Vướng mắc pháp lý, tồn kho bất động sản tăng trong quý II/2023

Bộ Xây dựng cho biết, lượng tồn kho bất động sản trong quý II/ 2023 vào khoảng 16.688 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền). Con số này được ghi nhận tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tồn kho bất động sản vẫn tăng

Theo công bố của Bộ Xây dựng về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2023, lượng tồn kho được đánh giá tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ, đất nền của các dự án và căn hộ nghỉ dưỡng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và nghỉ dưỡng, giá trị tồn kho bất động sản hiện nay lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Nguồn: Bộ Xây dựng.  
Nguồn: Bộ Xây dựng.  

Có thể thấy, tổng lượng tồn kho bất động sản trong quý II năm 2023 vào khoảng 16.688 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền), trong đó: chung cư (1.714 căn); nhà ở riêng lẻ (7.477 căn); đất nền (7.501 nền). Đồng thời, tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong quý II năm 2023, mặc dù cũng có những tín hiệu tích cực về cơ chế chính sách, lãi suất ngân hàng đang trong xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn còn nhiều dự án bất động sản đang phải tạm dừng do vướng mắc liên quan đến quy định pháp lý, liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng và biến động nguyên vật liệu…

Ngoài ra, các dự án còn gặp khó về hạn chế vốn tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp.

Đáng chú ý, có một số doanh nghiệp bất động sản đã phát hành một lượng trái phiếu rất lớn (hàng nghìn tỷ đồng) và có hạn trả nợ vào năm 2023, trong khi doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về dòng để trả nợ. Đây là khó khăn, áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp này. Nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời, rất có thể thị trường bất động sản sẽ phải đón nhận hiện tượng "ra đi" của hàng loạt đối tượng, từ doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản đến doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản.

Khó khăn về pháp lý là nguyên nhân chủ yếu

Mới đây, vào ngày 3/8, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, nhiều doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những khó khăn cần tháo gỡ.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, kể từ năm 2022, thị trường bất động sản đã có nhiều biến động và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó, vướng mắc chủ yếu cốt lõi là về vấn đề pháp lý.

Trước những khó khăn của thị trường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp, nhiều văn bản đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành như Nghị quyết số 33/NQ-CP.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, lĩnh vực bất động sản trong quý II/2023 đã từng bước được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhưng vẫn có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, đồng thời còn nhiều khó khăn thách thức.

Về tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, ông Tú cho rằng, có nhiều dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản rất đa dạng. Trước những khó khăn về nguồn vốn, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 04 lần các mức lãi suất điều hành của NHNN trong 6 tháng đầu năm với mức giảm 0,5-2,0%/năm; điều đó tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.

Mặc dù ở thời điểm này, những áp lực đối với các doanh nghiệp bất động sản đã có phần “dịu” hơn. Tuy nhiên, ở góc độ người trong cuộc, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng sức khỏe của nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn đang bị suy yếu do tính thanh khoản của thị trường cũng như việc tiếp cận nguồn vốn. Mà nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này chính là những bất cập về pháp lý.

Theo đó, hệ lụy để lại sẽ là những doanh nghiệp rời bỏ thị trường nếu như vấn đề này không được giải quyết. Từ những doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản đến doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản và môi giới bất động sản.

Việc thị trường bất động sản ảm đạm không chỉ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp trong ngành mà đối với những doanh nghiệp khác hoạt động kinh tế liên quan cũng rất khó khăn.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển