Tồn kho bất động sản chủ yếu nằm ở nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án
Theo Bộ xây dựng thống kê từ số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương cho thấy, lượng tồn kho bất động sản quý II/2023 vào khoảng 16.688 căn với tỷ trọng tồn kho nghiêng về phân khúc bất động sản nhà ở tiêng lẻ và đất nền dự án.
16.688 căn tồn kho
Theo công bố của Bộ Xây dựng về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2023, lượng tồn kho được đánh giá tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Tỉ trọng chính của tồn kho tập trung chủ yếu trong phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án, cùng với căn hộ nghỉ dưỡng từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và nghỉ dưỡng.
Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương (có 17/63 tỉnh), lượng tồn kho bất động sản trong quý II năm 2023 vào khoảng 16.688 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền), trong đó: chung cư (1.714 căn); nhà ở riêng lẻ (7.477 căn); đất nền (7.501 nền). Giá trị tồn kho bất động sản hiện nay lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Bộ Xây dựng nhận định, trong quý II năm 2023, mặc dù có những tín hiệu tích cực về cơ chế chính sách, lãi suất ngân hàng đang trong xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn còn nhiều dự án BĐS đang phải tạm dừng do vướng mắc liên quan đến quy định pháp lý, liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng và biến động nguyên vật liệu… Ngoài ra, các dự án còn gặp khó về hạn chế vốn tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp.
Giải bài toán tồn kho thế nào?
Nhận định về thị trường bất động sản, giới chuyên gia nhấn mạnh, những điểm nghẽn của thị trường một phần không nhỏ liên quan đến pháp lý. Nói như chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành: “70% khó khăn của thị trường BĐS đến từ những vấn đề pháp lý”.
Theo các chuyên gia, hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản… vẫn còn bất cập cần sửa đổi như: Chưa thống nhất về hình thức lựa chọn (đấu giá, đấu thầu, chỉ định) chủ đầu tư dự án có sử dụng đất.
Thêm vào đó, hiện thị trường bất động sản rất thiếu vốn trung và dài hạn ổn định. Kênh huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Dòng vốn ứng trước của khách hàng và vốn chủ đầu tư chỉ chiếm khoảng 15-30% tổng mức đầu tư của dự án.
TS Võ Trí Thành nhận định, bất động sản có độ lan tỏa lớn và cần nhìn nhận bất động sản theo nghĩa bất động sản dịch vụ, đa công năng, khai thác công trình và xây dựng. bất động sản luôn cần nguồn vốn lớn nên có sự liên quan chặt chẽ tới hệ thống tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo TS Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (Vnrea) nhận định:“Về giải pháp dài hạn, cần sớm ban hành sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS đồng bộ, tránh chồng chéo; các cơ chế chính sách đủ hấp dẫn với chủ đầu tư và nhà đầu tư, khách hàng mua bất động sản. Doanh nghiệp BĐS cũng cần cơ cấu lại sản phẩm, ưu tiên vào phân khúc phù hợp nhu cầu đại đa số người dân; quản trị lại doanh nghiệp, xác định lại giá thành để hạ giá bán hợp lý trên thị trường; đàm phán với nhà đầu tư về các phương án giãn hoãn nợ, hàng đổi hàng…”.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị giải quyết những khó khăn, vướng mắc của thị trường BĐS và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương đề xuất sửa đổi các quy định có tác động trực tiếp đến thị trường BĐS. Trong phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm, Bộ Xây dựng đã chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), hai dự án Luật này đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và đang tiếp tục hoàn thiện. Dự kiến, 2 dự thảo Luật này sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào tháng 11/2023.
"Đây là 2 luật có ý nghĩa quan trọng và có tác động tích cực đến thị trường nhà ở, BĐS, nếu thông qua sẽ góp phần cải thiện mạnh mẽ niềm tin vào môi trường đầu tư, tạo sự minh bạch và ổn định cho thị trường nhà ở và BĐS tại Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.