“Tọa độ” mới của nhiều ông lớn bất động sản
Trong bối cảnh quỹ đất ở TP.HCM ngày càng khan hiếm, các doanh nghiệp bất động sản đang đổ dồn sự chú ý về các tỉnh lân cận. Theo đó, thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đang đổ bộ vào Long An để đầu tư các dự án “khủng”.
Long An sở hữu nhiều lợi thế
Là cửa ngõ, nơi kết nối giữa TP.HCM và 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ; Phía Đông có cảng biển ra cửa sông Soài Rạp, cách Biển Đông 15 km, phía Tây có các cửa khẩu sang Campuchia, Long An có vị trí thuận lợi cho việc tiếp cận đầu tư vào các thị trường trong khu vực.
Long An hiện có 28 khu công nghiệp (KCN) với khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư sản xuất, trong đó có 6 quốc gia đang đứng đầu danh sách về tổng vốn đầu tư (FDI) là Anh, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Theo thống kê, trong 8 tháng/2023, Long An nằm trong top 10 tỉnh thu hút FDI lớn nhất Việt Nam, đạt 588 triệu USD. Mới đây, tỉnh còn công bố 9 dự án được đầu tư với hơn 1,7 tỷ USD (từ 21 triệu USD – 720 triệu USD/dự án) với nhiều doanh nghiệp lớn tham gia.
“Đức Hòa, Bến Lức với vị trí giáp TP.HCM, chính là đô thị vệ tinh đầu tiên để xây dựng các KCN lớn. Các KCN lớn từ 600 – 1.000ha, xung quanh TP.HCM thì chỉ có Đức Hòa và Bến Lức còn quỹ đất để phát triển”, ông Đinh Minh Tuấn, Giám Đốc Khu vực miền Nam batdongsan.com.vn chia sẻ.
Sở hữu nhiều tiềm năng, dù vậy, Long An vẫn được xem là “vùng trũng” về giá bất động sản nếu so với các địa phương lân cận TP.HCM như Bình Dương hay Đồng Nai. Vài năm gần đây, thị trường bất động sản Long An chứng kiến sự thay đổi cả về chất và lượng với sự xuất hiện của những dự án được quy hoạch chỉn chu, mang đến nhiều sắc thái mới cho diện mạo khu vực.
Đặc biệt, hàng loạt hạ tầng giao thông đang được xúc tiến đầu tư như mở rộng quốc lộ 1, quốc lộ N2, Võ Văn Kiệt, ĐT 824, ĐT 825, Vành đai 3, Vành đai 4… đã tạo bệ phóng quan trọng cho bất động sản Long An, thu hút giới đầu tư lẫn người mua ở thực.
Đáng chú ý, Long An còn sở hữu 6 trục động lực lớn: Trục động lực Đức Hoà (kết nối các KCN, đô thị Đức Hoà - Bến Lức - TP.HCM); Mỹ Quý Tây - Lương Hoà - Bình Chánh (kết nối cửa khẩu Mỹ Quý Tây - TP.HCM - Bến Lức); Quốc lộ 62 (kết nối TP.Tân An - Khu kinh tế cửa khẩu Long An); Vành đai 3, Vành đai 4 (kết nối Long An - ĐNB - sân bay Long Thành - Cảng); Quốc lộ 50B (kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang. Đây là cửa ngõ của 13 tỉnh ĐBSCL); Quốc lộ N1 (Đây là trục trung chuyển không cần qua TP.HCM, liên kết từ Tây Nguyên - ĐBSCL - sân bay quốc tế Long Thành - BRVT và Long An). Chỉ cần 2/6 trục động lực đi vào hoạt động sẽ giảm tải chi phí logistics, thu hút dân, nhà đầu tư và kéo theo các dự án, BĐS xung quanh phát triển.
Nhiều “ông lớn” tìm về làm dự án
Thực tế hiện nay, trong bối cảnh quỹ đất ở TP.HCM ngày càng khan hiếm, các doanh nghiệp bất động sản đang đổ dồn sự chú ý về các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, nếu Bình Dương và Đồng Nai đã sôi động trong vài năm qua với sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn thì Long An lại im ắng hơn và đang nổi lên là một điểm đến mới.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lớn đã “nhòm ngó” đến thị trường Long An và đã lên kế hoạch triển khai nhiều dự án quy mô lớn tại đây.
Đơn cử như trong thông báo mới của tỉnh Long An, liên danh Vinhomes và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) là đơn vị duy nhất đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tâytại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Dự án có hơn 7.000 căn nhà ở liền kề, gần 8.200 biệt thự, khoảng 13.440 căn hộ chung cư, khoảng 2.370 căn nhà ở tái định cư thấp tầng. Sơ bộ chi phí thực hiện dự án là 80.079 tỷ đồng, tương đương hơn 3,7 tỷ USD, trong đó chi phí bồi thường tái định cư là 10.678 tỷ đồng.
Đây là dự án có quy mô đầu tư lớn nhất của tỉnh Long An tính đến hiện tại. Trước đó vào tháng 10/2023, Long An vừa chấp thuận Công ty cổ phần Phát triển Thành phố Xanh làm nhà đầu tư dự án hơn 28.000 tỷ đồng ở huyện Đức Hòa.
Bên cạnh các dự án hiện hữu, thời gian qua, Long An liên tục kêu gọi đầu tư các dự án quy mô lớn. Chẳng hạn như dự án khu đô thị mới Tân Mỹ, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hoà cũng được Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An kêu gọi nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện.
Đây là dự án có diện tích khoảng 930,8ha, quy mô dân số gần 81.000 người. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khu đô thị mới Tân Mỹ là 74.400 tỷ đồng, tương đương hơn 3 tỷ USD. Trong đó, chi phí đầu tư xây dựng là 60.200 tỷ đồng và chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 14.200 tỷ đồng.
Trước đó, Tập đoàn Vingroup ký bản ghi nhớ đầu tư các dự án tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí.
Tập đoàn BIM Group ký biên bản ghi nhớ để nghiên cứu đầu tư phát triển lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo và nông nghiệp thực phẩm tại Long An.
Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng cũng đã ký bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư phát triển các khu đô thị, thương mại, dịch vụ với tiêu chuẩn quốc tế tại Long An.
Ngoài ra tại hội nghị, UBND tỉnh Long An đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng 40.400 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).
Trong đó, Liên danh Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển DB và Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark được UBND tỉnh Long An trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Khu đô thị sinh thái, thương mại, du lịch tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức. Dự án có quy mô trên 220ha, tổng mức đầu tư hơn 16.981 tỷ đồng (khoảng 720 triệu USD).
Theo đánh giá của bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield cho biết, kể từ năm 2019 - 2023, do quỹ đất ở khu vực trung tâm ngày càng cạn kiệt, thị trường đã, đang và sẽ tiếp tục có sự dịch chuyển các dự án ra xa so với trung tâm đến bán kính 30km, sang các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An, hình thành những khu đô thị mới với quy mô với hơn 10.000 căn hộ mỗi dự án.
Đồng thời, thị trường bắt đầu có xu hướng dịch chuyển xa hơn đối với các phân khúc văn phòng, bán lẻ, khách sạn và công nghiệp, tương ứng với sự mở rộng của thị trường nhà ở và sự phát triển của cơ sở hạ tầng. Điều này tạo ra những khu đô thị mới cung cấp đầy đủ các tiện ích cần thiết cho người dân, từ đó giảm áp lực quá tải cho khu vực trung tâm.