Vì sao chưa bỏ hạn mức tín dụng, tạo đà bứt phá cho các doanh nghiệp?

Nhiều chuyên gia cho rằng cần tính toán có lộ trình để bỏ hạn mức tín dụng, từ đó mở ra giai đoạn bứt phá của các doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực bất động sản đóng góp rất lớn cho nền kinh tế.

Vấn đề nới room tín dụng trở thành đề tài nóng được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm trong suốt hơn 1 tháng qua. Các nhà băng gần đây cũng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng được cấp từ đầu năm khiến người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay.

Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đã có 11 năm thực hiện công cụ hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng. Phần lớn dư luận đều đánh giá cao công tác điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, dù vậy vẫn có ý kiến cho rằng việc chậm nới room tín dụng đã làm lỡ mất thời cơ tăng trưởng hoặc nên bỏ hạn mức tín dụng vì công cụ này đã lạc hậu, là biện pháp hành chính và không còn ý nghĩa. Việc phân bổ hạn mức tín dụng chưa đảm bảo khách quan, tạo cơ chế xin cho…

Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại lại cho rằng, chưa thể bỏ công cụ hạn mức tín dụng vì sẽ gây áp lực lên lãi suất, phá vỡ tính ổn định mà room tín dụng đang tạo ra trong suốt một thập niên qua.

Nhiều ý kiến cho rằng việc chậm nới room tín dụng đã làm lỡ mất thời cơ tăng trưởng, nên bỏ hạn mức tín dụng vì công cụ này đã lạc hậu.
Nhiều ý kiến cho rằng việc chậm nới room tín dụng đã làm lỡ mất thời cơ tăng trưởng, nên bỏ hạn mức tín dụng vì công cụ này đã lạc hậu.

Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%, cao hơn tăng trưởng tín dụng thực tế của 2 năm 2020 (12,17%) và năm 2021 (13,61%). Tính đến hết tháng 8 dư nợ tín dụng đã tăng 9,91% là cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Với đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch thì thị trường vốn vốn chưa phát triển tương xứng với nhu cầu.

Tính chung số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đầu năm 2022 là 101.325 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 8 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Bỏ hạn mức tín dụng với từng ngân hàng

Sau sự bùng nổ tín dụng góp phần dẫn tới khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008 – 2011, Ngân hàng Nhà nước áp dụng cấp hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng theo các tiêu chí: quản trị hệ thống tốt, nợ xấu thấp, ưu tiên nhóm khách hàng thuộc các lĩnh vực căn cơ theo chỉ đạo của Chính phủ...

Việc áp dụng kiểm soát đã mang lại những kết quả nhất định, đặc biệt là ổn định hệ thống tiền tệ góp phần kiềm chế lạm phát, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được thì quy định cấp hạn mức tín dụng cũng bộc lộ một số vấn đề.

Tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15 ngày 9/6, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, cơ chế hạn mức tín dụng sẽ khiến nguy cơ xảy ra tình trạng ngân hàng có tiền mà không cho vay được, trong khi mục tiêu đề ra là phải thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội rất cấp bách.

Bên cạnh đó, cơ chế cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại hiện vẫn còn mang “dáng dấp” theo cách quản lý bao cấp và không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, việc cấp hạn mức tín dụng hàng năm dẫn tới năm nào cũng phải cấp lại, khi cần thiết các ngân hàng lại phải "đi xin" để nới.

Tại kỳ họp này khi thông qua Nghị quyết chất vấn, Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức nhà băng. Thay vào đó là xây dựng tiêu chí, phương thức xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng. Việc này nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với tiêu chuẩn Basel II và các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.

Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho rằng, việc kiểm soát hạn mức tín dụng đã phát huy tính hiệu quả trong giai đoạn vừa qua, đó là điều không thể phủ nhận, nhưng cũng đã đến lúc cần mạnh dạn thay đổi. Theo đó, cần có một lộ trình cụ thể để tiến tới bỏ hạn mức tín dụng trong 2 năm tới, tạo sự thuận lợi cho sự phát triển của các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cần huy động vốn đầu tư, xa hơn là tạo ra những hiệu ứng tốt cho nền kinh tế.

Bỏ hạn mức tín dụng là điều tất yếu, là xu hướng chung của thế giới không thể đảo ngược, hàng năm mọi ngân hàng phải trình cho Ngân hàng Nhà nước về kế hoạch phân bổ tín dụng với các ngành nghề và phải cam kết tuân thủ đúng với nội dung đó, bất kỳ ngân hàng nào làm sai đều bị xem xét xử lý.

Cần có một lộ trình cụ thể để tiến tới bỏ hạn mức tín dụng trong 2 năm tới.
Cần có một lộ trình cụ thể để tiến tới bỏ hạn mức tín dụng trong 2 năm tới.

Nhiều chuyên gia nhận định, khó khăn thiếu vốn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua khiến nhiều dự án bị đình trệ, nguồn cung hạn chế đẩy giá nhà tăng cao, bên cạnh nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng thì về lâu dài trái phiếu vẫn là kênh huy động vốn quan trọng.

Đề cập tới khó khăn tiếp cận vốn của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, nhất là với nhóm bất động sản, theo Luật sư Trương Thanh Đức, nguồn vốn chính, vai trò tăng trưởng kinh tế không thể là gánh nặng của ngành ngân hàng mà là của các bộ, ngành khác. Nguồn vốn phải chuyển sang các kênh khác, như trái phiếu doanh nghiệp. Nguồn trái phiếu bắt đầu bị thắt chặt, chờ sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, nhưng đã hơn 3 tháng chưa chốt được và gánh nặng lại đang dồn vào hệ thống ngân hàng.

Luật sư chia sẻ, năm 2020, khi tham gia thẩm định Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, tôi đã phản đối việc thắt chặt quá mức điều kiện phát hành trái phiếu. Vào cuối tháng 4 năm nay khi tham gia thẩm định việc sửa đổi, bổ sung Nghị định này, tôi tiếp tục phản đối. Không thể tìm kiếm sự an toàn của thị trường trái phiếu bằng cách đẩy gánh nặng cho thị trường tín dụng.

Phân bổ nhưng không cào bằng

Ủng hộ cơ chế cấp room tín dụng song lãnh đạo nhiều ngân hàng đề nghị cần có tỷ lệ phân bổ theo chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng, tránh việc phân bổ cào bằng. Việc thông tin riêng đến từng tổ chức tín dụng là cần thiết vì phân bổ theo xếp loại không thể công khai ra công chúng, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng.

Thực tế nhiều năm qua đã chứng minh phương pháp điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm cho từng tổ chức tín dụng đã phát huy hiệu quả trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việc thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm cũng giúp các tổ chức tín dụng chủ động trong hoạt động kinh doanh của mình.

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là một tham số kinh tế vĩ mô rất quan trọng, các ngân hàng trung ương trên thế giới đều kiểm soát chỉ tiêu này trực tiếp hoặc gián tiếp. Tại Việt Nam, chỉ tiêu này hàng năm đã được tính toán và xác định dựa trên các mô hình kinh tế lượng, căn cứ mục tiêu lạm phát, diễn biến kinh tế vĩ mô, tổng quy mô tăng trưởng tín dụng được xử lý khoa học. Tiêu chí phân bổ cho các ngân hàng càng ngày càng được làm chặt chẽ hơn theo Thông tư 52.

Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đề xuất bỏ room tín dụng không sai xét về mặt lý luận để có thể trả ngành ngân hàng về cơ chế thị trường vốn có. Tuy nhiên, những hệ lụy tiềm tàng đã đề cập trên sẽ có thể phá vỡ tính ổn định đang có mà room tín dụng đang tạo ra trong suốt một thập niên qua.

Không phải ngẫu nhiên, nhờ tính ổn định này mà hiện tại Ngân hàng Nhà nước đang có một lợi thế trong việc điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều bất ổn.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống