Bất động sản 24h: Giá mặt bằng hạ nhiệt, đại gia bất ngờ “vung“ tiền gom vị trí “vàng“ Hà Nội
Giá mặt bằng hạ nhiệt, đại gia bất ngờ vung tiền gom vị trí vàng Hà Nội; Thị trường khách sạn nghỉ dưỡng sẽ bùng nổ sau đại dịch... là những thông tin bất động sản được quan tâm nhất trong 24h qua.
Giá mặt bằng hạ nhiệt, đại gia bất ngờ "vung" tiền gom vị trí "vàng" Hà Nội
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bủa vây, một số nhãn hàng mới tận dụng thời điểm giá thuê giảm nhiệt hiện nay để tìm kiếm những vị trí đắc địa hơn cho cửa hàng đầu tiên của họ.
Theo thống kê của Savills, nguồn cung bán lẻ tại Hà Nội tăng trưởng trung bình 5%/năm trong 5 năm qua. Do không có nguồn cung mới, tổng nguồn cung đạt khoảng 1,6 triệu m2 vào quý II năm nay, ổn định theo quý và tăng 2% theo năm.
Bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc Cho thuê thương mại Savills Hà Nội - cho biết, tình hình Covid-19 từ năm ngoái cho đến 6 tháng đầu năm nay đã khiến nhiều chủ đầu tư trì hoãn việc khai trương các trung tâm thương mại mới.
Thị trường khách sạn nghỉ dưỡng sẽ bùng nổ sau đại dịch
Tiềm lực tài chính tốt của nhiều người dân Việt Nam sẽ tiếp tục tạo lực đẩy cho du lịch trong nước, cũng như những kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ từ khách du lịch quốc tế sẽ thúc đẩy ngành khách sạn bùng nổ.
Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đang chưa có dấu hiệu dừng lại đã mang lại rất nhiều thách thức cho phân khúc khách sạn tại Việt Nam. Trong những tháng vừa qua, thị trường chứng kiến hàng trăm khách sạn lớn nhỏ được rao bán.
Vậy các nhà đầu tư đã và đang nắm bắt cơ hội như thế nào trong bối cảnh này? Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam về cơ hội của phân khúc khách sạn tại Việt Nam.
Giá VLXD tăng phi mã: Thị trường BĐS lao đao, người mua nhà mắc kẹt trong “bão giá"
Giá vật liệu xây dựng (VLXD) tăng cao từ đầu năm đến nay kéo theo một chuỗi các hệ luỵ liên quan. Từ chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng đến thị trường bất động sản và cuối cùng là người mua nhà đều phải gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong thời gian qua, giá thép trên thị trường toàn cầu cũng như ở Việt Nam đang có nhiều diễn biến phức tạp. Cụ thể, từ cuối năm 2020, giá thép có chiều hướng tăng mạnh, cho đến giữa quý I/2021 có điều chỉnh giảm nhưng không đáng kể; sau đó, giá thép lại tiếp tục tăng đến cuối tháng 5/2021 và đến nay bắt đầu giảm. Tuy nhiên, chưa có gì chắc chắn giá thép sẽ giảm về mức ổn định trước đó, bởi chiều hướng tăng - giảm đang dùng dằng, không rõ rệt.
Đơn cử, giá thép xây dựng loại thép cuộn D6, D8 cuối năm 2020 ghi nhận ở mức 12 triệu đồng/tấn tại các thương hiệu Hòa Phát, Pomina, Việt Nhật, Việt Ý, Tung Ho. Đến giữa tháng 4/2021, giá thép tăng cao với loại thép cuộn D6, D8 lên tới 16,9 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn ở mức 16,4 - 17 triệu đồng/tấn. Giá thép cuộn tiếp tục tăng mạnh và "lập đỉnh" vào tháng 5/2021 khi đạt tới 19,5 triệu đồng/tấn.
Đến thời điểm cuối tháng 7/2021, ghi nhận trên thị trường giá thép đã giảm về dưới 17 triệu đồng/tấn như: dòng thép cuộn D6, D8 có giá từ 16,1 - 16,29 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn 16,3 - 17 triệu đồng/tấn.
Thị trường bất động sản phía Tây TP. Nha Trang sẽ ngày càng sôi động
Ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa khẳng định, khu vực phía Tây Nha Trang với ưu điểm quỹ đất sạch lớn đang là lựa chọn hàng đầu thu hút các chương trình đầu tư phát triển nhà ở.
Thời gian gần đây, Nha Trang đang phát triển mạnh mẽ về phía Tây để giải toả áp lực chật chội cho khu vực trung tâm thành phố. Những trục đường chính như đường Võ Nguyên Giáp và đường Vành đai 2 được kỳ vọng tạo động lực phát triển các khu đô thị khu vực phía Tây Nha Trang, làm gia tăng giá trị các dự án bất động sản, tạo nên một khu vực sôi động, sầm uất trong tương lai không xa. Để hiểu rõ hơn về những bước chuyển mạnh mẽ cũng như tiềm năng thị trường bất động sản phía Tây Nha Trang, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa.
Vay 700 triệu, trả lãi 1 triệu/ngày, chủ khách sạn kiệt sức, bán nhà trả nợ
Hơn một năm dịch bệnh khắp nơi khiến công việc kinh doanh khách sạn của chị Mai ế ẩm, khoản tiền tích trữ không còn, nợ ngân hàng và khoản vay lãi trả góp hàng ngày khiến người phụ nữ này kiệt sức.
Đó là thực tế cuộc sống của vợ chồng chị Mai, 33 tuổi ở Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Chị Mai chia sẻ, gia đình chị có 4 người gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ. Vợ chồng chị ở trong một ngôi nhà nhỏ 30m2, nằm sâu trong ngõ. Cuộc sống của vợ chồng chị vốn khá ổn định. Chị làm tư vấn cho một công ty dược lương tháng 10 triệu, chồng chị làm kỹ thuật cho một công ty phần mềm lương 15 triệu. Tuy nhiên, 3 tháng nay do ảnh hưởng bởi dịch nên anh cũng đang thất nghiệp ở nhà.
Nhiều năm trước, sau khi tiết kiệm được 1,2 tỷ đồng, chị Mai quyết định bỏ nghề tư vấn ổn định để chuyển sang kinh doanh khách sạn nhỏ. Bởi chị thấy, kinh doanh khách sạn có thể mang lại lợi nhuận cao, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội.