Tin nóng bất động sản tuần qua: Môi giới có thể bị phạt lên đến 160 triệu đồng nếu cung cấp thông tin không trung thực
Lâm Đồng yêu cầu chủ đầu tư ‘siêu dự án’ hơn 25.000 tỷ Sài Gòn – Đại Ninh chuẩn bị vốn và cam kết không chuyển nhượng dự án; ‘đánh bắt xa bờ’ không còn là xu hướng của nhà đầu tư do Covid kéo dài; bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc đang khởi sắc trở lại; dự án Khu đô thị gần 900 ha của FLC tại Bắc Giang được thông qua nhiệm vụ quy hoạch;… là những thông tin được quan tâm nhất tuần qua
Môi giới bất động sản có thể bị phạt kịch khung tới 160 triệu nếu cung cấp thông tin không trung thực
Theo Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành xây dựng, môi giới nhà đất có thể bị phạt 120 – 160 triệu đồng nếu nói sai về bất động sản.
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng (gọi tắt là Dự thảo) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.
Cụ thể, tại Điều 61 quy định về kinh doanh dịch vụ bất động sản, môi giới có thể bị phạt 120 – 160 triệu đồng nếu có hành vi không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới. Theo quy định hiện hành tại Điều 58 Nghị định 139 ngày 27/11/2017 của Chính phủ, với vi phạm trên, môi giới chỉ bị phạt tiền 40 – 50 triệu đồng.
‘Đánh bắt xa bờ’ không còn là xu hướng của nhà đầu tư do Covid kéo dài?
Nhiều năm trước, “đánh bắt xa bờ” là một hướng đầu tư được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng khi họ cho rằng việc đầu tư “gần bờ” không đem lại hiệu quả. Thế nhưng đại dịch Covid-19 kéo dài và phức tạp khiến nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn với các suất đầu tư xa bờ.
Trong xu hướng đánh bắt xa bờ, xa xôi nhất là những cuộc viễn chinh của giới nhà giàu phía Bắc vào mua đất các thị trường phía Nam hoặc ngược lại. Tuy nhiên, xu hướng Nam tiến có phần đông đảo hơn do những năm qua thị trường phía Nam liên tục được khuấy động với những cơn sốt đất ở khu Đông, khu Tây, khu Nam và các thị trường vệ tinh giáp ranh như Đồng Nai, Long An, Bình Dương. Bên cạnh đó, khi dịch Covid-19 chưa xảy ra, với khí hậu nhiệt đới quanh năm, bất động sản nghỉ dưỡng ven biển phía Nam có lợi thế khai thác 4 mùa càng là yếu tố hút nhà đầu tư phía Bắc.
Tuy nhiên, dịch bệnh bùng nổ trong 2 năm qua với giãn cách, hạn chế di chuyển bắng máy bay… nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh tật khiến không chỉ các cuộc viễn chinh mà quá trình giao dịch của các nhà đầu tư có các suất đầu tư xa cũng gặp trở ngại. Theo các môi giới, nhiều giao dịch đã bị hủy vì chính những trở ngại do khoảng cách trong thời điểm dịch bệnh gây ra.
Bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc đang khởi sắc trở lại?
Mới đây, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ban hành kế hoạch triển khai chính sách, biện pháp để kích cầu, phục hồi các hoạt động du lịch, lữ hành giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Theo đó, Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước được ngành du lịch dự kiến thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn. Về kế hoạch cụ thể, được biết, dự kiến bắt đầu từ tháng 11, Phú Quốc sẽ thí điểm đón khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine”. Kế hoạch được triển khai trong vòng 6 tháng và sẽ có những điều chỉnh phù hợp tùy thuộc vào tình hình thực tế của dịch bệnh. Dự kiến trong 6 tháng thí điểm, Phú Quốc sẽ đón khoảng 25.000 – 45.000 lượt khách du lịch quốc tế. Nếu kế hoạch hiện thực hóa, bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc sẽ có những bước tiến mới.
Ngoài ra, sau hơn 1 năm cấm phân lô tách thửa, mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định số 11 quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh. Đây được coi là những động lực mới của thị trường đất nền, đất thổ cư Phú Quốc.
Bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc đang có những chuyển biến cụ thể trước những chính sách mới trên. Thông tin từ Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, dự kiến từ 1-10/11, Kiên Giang sẽ tổ chức diễn tập, chạy thử quy trình đón khách từ sân bay về khách sạn, trước khi chính thức đón khách quốc tế đến Phú Quốc sau ngày 10/11. Hiện có 14 khách sạn tiêu chuẩn 4 – 5 sao với 8.000 phòng được chọn để phục vụ thí điểm chương trình đón khách quốc tế. Được biết, cán bộ, nhân viên các doanh nghiệp này đã được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19.
Lâm Đồng yêu cầu chủ đầu tư ‘siêu dự án’ hơn 25.000 tỷ Sài Gòn – Đại Ninh chuẩn bị vốn và cam kết không chuyển nhượng dự án
Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Lâm Đồng vừa phúc đáp văn bản của Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh (Công ty SGĐN) về những vấn đề liên quan tới dự án Khu đô thị thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (dự án Đại Ninh).
Dự án này tổng vốn đầu tư thực hiện dự án này khoảng 25.000 tỷ đồng trên diện tích dự án gần 3.600ha, tọa lạc trên 4 xã thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Năm 2012, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định cho Công ty Sài Gòn- Đại Ninh chuyển mục đích sử dụng đất ở để thực hiện dự án.
Theo Sở KHĐT, Công ty SGĐN đã tạm nộp số tiền sử dụng đất là 100 tỷ đồng thể hiện doanh nghiệp có năng lực và quyết tâm thực hiện dự án Đại Ninh. Sở yêu cầu chủ đầu tư tích cực phối hợp với các sở ban ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục để triển khai dự án,
Đặc biệt, Sở KHĐT đề nghị Công ty SGĐN chuẩn bị các hồ sơ thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án: Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm điều chỉnh gồm thủ tục chuẩn bị đầu tư (đất đai, rừng, quy hoạch, xin phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường,…); tình hình triển khai xây dựng; tiến độ thực hiện vốn đầu tư; thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước.
Dự án Khu đô thị gần 900 ha của FLC tại Bắc Giang được thông qua nhiệm vụ quy hoạch
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang vừa có quyết định phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết 1/500 xây dựng Khu đô thị, du lịch sinh thái thể thao Khuôn Thần do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.
Theo đó, dự án cách trung tâm huyện lỵ 9,5km. Quy mô khoảng 873ha, chủ yếu là đất nông lâm nghiệp, trong đó diện tích mặt nước hồ Khuôn Thần khoảng 130ha. Không gian chức năng dự kiến gồm: đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng, đôi thị sinh thái, sân golf và vui chơi giải trí quy mô lớn, đồng bộ với đầy đủ các chức năng.
Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc xã Kiên Lao, nằm phía Tây Bắc của huyện Lục Ngạn. Ranh giới lập quy hoạch được giới hạn phía Bắc giáp đất rừng phòng hộ; phía Nam giáp đất rừng sản xuất và khu dân cư xã Kiên Lao; phía Tây giáp đất rừng phòng hộ; phía Đông giáp đất rừng sản xuất.
Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch dự án khoảng 873 ha. Dân số thường trú (cho khu vực đô thị) dự kiến 10.000 – 13.000 người; khách lưu trú 2.500 – 3.200 khách.
Bí ẩn một tổ chức đã mua trọn lô trái phiếu nghìn tỷ của công ty nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Tập đoàn Sovico đã chào bán thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn ba năm. Theo đó một tổ chức đã mua trọn lô trái phiếu này.
Cụ thể, lô trái phiếu được phát hành vào ngày 16/8/2021, kỳ hạn 36 tháng (ngày đáo hạn là 16/8/2024). Thương vụ được hoàn tất vào ngày 8/9/2021, đây là trái phiếu không chuyển đổi và không có tài sản bảo đảm. Lãi suất trái phiếu thực tế phát hành 10,5%/năm, được trả lãi 6 tháng/lần.
Phía Sovico cho biết, mục đích của đợt phát hành này nhằm thực hiện tài trợ vốn cho các chương trình, dự án đầu tư của công ty, đồng thời tăng quy mô vốn hoạt động và cơ cấu lại nguồn vốn của công ty.
Phát Đạt hoàn tất thương vụ ‘thâu tóm’ quỹ đất ‘kim cương’ ở trung tâm TP Đà Nẵng
Theo thông tin chính thức từ phía CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR), doanh nghiệp đã chính thức sở hữu quỹ đất 3 mặt tiền hiếm hoi tại giao lộ Bạch Đằng – Trần Phú – Lê Hồng Phong (TP Đà Nẵng).
Cụ thể, ngày 20/9/2021 trên trang chủ của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, doanh nghiệp thông báo đã hoàn tất thương vụ thâu tóm quỹ đất ‘kim cương’ tại trung tâm TP Đà Nẵng. Khu đất được mệnh danh là trục thương mại – văn hóa – du lịch tỷ đô tại trung tâm TP. Đà Nẵng.
Được biết thương vụ trên nằm trong chiến lược phát triển vùng duyên hải miền Trung cùng cam kết đồng hành cùng Chính phủ và UBND TP. Đà Nẵng trong tiến trình xây dựng khu kinh tế trọng điểm này.
Quỹ đất này có diện tích gần 3.000 m2, tọa lạc trên đại lộ Bạch Đằng, tiếp giáp mặt tiền đường Trần Phú, Lê Hồng Phong. Hợp điểm này được đánh giá là trung tâm của mọi hoạt động kinh tế, ngoại giao, văn hóa và giải trí của Đà Nẵng.
Công ty Kengsington muốn làm dự án khu đô thị và du lịch 235 ha tại Quảng Ngãi
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Ngãi có công văn phúc đáp Công ty TNHH Kengsington về đề xuất đầu tư dự án Khu đô thị và du lịch sinh thái dọc sông Phú Thọ quy mô khoảng 235 ha.
Văn bản nêu rõ, việc đầu tư dự án trên sẽ giúp kết nối khu vực TP Quảng Ngãi và khu vực xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa theo các định hướng phát triển quy hoạch giao thông của tỉnh (đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh).
Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ cung cấp bản đồ ranh giới dự án, chưa có phương án đề xuất cụ thể nên Sở KH&ĐT chưa có cơ sở để có ý kiến các nội dung khác có liên quan. Ngoài ra, dự án chưa đủ điều kiện triển khai thực hiện theo quy định.
Hòa Phát rót nghìn tỷ thành lập công ty con vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng
Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) vừa ra quyết định thành lập Công ty cổ phần Điện máy Gia dụng Hòa Phát với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Trong đó, tập đoàn góp 999 tỷ, tương ứng tỷ lệ sở hữu 99,9%.
Phía Hòa Phát cho biết, công ty con này sẽ hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm điện máy – gia dụng; trụ sở đặt tại số 39 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Từ nhiều năm qua, Hòa Phát đã được biết đến với các sản phẩm gia dụng như điều hòa, tủ đông, tủ lạnh,…
Hội đồng quản trị HPG ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Thảo Nguyên, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn làm đại diện phần vốn góp tại Điện máy Gia dụng Hòa Phát.