2023 có gần 10.000 môi giới địa ốc rời bỏ thị trường
Số liệu thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, tới cuối năm 2023, chỉ khoảng 20% môi giới địa ốc - tương đương khoảng 60.000 người - còn hành nghề, dẫn tới thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng này ngay khi thị trường chớm hồi phục.
Năm 2023, khi thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, ảm đạm, xuống dốc không phanh khiến những ai đang hoạt động trong ngành môi giới bất động sản buộc phải dừng “cuộc chơi” vì không có nguồn thu nhập. Ghi nhận trong năm 2023, có tới gần 10.000 môi giới bất động sản rời bỏ thị trường.
Khảo sát được Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Đất Xanh Services thực hiện vào tháng 9/2023 với nhóm môi giới nghỉ việc cho biết, xấp xỉ 38% có ý định quay trở lại làm việc khi thị trường hồi phục, 24% nói rất phân vân và 27% đã đổi nghề, không có ý định quay lại.
Giai đoạn cuối năm, thị trường chứng kiến “cuộc đua” tuyển dụng nhân sự môi giới của các sàn giao dịch bất động sản. Trong khi đó, các chủ đầu tư cũng đưa ra các chính sách hấp dẫn để thu hút các sàn, đơn vị phân phối qua việc hỗ trợ marketing hoặc tăng các khoản thưởng nóng.
Trên thực tế, từ cuối tháng 9/2023, nhiều công ty môi giới nhà đất lớn như Vietstarland, Newstarland, Đông Tây Land, One Housing… đã đăng thông báo tuyển dụng từ hàng trăm đến hàng ngàn nhân viên. Không những vậy, các đơn vị thành viên chuyên về hoạt động phân phối của các chủ đầu tư lớn như Vinhomes cũng liên tục đăng tin tuyển dụng.
Điều này đã cho thấy, thị trường bất động sản đang nhen nhóm tín hiệu phục hồi.
Nguy cơ thiếu hụt môi giới bất động sản khi thị trường hồi phục?
Có khoảng 200.000 môi giới bất động sản “rơi rụng” kể từ thời điểm dịch Covid-19 tới nay, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng trong thời gian tới, khi thị trường địa ốc được nhận định sẽ dần sôi động trở lại.
Nhưng nhìn ở một góc độ khác, như nhiều lãnh đạo đơn vị phân phối bất động sản chia sẻ cuối năm 2023, số lượng môi giới rơi rụng đa phần rơi vào nhóm “tay ngang”, thiếu kinh nghiệm, yếu về chuyên môn, năng lực và cả đạo đức. Vì thế, đây là cơ chế chọn lọc tự nhiên, tạo ra sự công bằng với những người có đầy đủ kỹ năng và kinh nghiệm, qua đó góp phần tạo lập sự phát triển bền vững hơn cho thị trường, nhất là khi trách nhiệm và địa vị của người môi giới dần được nâng cao trong suy nghĩ của khách hàng nói riêng, người dân nói chung.
Khi Luật Kinh doanh bất động sản mới đây có quy định, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản ngoài việc phải có chứng chỉ hành nghề, thì còn phải làm trong một tổ chức kinh doanh dịch vụ giao dịch, môi giới bất động sản. Điều này sẽ siết hoạt động môi giới, không còn “cò đất” tay ngang trong nghề môi giới bất động sản nữa.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS nhấn mạnh, người làm môi giới bất động sản muốn trụ vững trên thị trường ở bối cảnh hiện tại không chỉ cần có quyết tâm, đam mê nghề nghiệp, mà còn phải liên tục nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nếu không sẽ phải rời bỏ thị trường như một cơ chế sàng lọc tự nhiên, bởi khi đó cơ hội sẽ thuộc về những người có kỹ năng và kinh nghiệm tốt hơn.
Có một thực tế là nghề môi giới bất động sản tại Việt Nam chưa thật sự được coi trọng. Nhiều khách hàng chỉ coi môi giới là người có thông tin, giới thiệu, “chỉ trỏ” để hưởng hoa hồng. Bản thân không ít chủ đầu tư coi môi giới là bên bán thuê, cần việc nên có những công việc chèn ép môi giới, yêu cầu ký cược tiền nhằm chiếm dụng vốn, đôi khi lên đến cả trăm tỷ đồng mới cho bán hàng, thậm chí ép môi giới phải tiếp tay làm trái quy định pháp luật.
“Vì chưa chuyên nghiệp, một bộ phận môi giới bất động sản vẫn bị sa đà vào những hành vi chưa chuẩn mực, nên cộng đồng, xã hội coi môi giới bất động sản chỉ là ‘cò mồi’ và không được trân trọng”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS nhận xét.