Bất động sản 24h: Nhận diện 2 khu vực được Nhà đầu tư bất ngờ quay trở lại

Nhà đầu tư bất ngờ quay lại 2 khu vực này, giao dịch sôi động trở lại, giá BĐS bắt đầu nhích lên; Bất động sản công nghiệp bứt phá nhờ vốn đầu tư nước ngoài.,.. là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Nhà đầu tư bất ngờ quay lại 2 khu vực này, giao dịch sôi động trở lại, giá BĐS bắt đầu nhích lên

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, bất động sản tại Hà Tiên, Phú Quốc (Kiên Giang) đã có nhiều chuyển biến tích cực trong quý 1/2021. Các nhà đầu tư (NĐT) đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư ngày càng nhộn nhịp, trong đó đất nền đô thị sở hữu lâu dài được tìm kiếm mạnh.

Ghi nhận cho thấy, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, khó lường trong nước và trên thế giới, tỉnh Kiên Giang vừa chủ động thực hiện công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa triển khai nhiều giải pháp kích cầu phục hồi, tạo động lực cho ngành du lịch duy trì nhịp độ phát triển. Từ đó cũng kích thích thị trường bất động sản phát triển theo.

Bất động sản Phú Quốc được các nhà đầu tư quan tâm  
Bất động sản Phú Quốc được các nhà đầu tư quan tâm  
Chưa kể, gần đây, Phú Quốc, Hà Tiên liên tục đón nhận những thông tin tốt đã tạo nên lực hấp dẫn hút NĐT quay trở lại. Đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường bất động sản các khu vực này trở nên sôi động hơn trong vài tháng trở lại đây.

Cụ thể, tại Phú Quốc, thị trường bất động sản có thêm động lực khi trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam từ tháng 3/2021. Tìm hiểu cho thấy, nhà đầu tư quay trở lại Phú Quốc đã bắt đầu xuất hiện mạnh mẽ từ thời điểm này. Trong đó, nhiều chủ đất cũng bắt đầu có động thái nâng giá tăng thêm từ 10 - 15%. 

Bất động sản công nghiệp bứt phá nhờ vốn đầu tư nước ngoài

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản trong quý I/2021 tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước, khi đạt trên 600 triệu USD, với 12 dự án được cấp mới và tăng vốn, cùng 25 lượt góp vốn, mua cổ phần.

Trong đó có 10 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 431,86 triệu USD, chiếm hơn 71% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản trong quý I. Đặc biệt, 8/10 dự án được cấp phép mới thuộc phân khúc bất động sản công nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 430 triệu USD, bằng 99,7% tổng vốn đăng ký mới. Mảng nhà xưởng, kho bãi được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều nhất.

Nhà đầu tư nước ngoài rót lượng vốn lớn nhất vào phân khúc này là Amigos An Phu Holding Pte. Ltd với 185 triệu USD vào Công ty TNHH Công nghiệp New Motion tại Khu công nghiệp Phú Tân, thuộc Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương (Bình Dương). Dự kiến trong quý II/2021, doanh nghiệp này sẽ khởi công xây dựng công trình đầu tiên trong cụm công trình nhà xưởng sản xuất, nhà kho, văn phòng, hoàn thành xây dựng cơ bản và vận hành thử nghiệm công trình đầu tiên trong quý III/2021.

Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW (Hà Lan) cũng đầu tư vào dự án 27 của Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW Tân Phú Trung với mức vốn đầu tư đăng ký là 80,61 triệu USD nhằm xây dựng nhà kho cho thuê và cung cấp dịch vụ kho bãi, dịch vụ logistics tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung (Củ Chi, TP.HCM).

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bán lẻ, thương mại điện tử, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát đã góp phần thúc đẩy nhu cầu thuê kho bãi của các doanh nghiệp trên toàn cầu.

Trong cơ cấu chi phí thuê kho bãi, ngoài giá thuê, thì nhà đầu tư và doanh nghiệp đi thuê cũng hết sức cân nhắc chi phí nhân công tại chỗ, bởi chi phí này chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí vận hành kho bãi (ngoài chi phí điện, dầu diesel) để vận hành tòa nhà và phương tiện vận tải. Với yếu tố này, Việt Nam hoàn toàn có lợi thế. Theo báo cáo chi phí thuê kho bãi toàn cầu (54 thị trường tại 21 quốc gia), Việt Nam đang là nơi có chi phí vận hành thấp nhất trong bảng xếp hạng. 

Khánh Hòa: Đại gia giấu tên đề xuất lấn biển 1.500 ha là ai?

Thông tin này được đưa ra trong buổi làm việc mới đây của Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hoà để nghe UBND tỉnh báo cáo một số nội dung liên quan đến điều chỉnh quy hoạch chung về xây dựng và đề án cơ chế, chính sách phát triển Khu kinh tế Bắc Vân Phong. Đây là lần thứ 2, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa nghe UBND tỉnh báo cáo tiến độ việc thực hiện đề án nói trên.

Đơn vị tư vấn đề xuất bổ sung xã Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh) với diện tích khoảng 3.500ha và phần lấn biển với diện tích 1.500ha trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong  
Đơn vị tư vấn đề xuất bổ sung xã Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh) với diện tích khoảng 3.500ha và phần lấn biển với diện tích 1.500ha trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong  
Theo Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế Vân Phong, sau cuộc họp do ông Nguyễn Khắc Định, Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hoà chủ trì ngày 12/3, đơn vị tư vấn đã đánh giá lại thực trạng vùng quy hoạch; chỉnh sửa, bổ sung các nội dung thay đổi về ranh giới, quy mô, phạm vi ngành nghề và định hướng phát triển.

Cụ thể, đơn vị đã bổ sung xã Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh) với diện tích khoảng 3.500ha và phần lấn biển với diện tích 1.500ha trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong. Tổng diện tích Khu kinh tế Vân Phong không thay đổi với 150.000ha, trong đó có khoảng 75.000ha đất liền và đảo.

Ông Hoàng Đình Phi, Trưởng BQL Khu Kinh tế Vân Phong cho biết, so với quy hoạch được phê duyệt năm 2014, đồ án điều chỉnh quy hoạch xác định mục tiêu xây dựng Khu kinh tế Vân Phong thành trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trong đó trọng tâm là dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, công nghệ giải trí hiện đại có casino.

Hệ luỵ tiêu cực từ dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội trong dự án thương mại

Ngày 1/4/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Theo đó, Nghị định 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau: “Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị:

1. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc từ 5 ha trở lên tại các đô thị loại II và loại III phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội.

2. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 2 ha tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc nhỏ hơn 5 ha tại các đô thị loại II và loại III thì chủ đầu tư không phải dành quỹ đất 20% và có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất của dự án theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Bên cạnh đó, Nghị định 49/2021/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 và 4 Điều 9 cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội :

b) Được dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư;”

Như vậy, có thể nói, việc quản lý quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội đã được tăng cường theo hướng chặt chẽ hơn, hướng tới cả mục tiêu khuyến khích xây nhà ở xã hội và mục tiêu bảo đảm lợi nhuận cho nhà đầu tư, đồng thời, góp phần cải thiện cảnh quan đô thị các khu đô thị, nhà ở dân cư theo quy hoạch được duyệt.

Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra vấn đề nên có sự linh hoạt và hài hòa mục tiêu hơn trong quy định buộc dành quỹ đất 20% cho xây nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại cao cấp.

Thấy gì từ việc Hà Nội có kế hoạch đấu giá 1.084,8 ha đất?

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn. Theo đó, diện tích đất đấu giá năm 2021 theo kế hoạch là 177,29 ha, thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021 dự kiến đạt 23.673,33 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2023, diện tích đất đấu giá dự kiến là 1.084,82 ha, thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất dự kiến đạt 104.002,77 tỷ đồng.

Cụ thể, kế hoạch đấu giá đất năm 2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ có tổng số 446 dự án (trong đó có 284 dự án chuyển tiếp), tổng chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn trả là 4.882,78 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2022 - 2023, tổng số dự án đưa vào đấu giá đất là 507 dự án với tổng diện tích đất để đấu giá là 422,07 ha, số tiền trúng đấu giá dự kiến hơn 38,12 nghìn tỷ đồng và chi phí GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn trả dự kiến hơn 6,98 nghìn tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, vừa qua cùng với việc sốt nóng giá đất diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước thì tình trạng sốt nóng đấu giá đất cũng đã diễn ra. Như tại tỉnh Thanh Hóa, vừa qua khi địa phương này tiến hành đấu giá 46 lô đất ở thuộc một vùng quê thì đã có đến hơn 2.000 bộ hồ sơ tham và đặc biệt hơn giá trúng đấu giá đã tăng “sốc” khi khởi điểm ở mức từ 250 triệu/lô đã được người dân đấu lên tới 1,4 tỷ đồng/lô.

Hà Linh (tổng hợp)

Theo Reatimes