của CTCP Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Tân Thành. Hiện doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát, lập đề án và đề xuất được đầu tư xây dựng, phát triển các dự án BĐS nghỉ dưỡng ven hồ Lắk, hồ Ea Kao, hồ Ea Knốp…
Và cuối cùng liên danh Tập đoàn Thuận Việt Holdings, Tổng CTCP Công trình Giao thông 6 (CIENCO 6) và CTCP Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Tân Thành đã đề xuất đầu tư dự án cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang. Theo đó, khi tuyến cao tốc này hoàn thiện sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Nha Trang đến Đắk Lắk xuống chỉ còn chưa tới 2h.